(Tổ Quốc) - Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của năm 2023 do Báo điện tử Tổ Quốc bình chọn.
1. Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Ban Chấp hành Trung ương đánh giá trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026, đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; chỉ đạo tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ, phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trung ương đã kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ theo quy định.
2. Một năm đầy sôi động, nổi bật của hoạt động ngoại giao
Các chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden và nhiều nhà lãnh đạo cấp cao các nước; các chuyến thăm chính thức của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới nhiều quốc gia tạo nên những dấu ấn quan trọng của đối ngoại Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam và Trung Quốc đồng ý xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”; nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” với Hoa Kỳ và Nhật Bản, nâng quan hệ lên đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt, là cơ sở quan trọng về lý luận và thực tiễn, thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. Thành công của hoạt động đối ngoại năm 2023 đã cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, góp phần tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
3. Tăng trưởng GDP đạt trên 5%
Trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP trên 5% với nhiều tín hiệu tích cực: xuất khẩu gạo vượt 8 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 4,4 tỷ USD - cao nhất kể từ năm 2009...
Vốn FDI đạt mức cao nhất kể từ năm 2020, trong đó vốn đăng ký đạt 28,85 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 20,25 tỷ USD. Đặc biệt, xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.
4. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt, góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Năm 2023, Bộ Chính trị ban hành nhiều quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán. Những quy định này góp phần tăng cường kiểm soát chặt chẽ quyền lực của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của người đứng đầu.
Khởi tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Đặc biệt, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị khác, 23 cán bộ thanh tra, kiểm toán đã bị khởi tố; phát hiện số tiền nhận hối lộ của một cá nhân lên tới 5,2 triệu USD - lớn nhất từ trước đến nay.
5. Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới; Đại danh y và nhiều địa danh được UNESCO vinh danh
Ngày 22/11 tại Paris (Pháp), trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản thế giới), Việt Nam đã trúng cử, trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với 121 phiếu, đứng thứ nhất trong nhóm châu Á - Thái Bình Dương.
Sau Hà Nội, mới đây, hai thành phố nữa của Việt Nam được công nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo UNESCO là Đà Lạt trong lĩnh vực âm nhạc và Hội An trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Cũng trong năm 2023, Quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; các thành phố Hội An và Đà Lạt được công nhận là "Thành phố sáng tạo" trong lĩnh vực thủ công - nghệ thuật dân gian và âm nhạc; đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh và kỷ niệm nhân 300 năm ngày sinh của ông. Bên cạnh đó, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” tại Giải thưởng Du lịch Thế giới.
6. Nhiều sự kiện văn hóa nổi bật
Chuỗi các hoạt động nhân Hội thảo 80 Đề cương về văn hóa Việt Nam: Khởi nguồn và Động lực phát triển được tổ chức năm 2023 đã chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa, nhằm tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, giá trị thực tiễn của bản Đề cương, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 22/12 Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thông qua Hội nghị đã có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.
7. Du lịch phục hồi ấn tượng, đón 12,5 triệu lượt khách quốc tế
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt khách, đạt mục tiêu đón 12,5 - 13 triệu lượt khách của năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.
Hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện.
8. Thể thao Việt Nam lần đầu tiên đứng đầu kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài
Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32 diễn ra ở Campuchia, đoàn Thể thao Việt Nam đã giành 136 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc và 114 Huy chương Đồng, xuất sắc giành vị trí số 1 chung cuộc.
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ở một kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài, sau 2 lần nhất toàn đoàn trên sân nhà vào các năm 2003 và 2022.
9. Siết chặt quản lý xây dựng "chung cư mini"
Vụ cháy “chung cư mini” xảy ra đêm 12/9 tại phố Khương Hạ, Hà Nội đã làm 56 người chết, 37 người bị thương. Thảm họa này rung lên hồi chuông báo động về tình trạng buông lỏng quản lý xây dựng ở các khu đô thị, khu dân cư.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành chức năng đã tổng rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý xây dựng, triển khai các giải pháp cấp bách để phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ…, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
10. Ấn định thời điểm cải cách chính sách tiền lương
Việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương dựa vào vị trí việc làm, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng sẽ được thực hiện từ ngày 01/07/2024.
Mục tiêu hàng đầu của chính sách này là để tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình; trả lương đúng để đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững./.