• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

10 sự kiện, vấn đề nổi bật năm 2017

Thời sự 29/12/2017 06:34

(Tổ Quốc) -Năm 2017 đã có nhiều sự kiện, vấn đề thu hút sự quan tâm to lớn của cộng đồng người dân trong nước cũng như trong khu vực và trên thế giới. Cùng báo Điện tử Tổ Quốc điểm lại 10 sự kiện, vấn đề nổi bật của năm 2017.

1. APEC: Thành công trên mọi phương diện

Tại Lễ tổng kết Năm APEC 2017 ngày 27/11/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khẳng định Tuần lễ Cấp cao đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện.

Đầu tháng 11/2017, sau gần 2 năm chuẩn bị, nước chủ nhà Việt Nam đã lần thứ 2 tổ chức thành công với sự có mặt của 21 lãnh đạo các nền kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương tại Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng. Đây cũng là hoạt động cuối cùng khép lại năm APEC Việt Nam 2017 với nhiều hoạt động, nhiều thỏa thuận, văn kiện được ký kết, bàn thảo.

APEC Việt Nam 2017 đã khép lại thành công với nhiều hoạt động, nhiều thỏa thuận, văn kiện được ký kết, bàn thảo. Ảnh: TTXVN

Đăng cai Năm APEC 2017 cũng đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước ngay sau Đại hội lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng ta cũng đã đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump – là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong năm đầu nhậm chức. Cùng với đó là chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Chile Michelle Bachelet, và chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Nhân dịp này, chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Canada. Những kết quả song phương lịch sử đó cùng với gần 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo nước ta với lãnh đạo các thành viên APEC đã đặt nền móng để tiếp tục nâng tầm quan hệ của Việt Nam với các thành viên APEC.

2. Chống tham nhũng và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan

Ngày 17/4, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng bí thư yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung lực lương, truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước. Tại các cuộc họp của ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã liên tục chỉ đạo các cơ quan xử lý các đại án.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nam Nguyễn

Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên tục có những kết luận về những vụ việc nóng của lãnh đạo cấp cao tại nhiều địa phương, bộ ngành, tập đoàn kinh tế nhà nước… Những ngày cuối năm, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và nhiều quan chức nguyên là lãnh đạo Tập đoàn này.

Trong năm qua, nhiều vụ án kinh tế lớn, phức tạp được đưa ra xét xử, điển hình là vụ án ở Ngân hàng Đại dương (OceanBank); xét xử vụ cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga; Chủ tịch các ngân hàng thương mại…

3. “Cuộc chiến BOT” và những bất hợp lý phải điều chỉnh

Năm 2017, ngành Giao thông đã vất vả xử lý những vấn đề đặt ra từ nhiều trạm BOT trên cả nước. Đỉnh điểm là trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang, từ một vấn đề kinh tế, BOT đã trở thành vấn đề xã hội. Tới đầu tháng 12, Thủ tướng đã phải chủ trì một cuộc họp và ra quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh BOT Cai Lậy từ 1-2 tháng để Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn. Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đánh giá tổng thể cơ chế chính sách đầu tư đối với các dự án BOT, đẩy mạnh triển khai việc thu phí không dừng ở những tuyến có điều kiện.

4. Mưa lũ gây thiệt hại lớn ở các tỉnh phía Bắc và sự tàn phá khốc liệt của bão Dumrey

Hồi đầu tháng 10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, tại nhiều địa phương ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 300-400 mm, một số nơi trên 600 mm. Mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã gây ra đợt lũ lớn, có nơi vượt mức lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề. Mưa lũ đã làm 54 người chết và 39 người mất tích.

Chưa hết, đầu tháng 12, bão số 12 có tên gọi Damrey đã đổ vào Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Người dân ở khu vực này đã rất vất vả để đối phó với bão lớn trong 30 năm qua. Cơn bão làm 107 người chết; 16 người mất tích; thiệt hại 22.600 tỷ đồng… Nhiều quốc gia như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... sau đó đã gửi các khoản viện trợ khẩn cấp đến các địa phương này.

Biến đổi khí hậu đang ngày một gây những hậu quả tàn khốc cho Việt Nam.

5. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn.

Hội nghị Trung ương V và VI trong năm 2017 tiếp tục cụ thể hoá các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra. Tại đây, các nghị quyết được ban hành như: tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… đã tiếp tục đặt ra những bài toán phải thực hiện triệt để, kiên quyết. Đặc biệt là vấn đề tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận.

6. GDP ước tính đạt 6,81%

Năm 2017 được coi là năm mà nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng được cải thiện. Cán cân thương mại của Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu trong 2 năm liên tiếp 2016 và 2017.  Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, GDP cả năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra là 6,7% và cao hơn mức tăng trưởng của các năm từ 2011 đến 2016.

7. Kỳ tích tăng trưởng của du lịch Việt Nam

Ngành Du lịch đã có một năm với một bức tranh tươi sáng với việc đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ đô la Mỹ. Đây có thể coi là kỳ tích tăng trưởng về tổng số khách quốc tế và mức tăng trưởng số lượng khách quốc tế trong một năm đạt 3 triệu lượt khách so với năm 2016.

Kỳ tích tăng trưởng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam: 13 triệu lượt. Ảnh: Nam Nguyễn

Cùng với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch sửa đổi được thông qua, sự đầu tư và phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp du lịch nội địa, hy vọng, du lịch Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến và doanh thu từ ngành công nghiệp không khói tiếp tục tăng.

8. Thể thao Việt Nam đạt nhiều thành tích cao

Tại SEA Games 29 tổ chức tại Malaysia, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành 169 huy chương, trong đó có 59 huy chương vàng, đứng thứ 3 toàn đoàn. Trong đó, nhiều đoàn thể thao có những thành tích ấn tượng như Đội tuyển Điền kinh… Tiếp sau SEA Games, các VĐV điền kinh, bơi lội và cử tạ Việt Nam phá 11 kỷ lục Para Games ở Malaysia giúp cho Đoàn Thể thao Việt Nam giành được 161 huy chương, xếp thứ 4 toàn đoàn.

 Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam tiếp tục giành Huy chương Vàng tại SEA Games 29. Ảnh: Nam Nguyễn

Nhiều hoạt động thể thao khác cũng giành các thứ hạng cao trên đấu trường khu vực và quốc tế.

9. Bài Chòi, Hát Xoan được UNESCO tôn vinh

Ngày 7 và 8 tháng 12/2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam; Hát Xoan Phú Thọ đã được đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Hát Xoan được vinh danh tại UNESCO. Ảnh: Nam Nguyễn

Với sự vinh danh này, nhiều hình thức nghệ thuật văn hóa truyền thống của Việt Nam tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Đồng thời khẳng định với thế giới một Việt Nam tôn trọng đa dạng văn hóa, gắn kết cộng đồng, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau…

10. Cuộc chia tay cảm động giữa bệnh nhân và bác sỹ

Mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân của ngành y nhiều nơi bị méo mó. Nhưng tại Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, một cuộc chia tay cảm động giữa bệnh nhân với vị Viện trưởng về hưu đã khiến nhiều người dân cảm động vào ngày 2/10. GS. Nguyễn Anh Trí đã tham gia buổi chào cờ cuối cùng trước khi chia tay cùng toàn thể cán bộ, nhân viên của Viện. Gần 1.000 người đã xếp hàng hai bên vẫy tay chào trong nước mắt, đó là những cán bộ, nhân viên cùng gắn bó, đồng cam cộng khổ với Giáo sư suốt 14 năm qua, là những người bệnh tuy không phải Giáo sư trực tiếp điều trị nhưng lại được thụ hưởng nhiều thành tựu mà Giáo sư và tập thể Viện mang lại.

Những hình ảnh chia tay đầy xúc động của đăng tải trên website của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương giữa GS Nguyễn Anh Trí với cán bộ, công nhân viên, bệnh nhân của Viện đã để lại những cảm xúc khó quên của năm 2017.

Giữa những bộn bề của cuộc sống, hình ảnh cảm động giữa bệnh nhân và vị Viện trưởng về hưu đã để lại nhiều cảm xúc tốt lành.

Tổ Quốc

NỔI BẬT TRANG CHỦ