Chiều tối 15-7, 11 ngư dân trên tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) đã về đến đất liền.
Chiều tối 15-7, 11 ngư dân trên tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) đã về đến đất liền.
Cơ quan chức năng cùng các ngư dân ghi lại sự việc bị tông chìm tàu - Ảnh: Trần Mai |
Ngay sau khi cập cảng, 11 thuyền viên tàu cá QNg 90559 do ông Trương Văn Đức (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ tàu đã vào Trạm biên phòng Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) trình báo sự việc với Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi và Công an tỉnh Quảng Ngãi.
“Tôi chỉ thấy khi họ tông xong thì rời ra xa, tiếp tục pha đèn quan sát, sau đó bỏ đi không cứu giúp chúng tôi dù tàu đang chìm dần. Rõ ràng họ cố giết chúng tôi” |
Ông Trương Văn Đức (chủ tàu QNg 90559) |
Ông Đức cho biết khoảng 21g tối 9-7, tàu ông Đức cùng bốn tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vào khu vực biển cách đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) chừng 4 hải lý để lặn bắt hải sản. Lúc này phát hiện một tàu Trung Quốc tiến từ đảo Hải Nam ra truy đuổi.
Bốn tàu lập tức tăng tốc tản ra nhiều hướng.
“Tàu Trung Quốc truy đuổi tàu tôi hơn hai giờ. Đến khoảng 23g, khi đang ở tọa độ 16’52 độ bắc, 112’33 độ đông, tàu Trung Quốc sau khi truy đuổi bắn đạn và pha đèn bất ngờ tông mạnh vào mạn trái khiến tàu vỡ một lỗ lớn, bị phá nước và bắt đầu chìm. Lúc này các ngư dân đi trên tàu hốt hoảng chạy dồn về phía mũi tàu. Chỉ có tôi cầm lái hạ ga và dùng Icom điện cho các tàu đánh bắt gần đó đến ứng cứu” - ông Đức kể.
Ông Đức cũng cho biết vì lúc này trời rất tối, tàu Trung Quốc lại pha đèn công suất lớn nên không nhìn thấy số hiệu tàu đã tông chìm tàu cá QNg 90559.
Ngư dân Nguyễn Văn Tiên, phờ phạc sau phiên biển hãi hùng, trên khuôn mặt vẫn còn nguyên nét sợ hãi kể lúc tàu Trung Quốc truy đuổi pha đèn trên tàu thấy phả hơi nóng, anh Đức cầm lái, còn những người khác núp ở các vị trí trong cabin. Khi nghe tiếng đạn nổ, ai nấy đều tìm vị trí ẩn nấp, sợ trúng đạn.
“Đến khi nghe một tiếng động mạnh rồi nước vào tàu, anh em mới hốt hoảng chạy hết về phía mũi tàu, chuẩn bị thúng và can nhựa nhảy xuống biển. Lúc đó ai cũng nghĩ mình chết. May mà lúc này anh Hải còn đủ bình tĩnh để điện đàm cho anh em tàu khác đến ứng cứu. Nếu hoảng loạn như chúng tôi thì chết hết rồi” - ngư dân Tiên nói.
Ngư dân Võ Hải, thuyền trưởng tàu QNg 95779, sau khi đưa 11 ngư dân trở về đất liền cũng vào trình báo sự việc với cơ quan chức năng.
Là người lái tàu đến cứu 11 ngư dân, anh Hải cho biết lúc nghe anh Đức kêu cứu qua Icom, tàu anh cách vị trí tàu anh Đức bị đâm chìm chừng 16 hải lý, lập tức cho tàu tăng tốc đến ứng cứu, đồng thời đàm về Icom của Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu và Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn báo cáo sự việc. Khi đến nơi đã thấy tàu QNg 95248 do anh Lê Văn An làm thuyền trưởng vớt các ngư dân lên tàu.
“Lúc này đã 1g sáng, dù đã lên tàu nhưng khuôn mặt ai cũng sợ hãi. Nhiều ngư dân nằm xuống sàn tàu vì quá mệt và hoảng sợ khi phải vật lộn với sóng biển nhiều giờ” - anh Hải nói.
Đến 20g, Công an tỉnh Quảng Ngãi và Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi vẫn tiếp tục lấy lời khai báo của các thuyền viên.
Ông Phùng Đình Toàn, phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản kiêm phó chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, cho biết khi nhận được thông tin đã có báo cáo sự việc gửi Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, Tổng cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư.
“Chúng tôi lên án hành động xua đuổi phi pháp, đâm chìm tàu cá của ngư dân đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam mà phía Trung Quốc gây ra” - ông Toàn nói.
TRẦN MAI
Nguồn: Tuổi trẻ