(Tổ Quốc) - Ở Việt Nam, mặc dù Luật pháp về các vấn đề Hôn nhân và Gia đình đã quy định tuổi kết hôn ở phụ nữ là đủ tròn 18 và nam giới là đủ tròn 20, song 11% phụ nữ tuổi từ 20 đến 49 đã kết hôn hoặc đã sống chung như vợ chồng trước tuổi 18.
Ngày 29/6, tại Hà Nội, Hội thảo quốc gia về Tảo hôn và kết hôn trẻ em với hơn 100 chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế, cơ quan nhà nước ở trung ương và đại diện gần 30 địa phương trong cả nước, các tổ chức trong nước và cơ quan nghiên cứu đã chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế, những chiến lược và các biện pháp can thiệp hiệu quả, đồng thời thảo luận những khuyến nghị về chính sách đối với Việt Nam nhằm giải quyết tình trạng tảo hôn.
Hơn 100 chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo |
Để đảm bảo Việt Nam có thể xây dựng một phương pháp tiếp cận toàn diện nhằm chấm dứt tình trạng tảo hôn, Hội thảo quốc gia về Tảo hôn và kết hôn trẻ em xem xét và thảo luận những bài học về các yếu tố và rào cản chính làm cản trở các biện pháp can thiệp hiệu quả. Hội thảo chỉ ra những cơ hội hợp tác đa ngành của các bên liên quan và lồng ghép biện pháp can thiệp về tảo hôn vào các chương trình phát triển và chương trình kinh tế - xã hội trong điều kiện của Việt Nam, đặc biệt đối với vùng dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và và Bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) đã tham dự Hội thảo nhằm nhấn mạnh cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện tuyên bố ASEAN về Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và Xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em, bao gồm cả việc xóa bỏ tình trạng tảo hôn, kết hôn trẻ em, cũng như nhằm chia sẻ kinh nghiệm hay của khu vực ASEAN.
Hội thảo được Uỷ ban Dân tộc, UN Women, UNICEF và UNFPA, các tổ chức phi chính phủ (World Vision, Plan International, Childfund, iSEE) với sự tài trợ của Cơ quan hợp tác phát triển của Ireland (Irish Aid) và một số quỹ khác, sẽ xác định những hỗ trợ cần thiết để biến những cam kết thành hiện thực.
Hội thảo thảo luận những khuyến nghị về chính sách đối với Việt Nam nhằm giải quyết tình trạng tảo hôn |
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ nhấn mạnh “Tảo hôn đã làm hạn chế cơ hội học tập của trẻ em gái, làm các em mất đi các cơ hội được đào tạo và tìm được công việc làm ổn định. Tảo hôn cũng khiến các trẻ em gái dễ mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tinh thần và thể chất của các em. Tảo hôn cũng làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình và các dạng bạo lực trên cơ sở giới”. Ông nói thêm “Tảo hôn là vi phạm quyền trẻ em, nếu xét trên bình diện tổng thể thì tảo hôn còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế - xã hội khác tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số.”
Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam chia sẻ “Chìa khoá để phá vỡ chu trình tảo hôn và kết hôn trẻ em là tăng quyền năng và đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái. Mọi phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng bởi kết hôn trẻ em và tảo hôn cần được tiếp cận những dịch vụ có chất lượng về giáo dục và đào tạo, tư vấn về pháp luật và y tế, kể cả tư vấn sức khỏe sinh sản và tình dục, nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác. Điều này đòi hỏi mọi cơ quan chính phủ cần đảm bảo rằng quá trình lập kế hoạch, ngân sách, hoạch định chính sách, và giám sát việc thực hiện phản ánh được nhu cầu của trẻ em gái và trai, và việc đầu tư vào tăng quyền năng cho trẻ em gái cần được ưu tiên ở mọi khía cạnh và mọi lĩnh vực.”
Bà Trần Thu Huyền- Trưởng Đại diện của tổ chức Tầm nhìn thế giới, đại diện cho các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ hội thảo này nhấn mạnh vai trò của trẻ em trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này. “Điều quan trọng là cần lắng nghe quan điểm của trẻ em về những nguyên nhân sâu xa của tình trạng kết hôn trẻ em và cần thu hút cũng như tăng quyền năng cho trẻ em để các em có thể cùng tham gia tìm giải pháp nhằm phòng ngừa và chấm dứt nạn kết hôn trẻ em, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc thiểu số”- bà Trần Thu Huyền cho biết.
Những khuyến nghị của Hội thảo về cải cách chính sách và nghiên cứu trong thời gian tới nhằm chấm dứt tình trạng tảo hôn ở Việt Nam sẽ được tổng hợp và giới thiệu với các bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan trong nước để có hành động cụ thể cho ngành, lĩnh vực cũng như từng địa phương trong cả nước./.