Sáng 2/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ tôn vinh các trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam,
Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; cùng đại diện lãnh đạo 86 hội, ngành toàn quốc và 63 liên hiệp hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội đồng xét chọn đã lựa chọn 112 trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu để đề nghị Đoàn Chủ tịch Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) quyết định công nhận và tặng Bằng khen.
Đây là các cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trong cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương; có sáng kiến được cơ quan có thẩm quyền công nhận, đóng góp xây dựng mô hình tổ chức, phương thức tập hợp, vận động trí thức tham gia vào các hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, có đề tài khoa học công nghệ được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực góp phần vào sự phát triển chung của đất nước; có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, tư tưởng chính trị vững vàng, trong sáng, luôn trung thành và chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; có uy tín trong nội bộ tổ chức; uy tín đối với đội ngũ trí thức của ngành, lĩnh vực, địa phương; uy tín đối với các cơ quan lãnh đạo của ngành, lĩnh vực, địa phương; không vi phạm pháp luật, được ghi nhận bằng nhiều hình thức khen thưởng cụ thể của các cấp chính quyền.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc mừng tới 112 trí thức tiêu biểu được tôn vinh tại buổi lễ, cùng với hàng trăm, hàng nghìn trí thức, nhà khoa học đang ngày đêm thầm lặng cống hiến cho nền khoa học nước nhà, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. “Đây là những tấm gương về nghị lực, về những phẩm chất rất cao đẹp của người trí thức trong thời đại mới”.
Chia sẻ một số suy nghĩ với các trí thức, nhà khoa học, Phó Thủ tướng cho rằng những năm qua đất nước đã đạt được những thành tựu phát triển rất toàn diện nhưng do chiến tranh, xuất phát điểm quá thấp nên trình độ kinh tế-xã hội của Việt Nam còn khiêm tốn so với mặt bằng chung trên thế giới. Thu nhập theo đầu người của Việt Nam hiện chỉ ở thứ 130 trên thế giới, thuộc diện các nước thu nhập trung bình. Tuy nhiên, với tinh thần phát triển bền vững, chú ý con người, thế giới đánh giá rất cao Việt Nam đã dành những thành quả phát triển cho con người tốt hơn nhiều nước có cùng trình độ phát triển.
Trong nhiều lĩnh vực có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, Phó Thủ tướng nêu một số ví dụ tiêu biểu như giáo dục phổ thông của Việt Nam xếp hạng 38 trên thế giới; hiệu quả chăm sóc y tế, sức khỏe tương đương những nước có thu nhập gấp 3-5 lần; chỉ số đổi mới sáng tạo liên tục tăng và hiện đứng thứ 42 trên thế giới.
“Các nhà khoa học trên thế giới đều nói rằng nguồn lực quý nhất của Việt Nam là con người. Vấn đề đặt ra là làm sao khơi dậy được trí tuệ Việt Nam. Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm đến phát triển khoa học, công nghệ. Chúng ta cần chuyển nhận thức ấy, các văn kiện của Đảng thành cơ chế, chính sách cụ thể”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Theo Phó Thủ tướng, đầu tiên là các cơ chế, trực tiếp nhất là cơ chế kinh tế, phải khuyến khích mọi sự sáng tạo trong xã hội, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, triển khai và đào tạo nguồn nhân lực. “Ai cũng biết về lâu dài đầu tư cho giáo dục, khoa học và công nghệ là lợi nhất nhưng trong lúc còn khó khăn, doanh nghiệp và xã hội cần những cơ chế khuyến khích, ưu đãi bằng vật chất, tôn vinh về tinh thần, cả trước mắt lẫn lâu dài”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đề nghị đội ngũ trí thức, các nhà khoa học cần đóng góp nhiều hơn nữa trong xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển đất nước, trực tiếp nhất là những cơ chế, chính sách để phát triển khoa học công nghệ. “Chúng ta cần đổi mới tư duy để khuyến khích phát triển khoa học công nghệ bằng ưu đãi kinh tế, vật chất, tôn vinh về mặt tinh thần. Cơ chế quản lý kinh phí khoa học thay vì tìm cách bịt mọi lỗ hổng để tránh thất thoát thì khơi dậy, cổ vũ các nhà khoa học, bằng lòng tự trọng của người trí thức, sẽ sử dụng nguồn kinh phí đó một cách hiệu quả nhất, có trách nhiệm trước nhân dân, đất nước”, Phó Thủ tướng trao đổi và cho biết Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ liên quan rà lại tổng thế chính sách quản lý kinh phí khoa học. Liên hiệp hội cùng đội ngũ trí thức, nhà khoa học cần trực tiếp tham gia xây dựng khung chính sách quản lý khoa học, công nghệ theo tư duy mới.
Phó Thủ tướng mong muốn Liên hiệp hội tiếp tục huy động, thu hút thêm các trí thức, nhà khoa học tham gia, để “thực sự thành đội ngũ trí thức cách mạng, có vai trò quyết định đối với việc tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Các cấp ủy đảng, chính quyền cũng cần quan tâm thực sự đến vấn đề này.
“Kinh nghiệm thực tế cho thấy ở địa phương nào mà cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực sự đến khoa học, công nghệ, bố trí nhân lực, tài lực và thời gian chỉ đạo thì quy tụ được nhiều trí thức, nhà khoa học hơn”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Phó Thủ tướng tin tưởng với sự đồng tâm nhất trí của đội ngũ trí thức, sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước trong thời gian tới chắc chắn sẽ được tăng cường, có những tiến bộ thực chất, góp phần đưa đất nước nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Đội ngũ trí thức, nhà khoa học của Việt Nam không chỉ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học, công nghệ mà còn là những tấm gương sáng của những trí thức yêu nước, góp phần đóng góp, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội, đẩy lùi những tác động xấu của cơ chế kinh tế thị trường. Để những giá trị tốt đẹp nhất của đất nước, dân tộc được phát huy, để thực sự Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn”, Phó Thủ tướng nói.