• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

15 năm ngày Doanh nhân Việt Nam: "Cộng đồng doanh nghiệp phải minh bạch, phát triển bền vững..."

Kinh tế 13/10/2019 10:07

(Tổ Quốc) - "Cộng đồng doanh nghiệp phải minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, phải tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị, làm ăn bài bản và có trách nhiệm...", ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh.

Nhân dịp 15 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), các chuyên gia kinh tế đã chia sẻ về những hạn chế và giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn nữa đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập:

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

img3448-15395748034921550005610

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Minh Khánh

Chính phủ thời gian qua đã có một loạt hành động rất thiết thực để thúc đẩy môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tiếp tục với những mục tiêu mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, nhiệm kỳ Chính phủ mới còn có Nghị quyết 35 – là đặc sản của nhiệm kỳ này.


Cơ chế đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cũng hoạt động rất mạnh mẽ,  qua đó Chính phủ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Dù chúng ta đã cải thiện rất nhiều nhưng cũng chỉ mới xếp thứ  5 trong ASEAN về môi trường kinh doanh. Thời gian thực hiện các quy định về thủ tục hành chính của nước ta vẫn xếp thứ 68 của thế giới, nghĩa là đang mức trung bình của thế giới.

Vì thế, để mở đường cho doanh nghiệp lớn lên, Chính phủ cần tháo gỡ và khắc phục nhanh những điểm nghẽn về thể chế, những vướng mắc, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh, bảo đảm sự nhất quán trong khung khổ pháp luật hiện nay về doanh nghiệp và đầu tư kinh doanh, cắt giảm các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh…

Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn, đó là hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành thành viên của các tổ chức thương mại, sự chuyển đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp ứng dụng công nghệ số, những thay đổi rất lớn trong dòng chảy đầu tư toàn cầu... Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với cộng đồng doanh nghiệp là phải minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, phải tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị, làm ăn bài bản và có trách nhiệm. Cộng đồng doanh nghiệp phải phát triển bền vững, đảm bảo kết hợp với cả mục tiêu lợi nhuận gồm kinh tế, xã hội, môi trường, quan tâm đến cộng đồng.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp phải đặt con người ở vị trí trung tâm. Làm ăn chụp giật, tận dụng cơ chế xin – cho… là cách làm ăn thiếu bền vững, thiếu trách nhiệm.

Trong thời đại 4.0, doanh nghiệp không phải lúc nào cũng chỉ nghĩ đến công nghệ mà phải nghĩ đến văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững. Bạn hàng, đối tác… sẽ lựa chọn những làm ăn có trách nhiệm, những doanh nghiệp luôn đảm bảo lợi ích cộng đồng.

Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia Tài chính - Ngân hàng:

FullSizeRender_17__ZYZP

Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia Tài chính - Ngân hàng. Ảnh: Hà Giang

Đội ngũ doanh nghiệp, doanh  nhân Việt Nam đã phát triển tương đối nhanh và mạnh trong thời gian qua. Hiện có khoảng 750.000 doanh nghiệp, 5,2 triệu hộ kinh doanh. Đây là lực lượng nòng cốt và tiên phong trong đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách, đầu tư và tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác nhau.
Ngoài ra, cũng đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam mang tầm khu vực, có năng lực cạnh tranh tương đương với một số doanh nghiệp lớn trong khu vực.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày một lớn dần kể cả về quy mô, năng lực cạnh tranh, sản phẩm dịch vụ, quản trị điều hành, công nghệ... Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn còn một số yếu điểm cần phải khắc phục.

Cụ thể, về quy mô vẫn còn vừa và nhỏ, công nghệ vẫn còn tương đối lạc hậu, năng suất lao động còn thấp. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt vẫn còn thiếu tính gắn kết, đoàn kết, cho nên việc xây dựng chuỗi cung ứng chưa tốt, kể cả gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu tính trách nhiệm, tinh thần đổi mới sáng tạo chưa cao.

Thời gian tới cần phải phát huy khắc phục các yếu điểm nói trên. Phải quyết tâm đổi mới và nâng tầm doanh nghiệp, kinh doanh phải bài bản, chuyên nghiệp hơn và gắn với trách nhiệm xã hội. Tinh thần đổi mới sáng tạo phải quyết liệt hơn nữa trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang nhiều thay đổi và hội nhập.

Đặc biệt, doanh nghiệp phải tập trung 3 yếu tố đột phá: con người, công nghiệp và phải có những sản phẩm vượt trội, có thương hiệu.

Ông Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM):

image001

Ông Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM). (Nguồn: Zing.vn)

Chúng ta mới chỉ có hơn 700 doanh nghiệp hoạt động trên 100 triệu dân. Đây là một tỷ lệ quá thấp. Vì vậy, cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để làm cho đội ngũ doanh nhân đông đảo hơn.

Đất nước ta đã và đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, đã tham gia nhiều hiệp định thương mại như: CPTPP, EVFTA... và ký 14 hiệp định thương mại tự do nữa. Vì thế, doanh nhân Việt Nam hiện nay đã là doanh nhân toàn cầu, doanh nhân quốc tế. Hơn bao giờ hết đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải vươn lên, nắm vững ngoại ngữ và nắm vững thị trường quốc tế để đưa các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam ra thế giới và cạnh tranh với các doanh nghiệp thế giới ngay trên thị trường Việt Nam.

Nhân ngày 13/10, xin chúc mừng đội ngũ doanh nhân Việt Nam, bởi trong chiến tranh, tướng lĩnh và quân đội là lực lượng bảo vệ tổ quốc còn bây giờ đội ngũ doanh nhân Việt Nam là lực lượng để tạo ra công ăn việc làm, đóng thuế... và làm cho đất nước giàu mạnh.








Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ