(Tổ Quốc) - Bộ phim mới của đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng người Mỹ hé lộ những cái nhìn và góc khuất của cuộc chiến Việt Nam.
Trong tâm trí nhà làm phim tài liệu người Mỹ Ken Burns, cuộc chiến tranh Việt Nam giống như một loại virus đem lại những căn bệnh trầm kha cho người Mỹ: xa lánh với xã hội, không muốn giao tiếp với bên ngoài, mất niềm tin vào chính phủ… Burns hy vọng, bộ phim tài liệu mới của mình có thể phần nào chữa lành những vết thương này.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu bộ phim chỉ là một nỗ lực, như một liều vaccine giúp bạn miễn dịch với sự chia rẽ mà chiến tranh đã gây ra?” đạo diễn ngươi Mỹ phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Đã đến lúc chúng ta bắt đầu có những cuộc đối thoại sáng tạo nhưng cũng phải dũng cảm về điều gì đã xảy ra.”
Gần một thập kỷ trước, sau khi hoàn thành một bộ phim tài liệu về Thế chiến thứ Hai, Burns đã quay sang đồng nghiệp của mình, đạo diễn Lynn Noval và nói: “Chúng ta phải làm về Việt Nam thôi”. Kết quả giờ đây chính là một bộ phim tài liệu dài 18 giờ, chia làm 10 phần và sẽ được chính thức phát sóng vào ngày 17/9 tới đây.
“Đối với tôi, Việt Nam từng là sự kiện quan trọng nhất cho người Mỹ trong nửa sau thế kỷ 20,” Burns chia sẻ. “Mặc dù kinh khủng, nhưng chiến tranh là những khoảnh khắc vô cùng giá trị để nghiên cứu, và tôi cho rằng, chúng ta chưa sẵn lòng làm điều đó với cuộc chiến tranh Việt Nam.”
Có tựa đề “The Vietnam War” (Cuộc chiến Việt Nam), bộ phim tài liệu tập hợp những nghiên cứu học thuật mới nhất về cuộc chiến và gần 80 cuộc phỏng vấn, bao gồm những người Mỹ từng trực tiếp có mặt trên chiến trường Việt Nam, những người phản đối nó và cả những dân thường và người lính từ phía Việt Nam.
“Tôi cho rằng, bộ phim sẽ là một sự hé lộ, một loạt những tin tức mới cho phần đông khán giả Mỹ. Tôi không nói đến các con số, mà những nhân vật lịch sử có thể làm thay đổi cách nhìn của bạn về điều gì đã diễn ra,” Burns nói.
Theo đạo diễn 63 tuổi, rất nhiều cựu binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam không muốn chia sẻ câu chuyện của mình. Tuy nhiên, khi so sánh với những bộ phim tài liệu về Thế chiến thứ Hai và nội chiến Mỹ mà ông đã từng làm, lần này có một khó khăn mà ông không phải đối mặt.
“Một trong những nhiệm vụ lớn nhất cho những nhà làm phim như chúng tôi – hay những sử gia không chuyên – đó là làm sao có thể đi qua được tất cả những kỷ niệm và sự nhạy cảm gắn liền với Nội chiến và Thế chiến thứ Hai,” Burns kể lại. “Nhưng tôi không gặp vấn đề này với Việt Nam.”
“Bộ phim rất cảm động,” David Hagerman, một cựu binh từng có 9 tháng tại Việt Nam, điều hành một trung tâm điều trị cho các binh lính Mỹ bị nghiện ma túy. Ông nhớ lại, giây phút quay trở về nhà vào năm 1972 đối với ông vô cùng khó quên. “Sự chào đón mà tôi nhận được tiêu cực đến mức tôi đi thẳng đến phòng vệ sinh nam, cởi bỏ bộ quân phục, vất nó vào thùng rác và mặc vội một chiếc áo phông cùng quần dài.”
Một cựu binh khác có mặt trong buổi chiếu thử, Mike Heaney, đã chia sẻ với khán giả những trải nghiệm của mình khi quay lại Việt Nam vào năm 2008. Là một trong những nhân vật xuất hiện trong bộ phim, Heaney cho biết, ông đã có thể đối diện với nỗi đau trong quá khứ nhờ vào sự hỗ trợ của gia đình, và còn có cả những người Mỹ và người Việt Nam.
“Tôi chưa từng nghĩ rằng mình lại có thể trải qua những giây phút như vậy,” Heaney nhớ lại khoảnh khắc gặp lại những “kẻ thù” một thời – giờ đây cũng đã trở thành những ông già Việt Nam móm mém – và vui vẻ “đọ” vết thương với họ. “Điều này thật là tốt.”
(Theo Millitary Times)