(Tổ Quốc) - Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Bắc, tính đến 18h ngày 10/9, đã ghi nhận 181 người chết và mất tích (trong đó có 127 người chết, 54 người mất tích); gần 800 người bị thương.
Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), tính đến 18h ngày 10/9, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 181 người chết, mất tích (127 người chết, 54 người mất tích).
Mưa bão cũng làm 764 người bị thương, hàng trăm ngàn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi, gần 50.000 nhà ở bị hư hỏng; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ
Lũ quét vùi lấp toàn bộ thôn 35 hộ dân tại Lào Cai
Sáng 10/9, một trận lũ quét đã xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên), vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ nơi 35 hộ dân, 128 khẩu cư trú.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của huyện và lực lượng tại chỗ đã ứng cứu được 10 nạn nhân, tìm thấy thi thể 15 nạn nhân, còn lại rất nhiều người vẫn đang mất tích.
Người dân địa phương cho biết, khu vực này chưa bao giờ xảy ra thiên tai nên khi vụ sạt lở núi xảy ra tất cả đều hoàn toàn bất ngờ.
Huyện Bảo Yên đang tranh thủ thời gian, gấp rút huy động lực lượng tiếp cận khu vực sạt lở, tìm kiếm người mất tích.
Khu vực xảy ra trận lũ quét nằm cách xa trung tâm, giao thông bị chia cắt, hoàn toàn mất thông tin liên lạc nên việc cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
Trực tiếp có mặt tại hiện trường thăm hỏi người dân và chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo cho biết, đây là trận lũ quét gây ra nhiều mất mát, thương vong rất lớn trên địa bàn huyện. Hiện nay, huyện Bảo Yên đang tập trung huy động tối đa nhân lực, phương tiện cho công tác tìm kiếm cứu nạn nơi đây.
Cao Bằng tập trung cao nhất việc cứu trợ cho dân
Báo cáo của tỉnh Cao Bằng cho biết do ảnh hưởng của bão số 3, các khu vực trong tỉnh mưa to đến rất to, xảy ra ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng gây thiệt hại về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng và đời sống, sinh hoạt của người dân.
Cụ thể, về người, tại địa bàn huyện Nguyên Bình có 24 người chết, 12 người bị thương, 31 người mất tích. Tỉnh đang thống kê và tìm kiếm số người mất tích.
Đặc biệt, rạng sáng 9/9, huyện Nguyên Bình xảy ra nhiều vụ sạt lở đất gây hậu quả nặng nề về người và tài sản.
Cụ thể, tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc xảy ra sạt lở đất lúc 2h sáng khiến 6 nhà dân bị sụp đổ, vùi lấp làm 10 người bị thương, 8 người chết, 3 người mất tích.
Tại xóm Lũng Nọi, xã Vũ Nông, xảy ra sát lở đất lúc 4h sáng khiến 1 nhà dân bị sụp đổ, vùi lấp làm 1 người chết.
Tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành xảy ra vụ sạt lở đất lúc 5h sáng khiến 5 nhà dân bị sụp đổ, vùi lấp làm 2 người chết, 5 người mất tích, 5 người bị thương.
Kiểm tra và làm việc với tỉnh Cao Bằng về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra chiều 10/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu tỉnh Cao Bằng tập trung cứu chữa người bị thương; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, không để thiệt hại thêm về người; tập trung tìm kiếm người mất tích; lo mai táng cho những nạn nhân thiệt mạng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh Cao Bằng cần tập trung cao nhất việc cứu trợ cho dân theo tinh thần 5 không: "Không để dân đói- Không để dân khát- Không để các cháu học sinh không được học hành-Không để người dân không được chữa bệnh- Không để bà con không có nhà ở".
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Cao Bằng tập trung xử lý các điểm sạt lở, đảm bảo thông đường; khôi phục hệ thống điện, viễn thông; tăng cường bảo đảm an ninh trật tự; xây lại ngay 22 nhà cho dân bị sập, sửa chữa nhà bị hư hỏng; xây dựng lại các tuyến đường; khảo sát hệ thống cầu cứng, cầu treo để có giải pháp xử lý phù hợp;.…
Phú Thọ tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng lụt trên sông Hồng
Theo báo cáo tình hình thiên tai, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ đến 10h ngày 10/9, lượng mưa trên địa bàn khá lớn; mực nước trên sông lên cao; hồ thủy điện Hoà Bình đang mở 2 cửa xả đáy; hồ thủy điện Thác Bà mở 3 cửa xả mặt, hồ thủy điện Tuyên Quang mở 7 cửa xả đáy.
Đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 1 người thiệt mạng do sạt lở đất ở huyện Hạ Hòa; 2 người bị thương ở huyện Tam Nông và Thanh Thủy; 20 trường học, 6 nhà văn hóa, 1 cơ sở y tế bị tốc mái; 233 nhà bị hư hỏng do cây đổ, tốc mái; 4 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 2.468 hộ dân phải di dời do ngập lụt; nhiều ha lúa, hoa màu, cây trồng bị gãy, đổ; một số trụ sở, nhà xưởng bị hư hỏng; khoảng 26.500m3 đất tại các tuyến đường giao thông sạt lở. Đặc biệt, cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C bị sập lúc 10h ngày 9/9/2024, sơ bộ xác định 8 người mất tích.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cho biết, trước tình hình hiện nay, cần tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng lụt trên sông Hồng, đặc biệt ở huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa. Các địa phương của tỉnh thực hiện việc sơ tán và chuẩn bị nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt cho người dân ở các khu vực xung yếu, nguy hiểm và sẵn sàng triển khai chống ngập úng, nước tràn đê nếu xảy ra; thực hiện động viên thăm hỏi những gia đình chịu ảnh hưởng của bão lũ.
Trong công tác phòng chống lụt bão, Phú Thọ đặt ra ưu tiên số 1 là đảm bảo an toàn cho người dân. Do đó cần chú trọng triển khai di dời và đảm bảo sinh hoạt cho người dân ở vùng chịu ảnh hưởng của bão lũ; tập trung lực lượng chức năng ở các khu vực trọng điểm xung yếu; hạn chế tình trạng người dân tập trung đông người ở những khu vực nguy hiểm.
Thái Nguyên triển khai các biện pháp cấp bách hỗ trợ nhân dân sơ tán và di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt
Do ảnh hưởng của mưa lũ, tình trạng ngập úng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khá nghiêm trọng. Tại TP. Thái Nguyên, lực lượng chức năng tạm thời cấm người, phương tiện đi qua cầu Gia Bẩy, cầu Bến Tượng và cầu Mỏ Bạch. Bên cạnh đó, một số khu vực bị ngập sâu, cấm người và phương tiện lưu thông… Đặc biệt, trên địa bàn thành phố có 81 xóm, tổ dân phố của 17 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, trong đó có 20 xóm, tổ dân phố bị cô lập.
Mực nước sông Cầu dâng cao cũng đã gây ngập lụt trên diện rộng tại 8 xã ven sông ở huyện Phú Bình (gồm: Thượng Đình, Đào Xá, Bảo Lý, Nhã Lộng, Xuân Phương, Úc Kỳ, Nga My và Hà Châu). Tại TP. Phổ Yên, khu vực Phú Cốc thuộc phường Tân Phú (gồm 4 tổ dân phố: Bến Cả, Đồng Lẩm, Đình Phú Cốc, Lợi Bến) với khoảng 400 hộ dân cũng bị ảnh hưởng khi mực nước sông Cầu dâng cao, nguy cơ xảy ra ngập lụt vùng ven sông, sạt lở bờ sông và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Mưa lớn còn gây ngập úng cục bộ, nguy cơ xảy ra sạt lở tại một số khu dân cư ở các xã Văn Lăng, Hóa Trung, Văn Hán, Khe Mo, Nam Hòa, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Mưa to và gió giật mạnh khiến mực nước ở nhiều sông, suối trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương và TP. Sông Công dâng cao, gây ngập úng cục bộ; một số xã, thị trấn và trường học bị chia cắt; nhiều hộ dân phải di dời người, tài sản…
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và tình trạng ngập úng tại nhiều khu vực, các địa phương trong tỉnh đã và đang tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ triển khai các biện pháp cấp bách hỗ trợ nhân dân sơ tán và di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm đến nơi an toàn. Lãnh đạo các địa phương, các ngành chức năng trực tiếp đi kiểm tra tại những khu vực, công trình trọng điểm, xung yếu, như: Các công trình đê điều, vị trí, khu vực bị sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở cao; các khu vực bị ngập... để kịp thời chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra.
Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở
Trong Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Thủ tướng yêu cầu Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân là trên hết, trước hết chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nhất, tiếp tục tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích (trong đó lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn); cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng.
Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước, báo cáo Thủ tướng trong ngày 12 tháng 9 năm 2024; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các quân khu và đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay trực thăng) tiếp cận bằng được để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, hàng cứu trợ,… cho người dân vùng còn bị chia cắt; hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo cứu chữa người bị thương; kịp thời cung cấp đủ cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ theo quy định.
Các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái tìm mọi biện pháp có thể để kiểm soát nước lũ từ thượng lưu chảy về hồ Thác Bà. Thành phố Hà Nội, các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, nhất là Yên Bái chuẩn bị phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến trưa ngày 10 tháng 9 năm 2024./.