(Tổ Quốc) - Trong những năm qua, Du lịch Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc với xếp hạng tăng từ 75/141 quốc gia năm 2016 lên 63/140 quốc gia năm 2019. Theo dự kiến lượng khác quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019 đạt khoảng 18 triệu lượt. Tuy vậy, theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng thì vẫn còn đó những thách thức, tồn tại như công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành.
Ngân sách chi cho quảng bá du lịch còn khiêm tốn
Tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam diễn ra ngày 9/12, nhiều đại biểu đặt ra quan ngại ngân sách quảng bá cho du lịch Việt khiêm tốn với con số 2 triệu USD mỗi năm.
Theo TS Trịnh Lê Anh - Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị Sự kiện, Giảng viên Khoa Du lịch học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, 2 triệu USD mà Nhà nước chi cho quảng bá du lịch là ít so với các nước khác.
"Khi thấy các nước lân cận như Thái Lan, Singapore chi ngân sách cho công tác xúc tiến, quảng bá, những người làm du lịch Việt Nam thực sự thấy chạnh lòng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung thì chúng ta luôn phải tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất. Không phải cứ nhiều tiền mới hiệu quả, vấn đề là đã tìm ra ý tưởng quảng bá hay chưa hay chỉ nói là cần có nhiều tiền" – TS Trịnh Lê Anh nói.
Từ phía nguồn lực xã hội, TS Trịnh Lê Anh thông tin, các hãng truyền thông quốc tế đã đưa ra nhiều nhận xét tích cực về du lịch Việt Nam, đồng thời cho biết sẽ chủ động giúp Việt Nam trong việc thực hiện các truyền thông và sản xuất ấn phẩm quảng bá cho du lịch Việt Nam, CNBC (kênh truyền hình của Mỹ) sẵn sàng có những bài phỏng vấn cho du lịch Việt Nam với những KOL (người có tầm ảnh hưởng).
Cùng với đó, TS Trịnh Lê Anh cũng đặt vấn đề về Slogan và Logo của Du lịch Việt. Theo đó, Slogan hiện nay "Vietnam Timeless Charms"(tạm dịch: Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận) có thể coi là tốt, có sức gợi mở, nhưng còn khá chung chung chưa thể hiện được đặc thù của du lịch Việt Nam.
Nhiều diễn giả nhận định, một slogan nên được nghiên cứu và suy nghĩ trong nhiều năm để có thể sử dụng trong nhiều thập kỷ sau đó. Việc thay hay không thay Slogan không quan trọng bằng việc làm sao để có thể gợi mở và truyền đạt ý nghĩa của nó đến với du khách. Slogan cần phát triển ra nhiều nhánh phụ để thể hiện và làm rõ thêm về đặc thù du lịch Việt Nam.
Theo MC, slogan là vấn đề cần đầu tư chất xám, tìm hiểu kỹ lưỡng để tìm ra một đặc điểm có thể sử dụng lâu dài trong phát triển thương hiệu.
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia mở quỹ 60 tỷ để góp phần quảng bá du lịch Việt Nam
Để giải quyết vấn đề này, nhiều doanh nghiệp, tổ chức cho biết sẵn sàng tham gia đề xuất mở quỹ 60 tỷ đồng để góp phần quảng bá du lịch Việt. Ông Ngô Minh Đức - Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng của một số doanh nghiệp về việc mở quỹ hơn 60 tỷ đồng giúp quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, nâng tầm ngành du lịch để cạnh tranh với các nước trong khu vực".
"Đây là bước tiến lớn giúp du lịch Việt Nam cất cánh. Chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ về việc thành lập quỹ du lịch, cần nhanh chóng có cơ chế để quỹ du lịch hoạt động trong năm 2020. Hy vọng có hơn chục triệu đô một năm để quảng bá du lịch trong nước", ông Đức cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng, việc phát triển quỹ du lịch là một trong những ưu tiên của Chính phủ. Mô hình của quỹ này hoàn toàn mới và đặc thù, không phải hoạt động theo quỹ ngân sách mà hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên.
Quá trình xây dựng và vận hành quỹ gặp nhiều khó khăn, từ tổ chức bộ máy đến cơ chế vận hành. "Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thiện cơ chế vận hành tổ chức bộ máy của quỹ du lịch", Thứ trưởng Lê Quang Tùng nói.
Ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Thủ tướng (Ban IV), Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng, du lịch Việt Nam cũng đang đẩy mạnh giải pháp cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách, dữ kiện. Nếu như trước đây, khách hầu hết đặt tour qua các công ty lữ hành, thì khoảng 10 năm trở lại đây điều đó đã thay đổi với sự xuất hiện của Internet.
Hiện nay, du khách có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc lên kế hoạch, hành trình du lịch. Đặc biệt, trong một, hai năm tới sẽ có thay đổi lớn nữa khi các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư vào dịch vụ, lập kế hoạch cho khách, thay đổi cách tiếp cận.
Còn đại diện Google đưa ra 3 lời khuyên quan trọng đó là các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nên bắt đầu thu thập thông tin, dữ liệu của khách hàng, sử dụng thông tin để cung cấp các dịch vụ, giúp du khách có những trải nghiệm tốt bằng cách hạn chế tối đa cản trở khi lên kế hoạch du lịch. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần ủng hộ chung tay xây dựng cơ sở dữ liệu chung, chia sẻ thông tin để quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh số hoá.
Được biết, tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam đã diễn ra Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác thỏa thuận giữa các bên để phát triển sản phẩm, dịch vụ, cải tạo hạ tầng, quảng bá điểm đến. Đáng chú ý đó là hợp tác giữa Tổng cục Du lịch với Hội đồng Tư vấn du lịch về thành lập, vận hành hai văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam tại Anh và Australia.