• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

20/11 đừng nói chuyện quà cáp gì cao xa, phụ huynh chỉ làm được 1 ĐIỀU NÀY là thầy cô đã biết ơn nhiều lắm!

Giáo dục 20/11/2024 10:58

(Tổ Quốc) - Nhớ, tin, yêu giữ trong lòng trò là điều đáng trân quý, là niềm hạnh phúc vô bờ của thầy cô.

Một bà mẹ ở TP.HCM tham gia bàn chuyện tặng quà ngày Nhà giáo Việt Nam trên nhóm lớp của con. Số đông thống nhất "đi" thầy cô bằng phong bì, chi thêm 1 phần mua bánh kẹo cho các con.

Mọi chuyện tưởng như đã xong xuôi thì phụ huynh này thấy "không vui", vì cho rằng, tiền quỹ lớp thì nên dành cho hoạt động của lớp. Thế là, trong sự bức xúc, chị đăng tải toàn bộ những đoạn trao đổi của tất cả phụ huynh lên một hội nhóm trên mạng xã hội, khiến người ta xì xào.

Nếu bạn thấy "kịch bản" này quá quen thuộc, thì đừng ngạc nhiên, bởi bạn không phải là người duy nhất. Năm nào cũng vậy, tới dịp lễ lạt là thầy cô lại thành chủ đề, trong một vài câu chuyện không mấy vinh dự, đó là chuyện quà cáp. Họ "ngồi không" bỗng dưng trúng đạn, đôi khi còn bị "xài xể" đủ kiểu, như chính họ là nguồn cơn khiến phụ huynh xáo xào. Thử đặt mình vào vị trí của những người dạy dỗ con mình, bạn có thấy lòng vui vẻ, thoải mái hay không?

Nhớ, tin, yêu giữ trong lòng trò là điều đáng trân quý, là niềm hạnh phúc vô bờ của thầy cô

Vấn đề quà cáp vốn tế nhị, càng bàn thì càng ít nhiều gây tổn thương đến lòng tự trọng của thầy cô... Như một phụ huynh bình luận trong câu chuyện nói trên, rằng nếu không vừa ý, người mẹ nên trao đổi thẳng với hội phụ huynh của lớp, vẫn không thoả mãn thì rút quỹ lớp đã đóng, chứ đừng động tý mang ra báo trường kiện cáo, hay bêu lên mạng xã hội. 

Thiếu 1 đồng quỹ lớp của chị lớp vẫn ổn. Nhưng rêu rao, lại còn không cần che tên, thông tin cá nhân, không chỉ ảnh hưởng tới các phụ huynh trong lớp mà còn tới các thầy cô đang trực tiếp dạy cho các con, xa hơn là ảnh hưởng toàn trường.

"Cô chủ nhiệm không làm gì nên tội, tập thể phụ huynh đa số đồng lòng, nhưng bạn chụp lại đăng lên như thế này. Đúng là thiếu văn hoá ứng xử vô cùng. Tự nhiên những đứa trẻ non nớt bị ảnh hưởng bởi "tiếng tăm" do người lớn đem lại. Đứng ở vị trí của giáo viên mà nói, hẳn không ai thích đề tài này được đem ra bàn luận công khai", người này nói.

Phong bì ngày 20/11 có thể là "gánh nặng" về tài chính cho nhiều phụ huynh (mà chủ yếu do phụ huynh tự áp đặt, không thầy cô nào đòi hỏi), nhưng đôi khi, đó là gánh nặng tâm lý cho cả giáo viên. Nhận thì đôi khi bị "bĩu môi", cho rằng "chỉ chờ có thế". Từ chối thì sợ bị cho là "chảnh", là chê quà ít, quà nhiều. Mấy ai tặng quà xuất phát từ sự biết ơn, từ tình cảm mến yêu, tri ân, hay chỉ "mất tiền" để yêu cầu đổi lại sự quan tâm, chăm sóc của giáo viên đối với con mình?

Trên thực tế, nhiều giáo viên đã mong không được nhận quà trong ngày này để khỏi "dùng dằng", có thể mất lòng phụ huynh còn đẩy bản thân vào cảnh khó xử.

Thầy Hà Đình Lực, giáo viên Toán ở Hà Nội cho rằng, bố mẹ hết lo tiền đóng học cho con lại nghĩ quà cho nhà trường, thầy cô là quá vất vả. Chưa nói đến việc bố mẹ đã phải trả học phí để thầy cô dạy con mình, nên việc lại phải xuôi ngược tặng quà cho thầy cô thật sự không ổn về mặt logic;

Là một giáo viên, bản thân thầy luôn cảm thấy còn nhiều thiếu sót trong việc giảng dạy các con, thấy còn có thể làm tốt hơn và cần điều chỉnh dần trong những năm học tiếp theo. Do vậy cảm giác nhận quà của bố mẹ thấy áy náy và không ổn; Bản thân thầy cô dịp 20/11 cũng rất vất vả vì quá nhiều lễ lạt, phong trào từ tập văn nghệ, dạy chuyên đề...

20/11 đừng nói chuyện quà cáp gì cao xa, phụ huynh chỉ làm được 1 ĐIỀU NÀY là thầy cô đã biết ơn nhiều lắm!- Ảnh 1.

Thầy Hà Đình Lực

"Chúng ta nói rằng ngày 20/11 để học sinh, cha mẹ và xã hội tri ân công lao các thầy cô, thực ra là khá khiên cưỡng. Xã hội muốn tri ân thầy cô thì tìm cách tăng lương, cải thiện chế độ làm việc cho giáo viên. Cha mẹ tri ân thầy cô tốt nhất là phối hợp với thầy cô cùng dạy con.

Còn muốn học sinh hiểu về công lao thầy cô thì đầu tiên thầy cô phải nhiệt huyết, hết lòng dạy bảo, yêu thương thì học trò mới nảy sinh từ tôn trọng sang yêu quý thầy cô một cách tự nhiên.

Việc chúc mừng, tặng quà nên xuất phát từ tình cảm quý trọng thật sự, và nếu có thì nên xảy ra sau khi thầy cô không dạy con nữa. Vậy nên ngày 20/11 dành cho các thầy cô về hưu thì hợp lí hơn. Còn nếu cứ làm theo phong trào, không thuận tự nhiên thì chính điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự tôn trọng, hợp tác của học sinh và bố mẹ dành cho nhà trường, thầy cô".

Nhiều năm làm giáo viên, nhiều năm trải qua đủ cung bậc cảm xúc của ngày 20/11, cô Ngô Thị Thúy Nga, giáo viên dạy Văn, trường THPT Nghi Lộc 3 (Nghệ An) cũng nhận định:

Trong chốn bon chen, chật vật của gánh mưu sinh nhọc nhằn, có thêm các ngày lễ kỷ niệm, đồng nghĩa với việc con người có thêm cái cớ để bước chậm hơn, xích lại gần nhau hơn, để tâm và yêu thương nhau nhiều hơn. Âu cũng là điều cần làm và đáng trân quý. Tôn sư trọng đạo cũng là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta.

20/11 đừng nói chuyện quà cáp gì cao xa, phụ huynh chỉ làm được 1 ĐIỀU NÀY là thầy cô đã biết ơn nhiều lắm!- Ảnh 2.

Cô Ngô Thị Thúy Nga và học sinh

Tuy nhiên, cô Nga cũng nói thêm: "Tôi vẫn luôn tâm đắc ý kiến trong một bài báo, rằng: Thầy không cần tôn vinh. Thầy cần trò nối đạo, đó mới là chân hạnh phúc của sư phụ! Với lại, nhớ, tin, yêu giữ trong lòng trò là điều đáng trân quý, là niềm hạnh phúc vô bờ của thầy cô rồi. Phần lớn thầy cô vẫn luôn luôn dõi theo từng bước đi của học trò mình, trên mọi nẻo đường đời.

Và đương nhiên, thầy cô luôn muốn gặp lại các em, sau những tháng ngày xa cách. Nhưng điều này, chúng ta có thể thực hiện vào vô vàn những dịp khác, như Tết, những ngày trò trở về trường, những lúc nhớ cô thầy... Hay bằng những tin nhắn, những cuộc điện thoại hỏi thăm... Như thế đã là quá đủ ấm áp", cô Nga nói.

Hiểu Đan

NỔI BẬT TRANG CHỦ