Làng kịch nói Sài Gòn xôn xao dựng vở tết thì sân khấu cải lương cũng rộn ràng lên lịch, vì ba ngày xuân khán giả vẫn mê cải lương dữ lắm! Khổ nỗi, hình như chỉ có một rạp Hưng Đạo là "thủ phủ" của cải lương, nên cuối cùng Nhà hát Trần Hữu Trang gần như diễn suốt chương trình Tết.
Làng kịch nói Sài Gòn xôn xao dựng vở tết thì sân khấu cải lương cũng rộn ràng lên lịch, vì ba ngày xuân khán giả vẫn mê cải lương dữ lắm! Khổ nỗi, hình như chỉ có một rạp Hưng Đạo là "thủ phủ" của cải lương, nên cuối cùng Nhà hát Trần Hữu Trang gần như diễn suốt chương trình Tết.
Đoàn 1 của nhà hát dựng hai vở Lối về và Hai nụ cười xuân (soạn giả Viễn Châu - đạo diễn Kim Tử Long) để đi lưu diễn các tỉnh. Hợp đồng đã ký được khá nhiều, nên không lo. Đoàn này chuyên đi xa phục vụ, nhưng khi cần vẫn có thể quay về thành phố diễn được. Đặc biệt là khán giả miền Trung vẫn ái mộ, và dù bán vé giá rẻ nhưng đoàn cứ sống khỏe. Kim Tử Long đạo diễn thì khá duyên dáng, vì anh đã từng "thử" mấy vở rồi, nhưng bây giờ anh đang khổ sở bởi chưa tìm đủ diễn viên, rất nhiều người đang còn chạy sô bên Mỹ chưa về. Mùa sô bên Mỹ bắt đầu từ 2 tháng trước tết, gần như hút sạch nghệ sĩ của Việt
Đoàn 2 của nhà hát tái dựng vở Đi biển một mình (soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng) và vở Vợ tạm chồng hờ (soạn giả Nhị Kiều). Hai vở này vừa có bi vừa có hài vui vui, phù hợp ngày Tết, và là tái dựng nên không cần đạo diễn, anh em cứ nhớ đường dây mà ráp lại. Chắc chắn bán vé được vì có đôi bạn diễn ăn khách là Minh Vương - Lệ Thủy, bởi dù sô diễn ở đâu họ vẫn chung tình với Nhà hát Trần Hữu Trang mấy chục năm nay.
Nhóm Thắp sáng niềm tin có chương trình Nghệ sĩ mừng xuân như mọi năm vào tối mùng 1, quy tụ đủ mặt anh hào với nhiều trích đoạn đặc sắc. Chương trình này vé không đủ bán, khán giả năm nào cũng bị bọn chợ đen "làm giá".
Nhưng đỉnh điểm của năm nay là vở Kim Vân Kiều diễn tại Nhà thi đấu Quân khu 7, đầu tư 1,6 tỉ đồng gây xôn xao dư luận từ 4-5 tháng nay. Tác giả Hoàng Song Việt và đạo diễn Hoa Hạ cương quyết thử nghiệm một mô hình cải lương hoành tráng và hiện đại để tiếp cận lớp trẻ. Một sa bàn tuyệt đẹp được thiết kế, mà nếu chỉ diễn 2 đêm rồi phá bỏ thì quá uổng, phải chi biến thành khu du lịch sử dụng lâu dài. Sĩ Hoàng tạo mẫu trang phục cho nhân vật tốn 400 triệu với khoảng 400 bộ. Âm nhạc gồm nhiều ca khúc mới sáng tác với 100 người của dàn nhạc giao hưởng biểu diễn. Nhóm múa có 120 người, cascadeur để bay và đánh trận 40 người, nhóm võ Hằng Anh Đường đem đến 40 tay trống, mời cả 40 diễn viên hát bội, tuồng cổ chuyên về vũ đạo, còn diễn viên chính trong vở thì đã tới 45 người, gần như "hốt" hết ngôi sao của TP.HCM. Có tới 8 "nàng Kiều" là Tú Sương, Mỹ Hằng, Thanh Ngân, Phượng Hằng, Cẩm Tiên, Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ, và Lệ Thủy. Riêng nghệ sĩ đóng vai nàng Kiều lúc ở lầu xanh vẫn tìm chưa ra. Ban đầu chọn Tài Linh, nhưng sau Tài Linh nói là không bay từ Mỹ về được. Lại chọn Quế Trân. Giờ chót Quế Trân lại có giấy đi Mỹ. Đang cuống quít gọi Phương Hồng Thủy, cũng từ Mỹ bay về, vì chị từng đóng Kiều rất hay. Tác giả Hoàng Song Việt khổ sở: "Kiều nào lận đận, có tui lận đận đây nè! Ăn bụi nằm bờ suốt tại rạp Hưng Đạo, đeo theo diễn viên, ôm cái máy vi tính và máy điện thoại, vậy mà nàng Kiều vẫn chưa tìm ra!". Đặc biệt nhất có lẽ là sự tham gia của 11 ca sĩ hát những ca khúc về Kiều, như Ái Vân, Duy Quang, Giao Linh, Thu Minh, Đức Tuấn, Phương Thanh, Minh Thuận, Anh Bằng, Thanh Thúy... và các cây cười cũng học hát cải lương như Việt Hương, Trung Dân, Hồng Tơ. Chỉ 2 đêm mùng 6 và 7, giá vé từ 200 đến 500 ngàn đồng, nhưng nhiều sinh viên đang đề nghị xin giảm giá, đạo diễn Hoa Hạ nói: "Chắc sẽ giảm còn 100.000đ, các bạn nhớ mang thẻ sinh viên đi theo". Dĩ nhiên với các mức giá này thì vẫn còn bù lỗ, Ban tổ chức phải đi tìm tài trợ.
Thì đây, năng động ở chỗ, từ mùng 3, 4, 5 đã có một Lễ hội Đạp Thanh tổ chức trước khu vực sân của Nhà thi đấu Quân khu 7, vừa tuyên truyền cho Kim Vân Kiều, vừa để các nhà tài trợ triển lãm hàng hóa (không bán). Từ 8 giờ sáng đến 11 giờ đêm, lễ hội có chừng 12 suất diễn ngắn và giao lưu với các nghệ sĩ trong Kim Vân Kiều, đồng thời còn có đố Kiều, trò chơi dân gian liên quan đến Kiều, phần thưởng sẽ là quà của mấy chục gian hàng triển lãm trong đó. Âu cũng là một dịp cho lớp trẻ ôn lại kiệt tác của cụ Nguyễn Du. Chợt nghĩ, lễ hội truyền thống thế này có ích lắm, bởi nó sẽ khơi lại văn hóa dân tộc, tình yêu văn chương. Xem ra năm nay, cải lương vừa thử nghiệm mô hình mới, vừa đóng góp một hoạt động văn hóa khác nữa. Thử xem, ắt thú vị và đáng hoan nghênh.
(Theo TN)