• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

2024 - Năm khởi sắc của du lịch Việt Nam

Thực hiện: Xuân Trường | 01/01/2025

(Tổ Quốc) - Năm 2024, du lịch Việt Nam ước đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Du lịch khởi sắc tiếp tục là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2024, tiếp nối quá trình phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch được Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, tích cực, trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017, các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện và đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch và đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", cơ bản du lịch Việt Nam đã phục sau đại dịch Covid-19.

Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Du lịch trở thành điểm sáng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Điểm lại những điểm sáng đáng chú ý của du lịch Việt Nam năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu khẳng định, năm 2024, du lịch Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, trở thành điểm sáng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

2024 - Năm khởi sắc của du lịch Việt Nam - Ảnh 1.

Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt - hoàn thành chỉ tiêu đặt ra.

Công tác xúc tiến, quảng bá và thông tin du lịch tiếp tục có chuyển biến tích cực với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phát triển thị trường. Nâng tầm công tác xúc tiến quảng bá với điểm nhấn là thành công của Chương trình xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ ngay tại kinh đô điện ảnh Hollywood.

Quy mô, số lượng, tần suất, phạm vi của những hoạt động xúc tiến là minh chứng cho sự chủ động, sáng tạo trong quyết tâm thực hiện đổi mới cả về hình thức, nội dung và phương pháp xúc tiến du lịch, kết hợp hài hòa nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội.

Việt Nam đăng cai Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn của Tổ chức Du lịch Liên Hiệp quốc (UN Tourism) lần thứ nhất tại Quảng Nam. Hội nghị không chỉ là sự kiện thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm và uy tín của Việt Nam trong các tổ chức du lịch quốc tế, qua đó thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển du lịch bền vững của UN Tourism.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước được tăng cường, Bộ VHTTDL ban hành và chủ động ban hành văn bản chỉ đạo ngành Du lịch các địa phương chủ động chuẩn bị các điều kiện đón và phục vụ khách du lịch, tăng cường công tác quản lý, tổ chức các chương trình kích cầu, khuyến mại… trước các đợt cao điểm du lịch.

2024 - Năm khởi sắc của du lịch Việt Nam - Ảnh 2.

Khai mạc Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn của Tổ chức Du lịch Liên Hiệp quốc (UN Tourism) lần thứ nhất tại Quảng Nam.

Theo ông Hà Văn Siêu, trong năm 2024, hoạt động du lịch diễn ra nhộn nhịp tại hầu khắp các địa phương trọng điểm du lịch trên cả nước. Các địa phương đã triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2024 với chủ đề "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL phát động.

Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của nhiều địa phương, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kích cầu thu hút du khách, giới thiệu các chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm của du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ; đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường sạch sẽ, văn minh cho hoạt động du lịch… Nhờ đó đã góp phần gia tăng lượng khách ở hầu khắp các điểm đến trong các dịp nghỉ lễ trong năm.

Các địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã chủ động triển khai nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch tại các sự kiện văn hóa, du lịch, lễ hội diễn ra trong năm.

Các doanh nghiệp đã tập trung xây dựng các chương trình giảm giá kích cầu du lịch, triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chú trọng chất lượng dịch vụ… Bên cạnh việc làm mới sản phẩm, các địa phương, doanh nghiệp đã giới thiệu thêm nhiều sản phẩm mới hấp dẫn du khách. Hoạt động liên kết du lịch liên tỉnh, liên vùng tiếp tục được đẩy mạnh gắn với hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá chất lượng, đi vào thực chất.

2024 - Năm khởi sắc của du lịch Việt Nam - Ảnh 3.

Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31, Việt Nam tiếp tục đón nhận 3 giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á", "Điểm đến di sản hàng đầu châu Á" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á". Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2024 diễn ra ở thành phố Madeira (Bồ Đào Nha), Việt Nam tiếp tục được vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới" cùng nhiều giải thưởng dành cho các điểm đến, địa phương.

Vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch châu Á và thế giới càng được khẳng định khi đây là lần thứ 6 Việt Nam được tôn vinh là "Điểm đến hàng đầu châu Á" và lần thứ 5 được vinh danh Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới năm 2024.

Tiếp theo các giải thưởng Làng Du lịch tốt nhất của UN Tourism vào năm 2022 (Thái Hải, Thái Nguyên) và 2023 (Tân Hóa, Quảng Bình), Làng rau Trà Quế (Quảng Nam) được nhận Giải thưởng này năm 2024. Những giải thưởng và sự vinh danh của cộng đồng du lịch quốc tế là cơ hội và động lực để du lịch Việt Nam tiếp tục nỗ lực xúc tiến, quảng bá những giá trị nổi bật, đưa hình ảnh Việt Nam lan tỏa rộng rãi, thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam.

2024 - Năm khởi sắc của du lịch Việt Nam - Ảnh 4.

Khách quốc tế thích thú tham quan, trải nghiệm Làng rau Trà Quế.

Theo ông Hà Văn Siêu, trong năm 2024, hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước tiếp tục duy trì được đà phục hồi và tăng tốc phát triển. Số lượng khách du lịch nội địa vẫn duy trì tốc độ phát triển; số lượng khách quốc tế tăng cao ở nhiều điểm đến. Giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn. Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến được đảm bảo…

"Kết quả khách quốc tế tăng cao chứng tỏ hướng đi đúng, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách, định hướng làm mới sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá hiệu quả cả trên thực địa và trên các nền tảng số cùng hiệu ứng tích cực từ chính sách thị thực mới", ông Hà Văn Siêu nhận định.

Đồng bộ các giải pháp để phát triển du lịch Việt Nam nhanh, toàn diện và bền vững

Năm 2024 khép lại với những kết quả tốt đẹp đáng tự hào của ngành du lịch Việt Nam. Tuy vậy, du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, trăn trở để đưa du lịch Việt Nam cất cánh, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025. Năm 2025 cũng là năm có nhiều ngày lễ lớn của đất nước. Ngành Du lịch đang đứng trước những cơ hội lịch sử xuất phát từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò động lực của Du lịch trong nền kinh tế; thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng trong điều kiện đã có các chính sách thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng để có thể đáp ứng các xu hướng du lịch mới của toàn cầu: du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; du khách lựa chọn điểm đến ít đông đúc hơn; chuyển đổi từ "tham quan" sang "trải nghiệm"; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch gia đình đa thế hệ; du lịch nhờ AI thiết kế lịch trình… Những xu hướng sẽ mở ra hướng phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa mạnh mẽ như hiện nay.

2024 - Năm khởi sắc của du lịch Việt Nam - Ảnh 5.

Du lịch bền vững, chuyển đổi từ "tham quan" sang "trải nghiệm".

Năm 2025, ngành Du lịch phấn đấu thực hiện mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; Phục vụ 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa; Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, ngành du lịch sẽ xây dựng chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch theo cách làm mới, góp phần phát triển du lịch Việt Nam nhanh, toàn diện và bền vững; Định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu.

Ngành Du lịch Việt Nam cần phối hợp với các bên liên quan để tháo gỡ những nút thắt về thể chế phát triển, những điểm nghẽn về kìm hãm đầu tư phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, rà soát thống nhất, hoàn thiện các chỉ tiêu, phương pháp thống kê du lịch đảm bảo đầy đủ, khoa học, chính xác, phù hợp với thông lệ quốc tế; đẩy nhanh việc áp dụng và chia sẻ dữ liệu chuyên ngành để triển khai hiệu quả, toàn diện phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ