Các sản phẩm này chứa một số dẫn chất paraben có hại cho sức khỏe, chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến ngày 30/7, theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
Các sản phẩm này chứa một số dẫn chất paraben có hại cho sức khỏe, chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến ngày 30/7, theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
Cục Quản lý Dược khuyến cáo ngưng sử dụng một số dẫn chất paraben trong hóa mỹ phẩm, đồng thời quy định nồng độ hỗn hợp Methylisothiazolinone (MCT + MIT) cho phép theo lộ trình của Cộng đồng châu Âu và ASEAN.
Mới đây Hội đồng khoa học châu Âu tuyên bố không có đủ bằng chứng khẳng định các chất trên không an toàn nếu dùng với nồng độ giới hạn cho phép. Hiện chưa có công bố cụ thể nào về tác hại của sản phẩm có chứa các thành phần này. Để đảm bảo lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng, Cộng đồng châu Âu và Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN đã khuyến cáo ngưng sử dụng các chất này và thay thế bằng các chất bảo quản an toàn hơn. |
Theo đó, 5 dẫn chất paraben bị cấm dùng trong mỹ phẩm gồm Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben. Sản phẩm chứa chất này được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/7. Riêng 2 dẫn chất Butylparaben và các muối, Propylparaben và các muối được dùng riêng lẻ với nồng độ tối đa 0,14% (tính theo axit). Cục cho phép sử dụng dạng hỗn hợp các paraben với tổng nồng độ tối đa là 0,8% (tính theo axit). Các sản phẩm vượt quá mức quy định sẽ phải thu hồi sau ngày 30/6/2016.
Cục Quản lý Dược cho phép chất bảo quản Methylisothiazolinone được dùng với nồng độ tối đa 0,01% trong mỹ phẩm. Hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone cho phép sử dụng theo tỷ lệ 3:1, nồng độ tối đa 0,0015% và dùng trong các sản phẩm rửa sạch, không áp dụng cho sản phẩm lưu lại (mỹ phẩm). Sản phẩm chứa hỗn hợp MCT và MIT vượt quá nồng độ cho phép chỉ được lưu thông đến hết ngày 30/4/2016.
Giới khoa học khuyến cáo, dùng sản phẩm chứa một số dẫn chất paraben với nồng độ nhất định trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nam giới, thậm chí gây ung thư vú. Còn chất bảo quản Methylisothiazolinone với hàm lượng cao có thể gây dị ứng da.Paraben và Methylisothiazolinone có tác dụng kháng khuẩn, nấm, từng được cho phép dùng làm chất bảo quản trong dược phẩm, mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm. Theo Cục Quản lý Dược, các chất này hiện có mặt trong khoảng 22.000 sản phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội đầu, kem dưỡng da, kem đánh răng, mascara, nước tẩy trang, nước hoa hồng, kem cạo râu, khăn ướt, sữa tắm…
|
Một sản phẩm trên bao bì ghi thành phần dẫn chất paraben. Ảnh: Thi Ngoan. |
Hiện nay, những sản phẩm có chứa thành phần paraben được bày bán khá nhiều trên thị trường. Chẳng hạn như kem dưỡng da tay và móng, sữa dưỡng thể, sữa tắm, sữa dưỡng trắng tái tạo da, dầu xả tóc... Một số hóa mỹ phẩm có Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone như sữa tắm, sữa rửa mặt làm trắng da, dầu gội, khăn ướt... Trên bao bì tất cả các sản phẩm này đều ghi tên chất bảo quản được sử dụng nhưng không nêu rõ nồng độ. Thực tế đến nay trên thế giới không có quy định nào bắt buộc thể hiện phần trăm thành phần trên bao bì đối với mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm (ngoại trừ dược phẩm). Do đó khiến nhiều người tiêu dùng khoăn không biết lựa chọn sản phẩm nào là an toàn.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nobuya Kojitani, Giám Đốc Marketing Công ty cổ phần Diana Unicharm cho biết, doanh nghiệp này từng sử dụng paraben làm chất bảo quản trong dòng sản phẩm khăn ướt Fressi Care & Bobby Care nhưng với nồng độ rất thấp, chỉ bằng 1/10 dung lượng cho phép theo quy định của EU và ASEAN. Trước khi nhận được khuyến cáo về tác hại của paraben, đơn vị đã chủ động nghiên cứu, từng bước loại bỏ hợp chất này ra khỏi các sản phẩm của mình.
"Mặc dù đây là một việc làm hết sức khó khăn và phức tạp, song để người tiêu dùng an tâm, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu thay thế paraben bằng một chất bảo quản khác. Chính vì vậy các sản phẩm khăn ướt của chúng tôi sản xuất từ đầu năm 2015 đến nay hoàn toàn không có dẫn chất paraben", ông Nobuya nói.
Ông Lê Quang Được, Giám đốc điều hành Công ty Quốc tế Việt Úc chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc trẻ em và khăn ướt nhãn hiệu Wondercare, Babycare, Teencare, khẳng định các sản phẩm của đơn vị không chứa paraben. Riêng hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone trong khăn ướt được dùng đúng quy định về tỷ lệ 3:1, tổng hàm lượng tối đa là 0,000825%, thấp hơn nhiều so với quy chuẩn của Cục Quản lý Dược và tiêu chuẩn EU.
Ông Được cho biết: "Sau vụ việc này, công ty đã chủ động gửi công văn đến Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam là đơn vị khách quan giúp tiến hành các thủ tục tái kiểm định các chỉ tiêu theo quy chuẩn Bộ Y tế đối với mặt hàng khăn ướt của Việt Úc. Từ đó chúng tôi có căn cứ đầy đủ hơn để công bố đến người tiêu dùng".
Một số dòng sữa tắm và dầu gội dành cho trẻ em Johnson & Johnson cũng nằm trong danh sách sản phẩm có chứa thành phần Methylisothiazolinone. Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng, Giám đốc Đối Ngoại Công ty Johnson & Johnson Việt Nam khẳng định: "Những sản phẩm của công ty đang lưu hành trên thị trường đều không rơi vào các trường hợp bị cấm".
Thi Ngoan
(Nguồn: Vnexpress)