• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

231 cái tát vào mặt học sinh hay là cú "xây xẩm mặt mày" của giáo dục?

Thời sự 25/11/2018 15:32

(Tổ Quốc) - Vụ việc một học sinh lớp 6 ở Quảng Bình vì nói tục đã bị cô giáo ra lệnh cho 23 học sinh trong lớp thẳng tay "trừng trị" với tổng cộng 231 cái tát đến mức phải vào viện đã khiến dư luận vô cùng bức xúc và làm xây xẩm mặt mày không ít những bậc phụ huynh, dù họ mới chỉ bị "ăn tát" bằng… thông tin từ mắt thấy, tai nghe.

Bức xúc bởi xưa nay nếu ai đó tát vào mặt nhau, bị ăn tát dù chỉ là một cái đã là một sự động chạm danh dự ghê gớm khiến cả người tát và người bị tát phải nhớ suốt đời.

Vậy mà ở đây, một học sinh chỉ mới học lớp 6 phải lãnh đủ 231 cái tát của cô và 23 bạn học sinh. Phải chăng vì em học sinh đó còn quá nhỏ, chưa đủ hiểu cái tát vào mặt mình nó ảnh hưởng tới tâm lý và danh dự bản thân mà cô giáo ra lệnh cho 23 học sinh trong lớp thực hiện?.

Nhưng cho dù là thế đi chăng nữa thì các em dù lứa tuổi nào cũng là con người, có danh dự và cần được tôn trọng. Hàng loạt bài học đau đớn về bạo hành trẻ mầm non đã bị dư luận lên án. Bởi không gì hèn mạt và đáng xấu hổ khi người ta xúm vào thỏa mãn hành vi bạo lực nhằm đến một kẻ yếu thế, không hoặc rất ít khả năng phản kháng, chống đỡ cho bản thân.

231 cái tát vào mặt học sinh hay là cú xây xẩm mặt mày của  giáo dục? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/ vov.vn

Chúng ta không bao che, lấp liếm, hay vỗ tay tán dương những sai lầm của học sinh, kể cả việc em học sinh kia nói tục, đó là thứ ngôn ngữ xấu, cần phải lên án, sửa chữa. Câu nói tục của một học sinh ở lớp học có thể dễ khiến người nghe như cô giáo bực mình, nóng giận và muốn thẳng tay trừng trị học sinh ngay. Nhưng cái cách xử lý của cô với 231 cái tát là không thể chấp nhận được, không phù hợp với môi trường sư phạm. Bởi nếu với cái cách xử lý chợ búa, ăn miếng trả miếng như thế này thì em học sinh kia hàng ngày đến trường nghe những lời cô giáo giảng dường như đã không còn tác dụng.

Từ một cái sai của học sinh, lẽ ra cô giáo phải là người khiến em học đó sinh nhận ra, hối lỗi và sửa chữa chứ không phải "cái tát" như một thứ xà phòng tẩy được cái xấu, cái sai hoàn toàn. Ngược lại, "cái tát" không chỉ làm tổn thương thể chất mà còn làm tổn thương tinh thần của học sinh.

Quanh sự việc này, cũng có rất nhiều điều đáng bàn cũng như không ít câu hỏi được đặt ra. Khi cô giao ra lệnh cho 23 học sinh – cả một tập thể không hề nhỏ tát bạn mà không có học sinh phản kháng, không dám mạnh dạn lên tiếng, không dám dừng tát? Chúng ta vui hay buồn khi những học sinh răm rắp nghe lời của cô, cho dù lời của cô uy quyền như một mệnh lệnh nhưng lại sai và thiếu tính giáo dục?.

Thông tin từ một số báo cho thấy đã có những học sinh ái ngại, không muốn thực hiện, muốn tát nhẹ nhưng lại sợ cô giáo nên cuối cùng vẫn thực hiện. Từ khi nào cô giáo có quyền lực tuyệt đối trong phạm vi lớp học mà học sinh phải nhất nhất nghe theo bất kể lời cô đúng hay không? Liệu đã đến lúc cần đưa ra giới hạn quyền lực hay những nguyên tắc giáo dục dành cho giáo viên để không có những sự việc tương tự xảy ra?.l

Cô giáo ra lệnh 23 học sinh tát đến 230 cái và cộng một cái của bản thân mình cho một em học sinh hứng chịu liệu có phút giây nào suy nghĩ và tự đặt bản thân mình vào tình huống đó? E là không, vì chỉ cần cô đặt bản thân mình vào em học sinh mắc lỗi kia thì đến cái tát thứ 2 cô đã không chịu nổi và tự hỏi nhân phẩm, danh dự của mình là cái gì khi phải chịu đến hàng trăm cái tát?.

Thật thương cho em học sinh bị ăn tát và thương cả cho 23 em học sinh. Các em còn quá nhỏ để hiểu đúng sai, còn quá nhỏ để biết phản kháng và còn quá nhỏ để phải chứng kiến một bài học không dễ quên trong cuộc đời cắp sách mà cha mẹ và người lớn tin tưởng những điều hay lẽ phải được dạy dỗ dưới mái trường.

Không ít người tự hỏi, với 231 cái tát dành cho học sinh, bài học cô trao truyền cho học sinh là gì? Là sự ăn hiếp tập thể, là mọi sự dạy dỗ và trừng phạt được giải quyết bằng bạo lực và tát vào mặt nhau? Thật đau xót!.

231 cái tát vào mặt học sinh hay là cú xây xẩm mặt mày của  giáo dục? - Ảnh 3.

Em học sinh bị 231 cái tát phải nhập viện. Ảnh:nld.com.vn

Cô giáo ra lệnh cho 23 em học sinh tát đã phải nhận hình thức kỷ luật trước mắt. Nhưng có lẽ sự phẫn nộ của dư luận, điều tiếng của một người cầm phấn đứng trên bục giảng là hình phạt còn nặng nề hơn bất kỳ hình thức  kỷ luật nào sẽ theo cô.

Có thông tin cho rằng, chỉ còn ít ngày nữa ngôi trường này sẽ đón nhận một danh hiệu quan trọng mà bao lâu nay cả cô và trò đã cố gắng phấn đấu. Vì vậy nhà trường không muốn câu chuyện về 231 cái tát "rùm beng" làm ảnh hưởng đến thành tích toàn trường. Nếu thông tin này là đúng thì thật đáng ái ngại cho cái gọi là bệnh thành tích, ái ngại cho những danh hiệu của giáo dục.

Người ta sẵn sàng muốn cho qua, muốn quên đi thật nhanh sự thật về một cô giáo ra lệnh tát hàng trăm cái tát vào mặt học sinh mắc lỗi mà như không phải chuyện lớn. Người ta sẵn muốn quên đi có một em học sinh mới bước vào cấp 2 phải nhập viện vì lãnh 231 cái tát đau đớn trên má và cả đau đớn trong tâm hồn?


Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ