(Tổ Quốc) - Chiều 1/2, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức thông báo kết quả phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).
- 25.01.2024 Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo hai tỉnh Lâm Đồng, An Giang
- 25.01.2024 Đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến
- 19.01.2024 Đề nghị Bộ Chính trị xem xét, xử lý kỷ luật Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh
- 19.01.2024 Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật 7 quân nhân
Thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý
Báo cáo cho biết, tại phiên họp ngày 1/2, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến với 4 nội dung: Báo cáo kiểm điểm kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2023, chương trình công tác năm 2024; báo cáo kết quả chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong năm 2023; báo cáo kết quả kiểm tra theo kế hoạch số 35 của Ban Chỉ đạo; và Đề án cơ chế xử lý vật chứng, tài sản liên quan đến vụ án trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Theo báo cáo, trong năm 2023, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, kỷ luật nghiêm minh, khuyến khích từ chức, kịp thời miễn nhiệm, thay thế cán bộ bị xử lý kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp, tạo bước đột phá mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Trong năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức, 24.162 đảng viên, tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.
Cũng theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 2/3 đảng viên bị xử lý luật do sai phạm từ những nhiệm kỳ trước đó. Trong số 105 cán bộ này có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt lớn, nghiêm trọng, phức tạp được khởi tố, điều tra xử lý bài bản, thận trọng, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
9.373 bị can bị khởi tố về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ
Trong năm các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố 4.523 vụ, 9.373 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó, án tham nhũng khởi tố mới 899 vụ với 2.446 bị can. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 13 vụ án với 54 bị can, khởi tố bổ sung 252 bị can trong 26 vụ án...
Cũng theo báo cáo, trong năm qua đã khởi tố mới, mở rộng điều tra nhiều vụ án tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, như vụ Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, vụ đăng kiểm, AIC, FLC, Tân Hoàng Minh... Kịp thời đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm theo kế hoạch.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa hơn 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi. Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 839 vụ án với 2.276 bị can về tham nhũng. Nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ diện Trung ương, Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh...
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa, thu hồi được nhiều tài sản giá trị hơn 234 nghìn tỷ đồng.
Đưa 2 vụ án vào diện theo dõi chỉ đạo
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Ban Chỉ đạo yêu cầu làm tốt một số nhiệm vụ, trong đó, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành kiểm tra, thanh tra các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo.
Khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm liên quan Việt Á, AIC, Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB. Đồng thời tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, xử lý 34 vụ án, 10 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm địa phương, vụ án Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, FLC, Tân Hoàng Minh...
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã quyết định đưa 2 vụ án vào diện theo dõi chỉ đạo, gồm: Vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng ; buôn lậu xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương, Công ty CP Đất hiếm Việt Nam và các đơn vị liên quan; Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các địa phương.
Thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 8 vụ án, 11 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật./.