• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

26,5% người lao động đang phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ

Kinh tế 13/07/2018 10:16

(Tổ Quốc) - Có 17,4% người lao động cho biết có dư dật và tích luỹ sau khi nhận lương và chi tiêu; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ (tăng 5,8% so với năm 2017); 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống.

Theo kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2018 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố, người lao động làm đủ giờ công, ngày công được nhận tiền lương cơ bản hàng tháng trung bình là 4,67 triệu đồng. Mức này tăng 4,24% so với năm 2017.

Ảnh minh họa.(Nguồn: Internet)

Trong khi đó, với gia đình 4 người (vợ chồng và 2 con) sẽ chi tiêu khoảng từ 6,5 triệu đồng - 7,38 triệu đồng/tháng.

Có 17,4% người lao động cho biết có dư dật và tích luỹ sau khi chi tiêu các khoản cho cuộc sống; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5 % phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ (tăng 5,8% so với năm 2017); 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống.

Cũng theo báo cáo, lương bình quân cao nhất thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước (cổ phần nhà nước) là trên 5,2 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp nước ngoài 4,2 triệu đồng/tháng... Lương cơ bản trung bình theo khảo sát năm 2018 cao hơn lương tối thiểu 39,8%.

Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác…Tổng thu nhập trung bình của người lao động (không kể tiền ăn ca) gồm gần 5,53 triệu đồng/tháng. Mức này cao hơn lương cơ bản là 18,4%, tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. Tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của người lao động. Trong đó, tại doanh nghiệp FDI tỷ lệ này chiếm 77,3%.

Cuộc khảo sát được Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2018), thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố, ngành trung ương./.

Hà Giang (Tổng hợp)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ