(Tổ Quốc) - “Chúng tôi chọn mốc từ ngày 25/2, 21 ngày sau (khoảng giữa tháng 3/2020) nếu không phát hiện trường hợp nào dương tính Covid-19 trong 3 địa phương (Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế) thì sẽ công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa của 3 điểm đến nằm trong chuỗi sự kiện của liên minh kích cầu du lịch quốc gia đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam thành lập”.
- 03.03.2020 Đẩy nhanh kinh tế đêm để sớm bù đắp thiệt hại cho du lịch Đà Nẵng
- 03.03.2020 Đà Nẵng đề nghị ngân hàng hỗ trợ cho các khách hàng, doanh nghiệp đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
- 22.02.2020 Du khách đã quay trở lại Đà Nẵng tham quan, du lịch
- 20.02.2020 Doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng “hiến kế” giải pháp giúp du lịch vượt qua khó khăn, thu hút du khách
- 15.02.2020 Các hoạt động du lịch trên địa bàn Đà Nẵng vẫn diễn ra bình thường
Đó là chia sẻ của ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng tại cuộc họp vào sáng 4/3 giữa UBND TP Đà Nẵng với các doanh nghiệp, các sở ban ngành trên địa bàn nhằm tìm biện pháp gỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Tại cuộc họp, ông Cao Trí Dũng cho biết, do dịch Covid-19, ngành du lịch Đà Nẵng thiệt hại nặng nề, ước tính khoảng 20.000 tỷ đồng. Và nếu tình hình kiểm soát và dập dịch tốt thì khoảng tháng 6/2020 mới có dấu hiệu phục hồi, còn không sẽ mất nguyên năm 2020. Hiện hàng ngày đều có doanh nghiệp du lịch đóng cửa, giảm nhân viên.
Trong lúc đó, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cũng cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.
"Ngay cả khi tôi đang ngồi đây vẫn nhận được thông báo đóng cửa của doanh nghiệp", ông Bình nói và cho biết trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường truyền thông, tuyên truyền về việc Đà Nẵng là điểm đến an toàn, nhanh chóng phục hồi thị trường du lịch nội địa và thị trường quốc tế.
Theo ông Cao Trí Dũng, việc doanh nghiệp nỗ lực cũng rất cần những chủ trương, chính sách hỗ trợ của UBND TP Đà Nẵng và Chính phủ. Ông Dũng đưa ra một số đề xuất đối với Chính phủ dành cho doanh nghiệp như: giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế đất, giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, giảm các loại lệ phí visa, thủ tục nhập cảnh…
Riêng đối với UBND TP Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch đề nghị thành phố cần có cuộc gặp ngay với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước để có gói giải cứu sớm dành cho doanh nghiệp, cũng như xây dựng các khoản vay nợ đủ lớn để giúp doanh nghiệp thoát qua khó khăn.
Bên cạnh đó, ngành thuế TP cho doanh nghiệp chậm nộp thuế, chậm nộp BHXH, tính toán lại tiền thuê đất cho các cơ sở dịch vụ,…
Để khách du lịch quay trở lại, theo ông Dũng, thành phố phải có sản phẩm du lịch mới, làm sao trong năm 2020 phải có sản phẩm du lịch trên sông. Bên cạnh đó, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp đưa vào hoạt động chợ đêm tại Công viên Châu Á. Đối với nhóm kích cầu, cần hình thành quỹ xúc tiến du lịch của thành phố. Miễn phí vé tham quan tại các điểm di tích, danh thắng của thành phố, lưu ý giảm giá kích cầu du lịch giảm từ 30-50 % nhưng không giảm chất lượng dịch vụ...
"Chúng tôi chọn mốc từ ngày 25/2, 21 ngày sau (khoảng giữa tháng 3/2020) nếu không phát hiện trường hợp nào dương tính Covid-19 trong 3 địa phương (Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế) thì sẽ công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa của 3 điểm đến nằm trong chuỗi sự kiện của liên minh kích cầu du lịch quốc gia đã được Hiệp hội du lịch Việt Nam thành lập", ông Dũng nói và cho biết hiện đang quyết liệt cho việc này nhưng rất lo lắng, phập phòng.
Cũng tại cuộc họp, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng thông tin, có thể qua thứ 2 tuần tới sẽ có thông tư của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp. Khi có gói hỗ trợ này Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh tiếp tục công cuộc phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu.
"Tại cuộc họp hôm nay, về thuế chúng ta đang chờ đợi trung ương sau đó cục thế sẽ vào cuộc ngay. Về tài chính tín dụng ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn và đang chờ thông tư, khi có sẽ triển khai", ông Minh nói và giao các sở, ngành, đơn vị sớm triển đồng bộ các giải pháp đưa hoạt động kinh doanh vượt qua khó khăn. Đối với ngành du lịch, thành phố sẽ phối hợp với Sở Du lịch từng bước tháo gỡ khó khăn trước mắt, xây dựng Đà Nẵng là điểm đến an toàn với du khách.
Ngày 21/2 vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã công bố liên minh kích cầu du lịch Việt Nam và chương trình xúc tiến du lịch tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Đắk Lắk. Liên minh bao gồm đại diện các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ trên cả nước, có trách nhiệm xây dựng và triển khai chương trình kích cầu du lịch, góp phần khắc phục hậu quả dịch Covid-19 gây ra tại Việt Nam; chủ động đối phó với dịch bệnh, tạo đà phát triển cho ngành du lịch Việt Nam sau dịch.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, liên minh được thành lập nhằm liên kết các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch để đưa ra các sản phẩm có chất lượng, giá tốt nhất để phục hồi lại sự tăng trưởng lượng khách sau hậu quả do dịch Covid-19 gây ra. Điều này giúp các địa phương, doanh nghiệp chủ động hơn, đưa ra nhiều sáng kiến hay góp phần phát triển du lịch.
Ông Bình cũng cho hay, Chương trình kích cầu lần này có điểm mới là triển khai trên toàn quốc, nhưng chưa thể cùng lúc triển khai rộng mà phải làm từng bước. Bước đầu là giới thiệu, xúc tiến cho du lịch của 4 tỉnh gồm Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk. Đây là những tỉnh miền Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, rất an toàn với du lịch và có quyết tâm khôi phục du lịch, tạo ra sự hưởng ứng của các doanh nghiệp.