• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

3 kịch bản cho thị trường lao động Việt Nam dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19

Thời sự 04/06/2020 15:24

(Tổ Quốc) - Do tác động của dịch Covid, có tới 66,8% số doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động. Trong đó, có những giải pháp tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng bên cạnh đó cũng có những giải pháp tiêu cực mà doanh nghiệp phải áp dụng để duy trì sự tồn tại trong thời kỳ dịch bệnh.

Theo Báo cáo Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê công bố, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu, rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, kéo theo hàng loạt những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt như: Thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD, thị trường cung - cầu trong nước bị thu hẹp, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ…

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37.596 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm trong 4 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2020. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng năm 2020 là 1.126.164 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2019. Có 41.755 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2019, trong đó có 22.696 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019.

3 kịch bản cho thị trường lao động Việt Nam dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nam Nguyễn

Trong đó, chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp. Theo thang điểm từ 1 đến 5, trong đó: 1 là gánh nặng lớn nhất, 5 là gánh nặng nhỏ nhất, các doanh nghiệp đánh giá mức độ từng loại chi phí doanh nghiệp đang phải đối mặt như sau: Xếp hạng theo điểm trung bình của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp thời điểm hiện nay, với điểm số trung bình là 1,89; chi trả lãi vay ngân hàng 2,41 điểm; chi phí hoạt động thường xuyên khác 2,67 điểm; chi phí thuê mặt bằng 2,68 điểm; chi phí khác 4.02 điểm.

Xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chọn loại chi phí là gánh nặng lớn nhất, thì khoản chi trả công lao động được nhiều doanh nghiệp chọn nhất, chiếm tới 40,3%, chi trả lãi vay ngân hàng và chi thuê mặt bằng, với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 30,8% và 27,2%, cuối cùng là chi cho hoạt động thường xuyên khác 16,8%.

Để ứng phó với tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp đã phải áp dụng nhiều giải pháp như: điều chỉnh nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí hoạt động SXKD, thay đổi phương thức cũng như chiến lược SXKD... Trong đó, do tác động của dịch Covid, có tới 66,8% số doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động. Nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương lao động, thu hẹp quy mô SXKD hoặc tạm ngừng hoạt động. Các con số cụ thể được Tổng cục Thống kê đưa ra gồm: Giải pháp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên có 39,5% doanh nghiệp lựa chọn, cao nhất trong các giải pháp về lao động; có 28,4% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; 21,3% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và 18,9% doanh nghiệp giảm lương lao động.

Bà Nguyễn Thị Quyên – Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, trong tháng 5/2020, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) là 157.945 người, bằng 155,2% so với tháng 4/2020 (101.800 người) và bằng 144,2% so với tháng 5/2019 (109.569 người).

Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, sau khi việc cách ly xã hội kết thúc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bước đầu quay trở lại trạng thái bình thường.

Mới đây, tại Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về tạo việc làm và kinh doanh bền vững trong trạng thái bình thường mới", dự báo về thị trường lao động trong tháng 6 và Quý II/2020, bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết tình hình lao động ngừng việc có xu hướng giảm do doanh nghiệp bắt đầu cho lao động trở lại làm việc. Khi đó có 3 kịch bản thị trường lao động gồm:

Nếu tình hình dịch tễ thế giới diễn biến tích cực, số mất việc làm hàng tháng 70 - 80 nghìn người, số doanh nghiệp bụ ảnh hưởng 70-75%, số lao động ngừng việc 3-3,5% triệu người.

Nếu tình hình dịch tễ thế giới diễn biến đi ngang hoặc chuyển biến xấu, số mất việc làm hàng tháng 80-90 nghìn người, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng 80%, số lao động ngừng việc 5-5,6 triệu người

Còn nếu tình hình dịch tễ thế giới diễn biến xấu, Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, số mất việc làm hàng tháng 90-100 nghìn người, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng 90%, số lao động ngừng việc 6,1-7,2 triệu người.

Theo đó, để đảm bảo lao động cho sản xuất kinh doanh, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cũng đưa ra một loạt các giải pháp như: Chủ động nắm bắt thị trường lao động để có phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; Chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, hướng dẫn người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; Ứng dụng CNTT trong kết nối cung cầu lao động…

Trước đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất lên Chính phủ việc sử dụng 3.000-5.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo/đào tạo lại cho người lao động nhằm nâng cao tay nghề; chuyển đổi việc làm cho thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ