Những năm gần đây, lợi dụng kẽ hở của luật pháp trong nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nhập khẩu rác thải công nghiệp, hóa chất độc hại vào nước ta. Đến khi không tái xuất được họ "bỏ của chạy lấy người". Đơn vị nào sẽ quản lý số hàng hóa "vô chủ" đó, rác phế thải độc hại sẽ được xử lý tại đâu và quy trình xử lý như thế nào? Để không xảy ra vấn đề gì trong quá trình vận chuyển, gây ảnh hưởng đến môi trường là câu hỏi khó làm "đau đầu" các cơ quan chức năng?
TTXVN dẫn báo cáo của Hải quan Hải Phòng cho biết, đến ngày 1/8/2018, tại Cảng Hải Phòng có 3.513 container phế liệu quá thời hạn làm thủ tục hải quan, trong đó quá thời hạn làm thủ tục từ 30 - 90 ngày là 2.513 container, quá thời hạn 90 ngày là 1.000 container. Phế liệu quá thời hạn nhiều nhất là nhựa với 3.268 container, còn lại là sắt, thép, nhôm, kẽm, giấy.
(Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN)
|
Các lô hàng tồn đọng do không đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu để sản xuất, doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không đủ điều kiện để thông quan.
Để giảm bớt các container “vô chủ”, mới đây Hải quan Hải Phòng đã yêu cầu các doanh nghiệp kê khai tên đơn vị nhận hàng. Nhờ đó, sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp “né” hoặc bỏ trốn khi các cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, đồng thời giảm gánh nặng cho Nhà nước trong việc xử lý các container rác thải tồn đọng.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa qua, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định thời gian tới sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho rà soát và sửa đổi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo hướng loại bỏ các phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường hoặc các phế liệu hiện nay trong nước đã chủ động được nguồn cung.
Đi liền với đó sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để giám sát chặt chẽ, chia sẻ thông tin về các cơ sở nhập khẩu phế liệu từ khâu nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng phế liệu nhập khẩu. Xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật khi phát hiện có sai phạm, đặc biệt đối với các vụ việc gian lận thương mại trong nhập khẩu phế liệu.
Thủy Bích (t/h)