• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

4 chân tướng nhói lòng mà tôi đã ngộ ra trong dịch bệnh: Không phải công việc không thể rời xa chúng ta, mà là chúng ta không thể rời xa công việc!

Kinh tế 17/03/2020 13:41

(Tổ Quốc) - Tôi từng đọc được dòng status của anh bạn trên Facebook viết rằng: "Cầu mong nhanh nhanh đi làm trở lại, nghỉ dài thế này kiểu gì sếp cũng sẽ phát hiện ra có mình hay không đều thế cả".

01
Không phải công việc không thể rời xa chúng ta mà là chúng ta không thể rời xa công việc

Rất nhiều người trưởng thành đều có mơ ước rằng một ngày nào đó không cần phải đi làm, ngày ngày được ngủ đã giấc đến khi tự tỉnh.

Và rồi khi dịch bệnh xảy ra, ước mơ đó dường như đã trở thành "HIỆN THỰC" với nhiều người ở tâm dịch.

Có những người đã nghỉ làm để cách ly. Trong khoảng thời gian ấy, không còn phải 8 giờ sáng cắp túi đi làm, 5 giờ chiều cắp túi ra về và cũng không cần phải đối mặt với Boss.

Thế nhưng, chúng ta thực sự được hạnh phúc và thỏa mãn như trong tưởng tượng?

Rất nhiều người cảm thấy không quen sau niềm vui ngắn ngủi ấy. Thậm chí bắt đầu hồi tưởng, nhớ nhung những ngày tháng đi làm trước đó, muốn được nhanh chóng trở lại với công ty, trở lại với công việc như xưa.

Bởi chúng ta có những mối lo phải trăn trở như tiền thuê nhà, tiền vay lãi, chi tiêu hàng ngày...những khoản chi vẫn ngày ngày phát sinh đều như vắt chanh và không ngừng nghỉ.

Những lúc rảnh rỗi không có việc gì làm thường khiến chúng ta cảm thấy hụt hẫng, không có cảm giác ổn định. Lâu dần sẽ thấy ngày tháng qua đi thật vô vị và khô khan.

Con người thường muốn kiếm việc gì đó để làm, không những có được thù lao tương xứng, mà còn có được cảm giác thỏa mãn và niềm vui nho nhỏ từ những thành tựu nhỏ.

Chúng ta từng cho rằng, công việc không thể rời xa chúng ta, thực ra không phải vậy. Sự thật là chúng ta không thể rời xa công việc.

Mặc dù, chúng ta thường phàn nàn về công việc, phàn nàn về sếp, nhưng công việc lại có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với bản thân mỗi người.

Có công ăn việc làm đồng nghĩa với việc chúng ta có thể chăm lo cho gia đình, có thể theo đuổi cuộc sống hoài bão và hiện thực hóa những ước mơ và khát vọng.

Làm việc chưa chắc khiến bạn vui vẻ nhưng không làm việc chắn chắn sẽ khiến bạn buồn phiền.

Rất nhiều người rõ ràng đang làm việc tại nhà, nhưng trong lòng vẫn tràn đầy âu lo. Lo rằng bản thân sẽ nằm trong danh sắc cắt giảm nhân lực, lo rằng sẽ bị giảm lương, lo rằng công ty sẽ không trụ nổi.

Tôi từng đọc được dòng status của anh bạn trên Facebook viết rằng: "Cầu mong nhanh nhanh đi làm trở lại, nghỉ dài thế này kiểu gì sếp cũng sẽ phát hiện ra có mình hay không đều thế cả".

Người trẻ ơi, đừng lúc nào cũng than phiền hay phàn nàn về công việc nữa. Công việc không những mang lại cho chúng ta cảm giác an toàn mà còn là vũ đài để chúng ta khẳng định giá trị và khả năng.

4 chân tướng nhói lòng mà tôi đã ngộ ra trong dịch bệnh: Không phải công việc không thể rời xa chúng ta, mà là chúng ta không thể rời xa công việc!  - Ảnh 1.

02
Những lời càm ràm của cha mẹ là thật, cô đơn cũng là thật

Mỗi lần về nhà, thấy tủ lạnh đầy ắp thức ăn, tưởng rằng đó là cuộc sống sung túc thường ngày của cha mẹ.

Mỗi lần gọi điện hỏi thăm, cha mẹ đều nói mình rất khỏe, các con không cần phải lo lắng.

Thế nhưng, bạn có bao giờ nghĩ rằng, tủ lạnh đầy ắp thức ăn ấy là đặc biệt chuẩn bị cho mỗi lần bạn về nhà.

Bạn nghĩ là cha mẹ trẻ mãi không già, không ốm đau bệnh tật ư? Thực ra, cha mẹ đã già, sức khỏe đã yếu, ốm đâu bệnh tật là điều tất nhiên.

Mỗi lần về nhà, cha mẹ thường cằn nhằn chúng ta hay ngủ nướng, suốt ngày dán mắt vào điện thoại, muốn đuổi chúng ta đi thật nhanh để cho bớt ồn ào. Vậy nên, nhiều người thường không thích về nhà, thích được ở một mình, thích được tự do mà không có cha mẹ bên cạnh cằn nhằn.

Nhưng thực tế, chúng ta không hiểu cha mẹ như những gì mình nghĩ. Cha mẹ thực sự đã già, chúng ta không thể tưởng tượng những ngày tháng vắng bóng mình, cha mẹ phải sống cô đơn như thế nào.

Những ngày chúng ta trở về, mặc dù đôi lúc cha mẹ có cằn nhằn, đuổi khéo nhưng thực ra trong lòng lại rất vui, mong muốn chúng ta có thể ở bên cạnh lâu hơn.

Cha mẹ lo lắng nhiều cho bạn, là bởi không biết bạn đang làm gì. Mặc dù, hiện tại công việc bộn bề chúng ta chưa có thời gian liên tục ở bên cha mẹ, nhưng có thể gọi điện, nói cho cha mẹ biết mình đang làm gì.

Thi thoảng gửi vài tấm hình chụp bạn, chia sẻ với cha mẹ về cuộc sống của mình. Để cha mẹ được tham gia vào cuộc sống của bạn, để cha mẹ cảm thấy mình "được cần". Chắc chắn cha mẹ sẽ rất vui.

Nếu có thể, hãy dành thời gian đưa cha mẹ đi thăm thú mọi nơi, để cha mẹ có thể cảm nhận muôn màu của thế giới này. "Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng", đừng để cuộc đời này phải nuối tiếc bất cứ điều gì về cha mẹ mình.

4 chân tướng nhói lòng mà tôi đã ngộ ra trong dịch bệnh: Không phải công việc không thể rời xa chúng ta, mà là chúng ta không thể rời xa công việc!  - Ảnh 2.

03
Hôn nhân rạn nứt chẳng qua chỉ là không chú tâm chăm chút mà thôi

Trước khi xảy ra dịch bệnh, nhiều cặp vợ chồng nghĩ rằng giữa họ chỉ có tình thân không còn tình yêu.

Cuộc sống hôn nhân phẳng lặng giống như một bể nước, gió thổi qua cũng chỉ lăn tăn gợn sóng.

Trong thời gian dịch bệnh, vợ chồng đều có mặt ở nhà, không bước chân ra khỏi cửa, cùng chung hoạn nạn. Tình cảm vợ chồng được hâm nóng, trở nên thân mật hơn.

Có bạn mạng chia sẻ rằng: "thật bất ngờ vì trong khoảng thời gian này, chồng mình lại cùng mình chuẩn bị cơm cho gia đình, làm những việc nhà mà trước giờ anh chưa từng động tay. Hai đứa con chăm chỉ làm bài tập trong phòng, giống như những cuối tuần bình thường khác nhưng lại hạnh phúc vô cùng".

Có chị bình luận ở dưới: "Chồng mình bảo hiếm khi cả nhà ở cùng nhau mà lại không cãi nhau. Mẹ nó là cả thế giới của anh, chỉ cần được ở bên cạnh mẹ nó và các con là anh mãn nguyện lắm rồi".

Cũng có chị khác xen vào: "Anh nhà mình cũng thay đổi hẳn kể từ khi xảy ra dịch bệnh. Trong nhà có vài chiếc khẩu trang y tế, chồng mình đi ra ngoài chỉ đeo khẩu trang bình thường, còn nếu mình đi ra ngoài, bắt mình đeo khẩu trang y tế bằng được, về đến nhà còn bắt đi rửa tay luôn. Mặc dù khẩu khí có chút nặng, nhưng vào giây phút ấy mình chợt phát hiện ‘hóa ra anh yêu mình thật’".

Có những cặp vợ chồng, hôn nhân không hề bị sứt mẻ, mà là do cả hai mắc chứng "cạn lời".

Không muốn nói chuyện với nhau, không biết đối phương đang nghĩ gì. Thế nhưng thời gian dịch bệnh cách ly tại nhà, hai vợ chồng dần dần nói chuyện nhiều với nhau hơn, cuộc sống vợ chồng lại trở nên có mùi vị hơn.

Thực ra, rất nhiều cặp vợ chồng trước đó không phải chỉ có tình thân không có tình yêu, mà là do ngày rộng tháng dài, cả hai không chú tâm chăm chút hôn nhân mà thôi.

Nhưng nhờ lần đại dịch này, cả hai có cơ hội ở bên nhau nhiều hơn, dễ dàng phát hiện những vết rạn trong hôn nhân và muốn nhanh chóng hàn gắn. Giống như những gì mà người xưa thường nói "hoạn nạn thấy chân tình", gia đình luôn là bến đỗ ấm áp, an toàn và ngọt ngào nhất. Không có thứ gì hạnh phúc hơn việc cả nhà khỏe mạnh, bình an bên nhau cả.

4 chân tướng nhói lòng mà tôi đã ngộ ra trong dịch bệnh: Không phải công việc không thể rời xa chúng ta, mà là chúng ta không thể rời xa công việc!  - Ảnh 3.

04
Lương thiện thiếu lý tính sẽ không có ý nghĩa gì cả

Trong nhận thức vốn có của chúng ta thì lương thiện là một phẩm chất tốt đẹp. Chúng ta thích giúp đỡ người khác, làm những việc trong khả năng của mình. Chúng ta thích những người lương thiện và luôn nghĩ rằng nhân phẩm của họ không hề tệ.

Thế nhưng, lương thiện một khi mất đi lý tính, rất có khả năng sẽ đi tới một kết cục sai lầm.

Đồng nghiệp cũ của tôi có con trai bị mắc bệnh nặng, cần rất nhiều tiền để chữa trị. Trong lúc tuyệt vọng, chị mạnh dạn đăng tin trên mạng xã hội, mong được cộng đồng mạng ra tay cứu giúp.

Chị để lại số điện thoại của mình nên sau đó có rất nhiều người gọi điện thoại, gửi tin nhắn động viên. Trên thực tế, những cú điện thoại thực sự có tác dụng chẳng có bao nhiêu.

Điện thoại gọi đến nhiều như bầy ong vỡ tổ, khiến chị càng mệt mỏi và tuyệt vọng hơn. May mắn là, cuối cùng cũng có mạnh thường quân giúp đỡ, nhưng tin nhắn giúp đỡ đó suýt chút nữa bị chôn vùi trong đống tin nhắn "vô nghĩa".

Thấy người khác gặp khó khăn, xuất phát từ lòng lương thiện, chúng ta thường muốn làm gì đó để giúp họ, nếu không thể làm được gì cũng muốn an ủi hoặc động viên họ.

Những người gọi điện, nhắn tin hỏi thăm đều xuất phát từ sự lương thiện, nhưng sự lương thiện đó chưa được suy nghĩ thực sự lý tính.

Và chính sự lương thiện thiếu lý tính ấy, khiến người xin giúp đỡ ngày càng bị động và tuyệt vọng.

Bertrand Russell đã từng nói rằng: "Nếu không tồn tại lý tính, mọi sự lương thiện đều vô nghĩa".

Sở dĩ lương thiện có ý nghĩa là bởi nó đỡ đần được người khác chứ không phải càng đỡ càng đần.

Trong cuộc sống, trước khi chúng ta giúp đỡ ai đó, hãy suy nghĩ tới việc "liệu mình có thực sự giúp đỡ được người ta". Bởi một cú điện thoại vô dụng nhiều khi lại khiến họ bỏ lỡ một cú điện thoại hữu dụng.

Nếu như không thể mang đến sự giúp đỡ thực sự, thà rằng không làm, có thể đó cũng là một sự "lương thiện".

Dịch bệnh ùn ùn kéo đến, nhưng trước sự đồng lòng của xã hội, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt. Tin rằng ngày chiến thắng dịch bệnh không còn xa nữa. Đến ngày đó, đường phố lại tấp nập như xưa, mọi người lại cười nói vui vẻ với nhau. Ánh sáng bình minh sẽ nhanh xuyên thấu mây mù thôi!

Ngọc Thuỷ - Trí Thức Trẻ

NỔI BẬT TRANG CHỦ