(Tổ Quốc) - Có rất nhiều công việc tiềm năng phù hợp với những người sống thiên về cảm xúc.
Nếu như trước đây, mọi người chọn nghề thuận theo ước mơ, hoài bão hay sở thích cá nhân. Thì hiện tại, phần đông xu hướng chuyển sang chọn nghề thuận theo nhu cầu xã hội. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận, gắn bó với một công việc mà mình yêu thích, phù hợp với tính cách bản thân là điều mà ai cũng ao ước. Sở hữu một công việc phù hợp với tính cách bản thân mang lại nhiều thuận lợi nhất định.
Mỗi tính cách lại phù hợp với một công việc riêng. Nếu bạn là người nhạy cảm, sống thiên về cảm xúc cũng đừng quá lo lắng. Ngày nay, có rất nhiều công việc tiềm năng phù hợp với người có tính cách này. Những người nhạy cảm thường quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ, nhận định của người khác. Họ có xu hướng khó từ chối, luôn muốn giúp đỡ mọi người. Họ là người có tâm hồn mong manh, dễ bị ảnh hưởng bởi câu nói/hành động từ người khác.
1. Trở thành giáo viên
Những người sống thiên về cảm xúc có một ưu điểm là nắm bắt được cảm xúc người đối diện rất tốt. Đa số họ là người hướng nội, học tốt các môn khối khoa học xã hội, có lối sống truyền thống và khó chia sẻ nỗi buồn với người khác.
Nghề giáo viên được khá nhiều người lựa chọn, nhất là đối với những người nhạy cảm, sống thiên về tình cảm. Vì nghề giáo viên đòi hỏi con người những yếu tố như: Nhẫn nại, tinh tế, thấu hiểu và cần sự cảm thông, tốt bụng. Đây đều là tính cách, đặc điểm của người sống "siêu nhạy cảm".
Khi trở thành giáo viên, họ phải đặt vị trí của bản thân vào học sinh để biết được học sinh đang nghĩ gì, cảm thấy như thế nào đối với môn học. Họ cũng phải đặt mình vào vị trí của phụ huynh để hiểu những mong muốn thầm kín. Từ đó, giáo viên sẽ đưa ra được phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả, giúp học sinh nâng cao kiến thức.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng là nghề có môi trường làm việc hoạt động độc lập. Đây chính là điều mà người sống thiên về cảm xúc cần có trong công việc. Do đó, nếu bạn là người nhạy cảm thì có thể cân nhắc việc trở thành giáo viên.
Một số trường đào tạo nghề giáo viên:
Đại học Sư phạm Hà Nội.
Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đại học Sư phạm TP. HCM.
Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên.
…
2. Làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Cảm xúc là tài sản và là sự giàu có cũng những người nhạy cảm. Những người nhạy cảm thường thích quan tâm đến người khác nhiều hơn bản thân mình. Họ là người giàu lòng trắc ẩn, nhân ái, vị tha và thích cho đi. Đặc biệt, khi người nhạy cảm nhận ra người đối diện đang yếu thế, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ.
Do vậy, những nghề thuộc lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe hay trị liệu rất thích hợp với những người nhạy cảm. Chẳng hạn họ có thể trở thành bác sĩ tâm lý, chuyên viên tư vấn dinh dưỡng, điều dưỡng, y tá, nhân viên chăm sóc sức khỏe, chuyên viên trị liệu vật lý,…
Trong giai đoạn đầu làm việc, họ thường gặp thách thức khi đối diện với hoàn cảnh, xúc cảm của người khác. Họ sẽ phải học thêm cách kiềm chế, kiên nhẫn và không bộc phát cảm xúc ra ngoài. Thế nhưng, những nghề liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ giúp người nhạy cảm tìm ra giá trị nhân văn và cốt lõi trong cuộc sống.
Một số trường đào tạo chuyên gia/chuyên viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe:
Đại học Y Hà Nội.
Đại học Dược Hà Nội.
Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam.
Đại học Y tế cộng đồng.
Đại học Yersin Đà Lạt.
…
3. Trở thành nhà biên kịch
Những người nhạy cảm, sống thiên về cảm xúc có thể cân nhắc việc trở thành nhà biên kịch. Tất nhiên, không phải người nhạy cảm nào cũng có khả năng hoặc yêu thích việc kể chuyện, sáng tạo một tác phẩm về kịch, phim,… Nhưng nếu đó là năng khiếu và cũng chính là đam mê thì bạn hãy tận dụng để biến ý tưởng thành một câu chuyện thú vị.
Khi làm công việc biên kịch, sự sáng tạo sẽ đi cùng bạn. Sáng tạo không có điểm dừng và bạn có thể nắm quyền chủ động cho vở kịch hay tác phẩm của bạn. Sự sáng tạo cũng như tính chủ động khiến bạn có được tự do trong quá trình làm việc. Bạn có thể đầu tư thời gian cho việc xây dựng một kịch bản, một câu chuyện đã ấp ủ từ lâu. Nghề biên kịch hứa hẹn sẽ là một lựa chọn lý tưởng dành cho tuýp người sống thiên về cảm xúc.
Một số trường đào tạo nghề biên kịch phim:
Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội
Đại học Hoa Sen.
4. Trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng
Nhiều nghiên cứu về tâm lý học cho thấy, những người nhạy cảm thường giàu cảm xúc, dễ cảm thông với người khác. Nhóm người này thường thích giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người yếu thế và gặp khó khăn trong cuộc sống.
Chính bởi đặc điểm này mà họ thường thích hợp với các vị trí chăm sóc khách hàng, giúp đỡ những người khác. Tuy nhiên, để làm tốt công việc, bạn phải học cách kiểm soát cảm xúc bản thân khi đối phó với những vấn đề của người khác. Dù có khó khăn nhưng đây vẫn là vị trí công việc mà bạn có thể tìm thấy được ý nghĩa, giá trị của bản thân.
Với ngành nghề chăm sóc khách hàng, bạn không cần bằng đại học vẫn có thể trở thành một tư vấn viên giỏi. Bạn có thể đăng ký theo học các khóa đào tạo ngắn hạn tại các trung tâm hoặc các lớp học ngay tại công ty mình đang làm việc.