(Toquoc)- Hội thảo khoa học "45 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2014) đã diễn ra sáng 5/9 tại Hà Nội.
(Toquoc)- Hội thảo khoa học "45 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2014) đã diễn ra sáng 5/9 tại Hà Nội.
Đây là hoạt động do Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức nhân kỉ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới 45 năm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo, nhà nghiên cứu, khoa học trên nhiều lĩnh vực và cán bộ của Khu di tích qua nhiều thời kì.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, trong đó nêu rõ những đặc điểm nổi bật liên quan đến đạo đức, tư tưởng, tác phong của Bác Hồ gắn với từng điểm di tích, kỉ vật mà Người để lại tại Khu di tích cũng như các nguồn tư liệu khác. Nhiều ý kiến khác đề cập đến những khó khăn, tác động bất lợi ảnh hưởng đến hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích; các giải pháp mang tính định hướng để bảo tồn lâu dài...
Nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế đến tham quan Khu di tích (ảnh Hữu Đức)
Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ đã sống, làm việc trong suốt 15 năm cuối đời (1954-1969). Trong Khu di tích có các di tích bất động sản, tài liệu, hiện vật gốc và môi trường cảnh quan. Mỗi di tích, tài liệu, hiện vật đều chứa đựng nội dung lịch sử khác nhau, là minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Bác Hồ cho sự nghiệp cách mạng, hạnh phúc của nhân dân. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Di chúc lịch sử, để lại cho đời sau những lời căn dặn tâm huyết....
Ngay sau khi Người qua đời, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định bảo quản khu lưu niệm, các di tích, hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để bày tỏ lòng biết ơn, đời đời ghi nhớ công lao của Người, động viên toàn dân học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác Hồ.
Trong những năm qua, nhiều khó khăn, thách thức nổi lên trong việc giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn di sản Bác Hồ để lại. Do Khu di tích thường xuyên đón khách nên công tác bảo tồn, bảo quản khó tiến hành đúng theo quy trình. Các tài liệu, hiện vật luôn chịu áp lực trực tiếp của môi trường tự nhiên, ảnh hưởng gián tiếp từ con người, trong khi đó việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vảo bảo quản còn hạn chế.
Tuy nhiên, trong suốt 45 năm qua, tập thể cán bộ, người lao động Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã luôn sáng tạo, linh hoạt kết hợp bảo quản thông thường với bảo quản khoa học, từng bước áp dụng khoa học công nghệ, tiên tiến vào công tác bảo quản định kì, chống xuống cấp di tích, lắp đặt thiết bị bảo quản, áp dụng công nghệ khí khô, xử lí thoát nước, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, tu bổ và nâng cấp vườn quả, hút bùn ao cá bằng công nghệ tiên tiến...Đến nay, các công trình, cảnh quan, hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời, hoạt động của Bác Hồ trong 15 năm cuối đời vẫn được bảo tồn, bảo quản nguyên trạng.
Toàn bộ không gian khu vực, ngôi nhà, cây hoa, ao cá, đường đi, lối mòn, thảm cỏ...trong Khu di tích đã được định vị chính xác trên bản đồ, được quy hoạch cụ thể, chi tiết. Các cán bộ của Khu di tích cũng đã nỗ lực triển khai các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, truyền đạt tâm hồn, cốt cách, cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với du khách trong nước, quốc tế đến thăm Khu di tích.
Khu di tích đã trở thành nơi hội tụ tình cảm và tấm lòng của nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế đến Việt Nam. Từ năm 1970 đến nay, Khu di tích đã đón tiếp, phục vụ gần 60 triệu lượt khách tham quan, học tập trong đó có khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, hàng trăm tổ chức quốc tế. Đặc biệt, từ năm 2007 đến nay, mỗi năm Khu di tích đón hơn 2 triệu lượt khách.
Dạ Minh