(Tổ Quốc) - Với vai trò là điểm tựa chăm sóc, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc cho người dân, kỹ thuật phục hồi chức năng (PHCN) đang được coi là một trong những “ngành nghề của tương lai”.
Cùng tìm hiểu về 5 điều tuyệt vời "có thể bạn chưa biết" về nghề kỹ thuật PHCN nhé!
Sinh động như đời sống
Nhiều người thường cho rằng, kỹ thuật PHCN chính là Vật lý trị liệu (VLTL), giúp tăng khả năng hoạt động của cơ thể như bước đi, gập, duỗi tay, chân…
Tuy nhiên, trong thực tế phục hồi chức năng không chỉ có thế, và VLTL chỉ là một "góc" nhỏ của chăm sóc và PHCN muôn màu muôn vẻ.
Kỹ thuật viên hoạt động trị liệu hướng dẫn bệnh nhân bị đột quỵ tự làm vệ sinh cá nhân. Ảnh: MCNV
Với mục đích chính là giúp người bệnh giảm thiểu tình trạng giảm khả năng, tối đa hóa các chức năng bị ảnh hưởng do chấn thương, dị tật bẩm sinh, bệnh tật, việc chăm sóc PHCN chủ yếu sử dụng các kỹ thuật trị liệu, thay vì dùng thuốc.
PHCN có thể áp dụng can thiệp cho nhiều loại bệnh lý khác nhau: từ thoái hóa cơ xương khớp (cột sống cổ, cột sống thắt lưng…), cho đến các chấn thương như gãy xương, bong gân, trật khớp, bệnh tim mạch, hô hấp, những khuyết tật thường gặp ở trẻ em như bại não, tự kỷ; hay những rối loạn tâm thần như trầm cảm, stress…
Một số công cụ đánh giá được sử dụng trong hoạt động trị liệu. Ảnh: Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
Nhiệm vụ của một kỹ thuật viên PHCN rất đa dạng, từ đánh giá chức năng các bộ phận trên cơ thể người bệnh, đưa ra chương trình can thiệp phù hợp, xác định những rủi ro, chướng ngại vật họ có thể gặp tại nơi ở, như sàn nhà tắm quá trơn; cầu thang quá dốc; hoặc vận dụng "hoa tay" của mình để biến những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày trở nên thân thiện với bệnh nhân hơn…
Chiếc thìa có tay cầm được thiết kế phù hợp với nhu cầu của bệnh nhân. Ảnh: Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
Ý nghĩa nhân văn
PHCN được đánh giá là một nghề nghiệp giàu tính nhân văn, khi trực tiếp góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh độc lập trong các sinh hoạt và công việc hàng ngày, đóng góp sức lực và trí tuệ cho gia đình, xã hội.
Không chỉ giúp ích cho người bệnh hay khách hàng, kỹ thuật viên PHCN còn có thể chăm sóc chính những người thân trong gia đình một cách khoa học, như giúp cải thiện trí nhớ cho ông bà, giảm đau lưng cho cha mẹ... Còn gì tuyệt vời hơn là được làm công việc mình yêu và công việc đó mang lại niềm hạnh phúc cho mình và mọi người phải không nào?
Bên cạnh đó, bệnh nhân/khách hàng của PHCN rất đa dạng về lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, môi trường sống, nên kỹ thuật viên PHCN có cơ hội phát triển bản thân không ngừng, rèn luyện tính sáng tạo, tư duy linh hoạt, sự đồng cảm, khả năng thấu hiểu tâm lý con người…
Môi trường năng động
Những kỹ thuật của PHCN rất đa dạng, từ Vật lý trị liệu (tăng cường khả năng vận động cơ thể) hoạt động trị liệu (HĐTL) (giúp người bệnh thực hiện các hoạt động sống hàng ngày), âm ngữ trị liệu (khôi phục, cải thiện chức năng nói, nuốt), và các liệu pháp trị liệu khác như thuỷ trị liệu, âm nhạc trị liệu...
Là một nghề mang tính đa ngành, kỹ thuật viên PHCN không chỉ làm việc với khách hàng/người bệnh, mà còn phối hợp chặt chẽ với một "team" hùng hậu, gồm bác sĩ, điều dưỡng, chuyên gia tâm lý… thuộc các chuyên khoa đa dạng, từ tim mạch, hô hấp cho tới tâm lý.
Sinh viên khoa PHCN đang thực hành mô hình can thiệp nhóm cho người bệnh sau tổn thương tủy sống. Ảnh: Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
Không chỉ giới hạn ở phòng khám, phòng bệnh, kỹ thuật viên PHCN còn luôn kịp thời có mặt bên người bệnh sau khi xuất viện, hỗ trợ họ tại nơi sinh sống, làm việc.
Trong suốt quá trình đó, kỹ thuật viên PHCN phối hợp chặt chẽ với cộng đồng xung quanh bệnh nhân, gia đình, đồng nghiệp, để đạt được mục tiêu tối đa về mặt chức năng, đem lại niềm hạnh phúc cho người bệnh.
Cơ hội không giới hạn
Hiện tại, hầu hết các tỉnh thành cả nước có bệnh viện chuyên khoa PHCN; bên cạnh đó thì 100% các bệnh viện đa khoa trung ương và 98% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa PHCN. Các đơn vị này có nhu cầu tuyển dụng nhân lực kỹ thuật PHCN thường xuyên.
Ngoài những vị trí công việc truyền thống tại bệnh viện, các cơ sở y tế, kỹ thuật viên PHCN có thể thử sức ở các cơ sở lao động sản xuất, cơ sở giáo dục - đào tạo, viện/trung tâm nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực PHCN và trợ giúp người khuyết tật. Bên cạnh đó, kỹ thuật viên PHCN còn có thể trở thành giáo viên dạy trẻ khuyết tật, trẻ có nhu cầu đặc biệt, tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt hoặc cung cấp các dịch vụ can thiệp tại nhà cho khách hàng.
Tính cơ động là điểm cộng của nghề PHCN, khi tại Việt Nam hiện nay, mô hình PHCN tại nhà, các trung tâm trị liệu tư nhân đang rất phát triển ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên…
Ngành hot điểm không chót vót
Nhiều bạn trẻ ước mơ trở thành bác sĩ, nhưng cảm thấy thiếu tự tin bởi độ "chọi" gắt gao. Ví dụ như, năm 2019, điểm xét tuyển 3 môn học đối với ngành Y khoa Đại học Y Hà Nội đã là 26,75; bác sĩ Răng – Hàm – Mặt cũng tới 26,4 điểm.
Với ngành Kỹ thuật PHCN, bạn sẽ bớt phải lo lắng, căng thẳng hơn rất nhiều, vì điểm chuẩn "dễ chịu" (dao động trong khoảng từ 17 – 21 điểm).
Trở thành sinh viên Kỹ thuật PHCN cũng là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt, bởi môi trường học tập tạo cơ hội tương tác cao, chú trọng sự chủ động, sáng tạo, đề cao khả năng ứng dụng trong thực tế.
Giờ học của sinh viên ngành Kỹ thuật PHCN không chỉ giới hạn ở giảng đường hay thư viện, mà còn có thể là phòng ăn, phòng tập gym. Ở đó, các bạn được làm quen với những trải nghiệm thực tế thông qua quan sát, thảo luận và nhập vai.
Một giờ thực hành của sinh viên ngành PHCN. Ảnh: Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Tuy PHCN có mặt tại Việt Nam từ hơn 40 năm, song ngoại trừ VLTL, thì những chuyên ngành sâu khác của PHCN vẫn còn hết sức mới mẻ, như Hoạt động trị liệu, Âm ngữ trị liệu. Chính vì vậy, chương trình thường được giảng dạy, hướng dẫn bởi các giảng viên, tình nguyện viên đến từ các quốc gia phát triển như Australia, Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ…
Học viên khóa đào tạo Thạc sĩ Kỹ thuật PHCN, chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu tại trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: MCNV
Các giảng viên "nguồn" người Việt Nam cũng được đào tạo ở nước ngoài và sẵn sàng cho việc giảng dạy sinh viên với tư duy và phương thức tiếp cận hiện đại, hiệu quả, như chương trình đã và đang triển khai tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và ĐH Y Dược TP.HCM.
Ngoài ra, ngành kỹ thuật PHCN còn có ưu điểm thời gian học ngắn hơn hẳn so với các lĩnh vực khác thuộc khối ngành sức khỏe. Trung bình chỉ sau 4 năm học là bạn đã tự tin "ra nghề" hoặc đủ điều kiện học lên trình độ cao hơn.
Bạn còn chần chừ gì nữa nào?