(Tổ Quốc) - “Cha cõng con”- tác phẩm của đạo diễn Lương Đình Dũng, ra rạp từ ngày 5/4, là một phim khác biệt và có nhiều đột phá về ngôn ngữ điện ảnh.
- 04.04.2016 Phim Việt Nam sang Hàn Quốc làm hậu kỳ
- 17.01.2017 “Cha cõng con” chu du tới hàng loạt Liên hoan phim Quốc tế
- 22.02.2017 “Cha cõng con” được trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Boston
- 13.03.2017 Thêm một phim “khoe” cảnh đẹp Việt Nam lộng lẫy như “Kong”
- 17.03.2017 Chiếu miễn phí 19 phim truyện tranh giải Cánh diều 2016
- 27.03.2017 Nhạc sĩ nổi tiếng Hàn Quốc sang Việt Nam nhân dịp công chiếu “Cha cõng con“
Câu chuyện về người cha tên Mộc và cậu con trai Cá trên vùng sông núi quanh năm phải chống chọi với bão lũ không kể theo lối ủy mị. Hành trình của hai cha con trải dài với những vất vả, nhọc nhằn nhưng nụ cười và sự lạc quan vẫn xuất hiện xuyên suốt, kể cả trong những giây phút khó khăn nhất. Sự nhân văn của "Cha cõng con" không nằm ở nước mắt của hai nhân vật mà qua những khoảnh khắc rất hài hước và hạnh phúc của họ. Ví dụ như cảnh hai cha con cùng mút kem khi lên thành phố. Cả phim nhân vật không hề khóc nhưng vẫn có thể khiến người xem phải rớm lệ khi bộ phim kết thúc.
Vẻ đẹp của Hà Giang trong phim "Cha cõng con" |
Cảnh sắc Hà Giang lên phim mang một vẻ đẹp điện ảnh. DOP của bộ phim là Lý Thái Dũng – nhà quay phim hàng đầu hiện nay. Không đẹp theo lối quảng bá du lịch hay TVC, vẻ đẹp của cảnh sắc trong "Cha cõng con" là một vẻ đẹp điện ảnh với tông màu trầm, mang lại cho người xem cảm giác chân thực mà vẫn đẹp như một bài thơ. Flying cam được sử dụng hợp lý chứ không bị lạm dụng.
Diễn xuất của dàn diễn viên dẫn dắt câu chuyện một cách khéo léo. Từng gây ấn tượng trong “Thời xa vắng”, sau một thời gian dài, diễn viên Ngô Thế Quân mới trở lại với điện ảnh. Chất giọng cũng như lối diễn chân chất của anh khiến nhân vật ông bố tên Mộc gây được ấn tượng mạnh mẽ, dễ đi vào lòng khán giả. Ngoài ra, cậu bé Cá với gương mặt ngây thơ cũng là một trong những diễn viên nhí tiềm năng cho điện ảnh Việt Nam. Lần đầu đóng phim, vận động viên SEA Games Văn Hiếu cũng thể hiện được khả năng diễn xuất trong vai người đàn ông lực lưỡng nhưng bị mù, được những đứa trẻ vùng cao yêu mến vì những câu chuyện kể về cuộc sống ở nơi thành thị phồn hoa.
Câu chuyện về tình phụ tử được kể giản dị nhưng thấm đẫm nhân văn |
“Cha cõng con” có phần âm nhạc đầy cảm xúc do nhạc sĩ Hàn Quốc – Lee Dong Jun – đảm nhận. Từng làm nhạc cho nhiều bom tấn xứ kim chi như Cờ bay phấp phới hay Điều kỳ diệu trong phòng giam số 7, nhà soạn nhạc Lee Dong Jun tiếp tục đưa “chất” của mình vào "Cha cõng con". Những giai điệu lúc tươi vui, lúc gợi cảm giác buồn man mác đều cất lên rất đúng lúc, tạo nên hiệu quả khi tương tác với phần hình ảnh của D.O.P Lý Thái Dũng.
Xem "Cha cõng con" để hiểu thêm về cuộc sống vùng cao – nơi mà người dân mỗi năm vẫn phải sơ tán, chạy lũ nhưng chẳng thể rời bỏ được ngôi nhà của mình. Mỗi mùa nước lên, họ phải di chuyển lên khu vực cao hơn, ăn uống kham khổ, nhiều người chỉ trong chốc lát đã mất đi tất cả. Tuy nhiên, ở họ vẫn luôn có một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Họ vẫn tận hưởng theo cách của họ, vẫn vui vẻ, lạc quan và giữ được sức mạnh khi phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Những cảnh quay bữa ăn vùng cao khi đàn ông ngồi một mâm, phụ nữ và trẻ em một mâm quây quần bên nhau là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất./.