(Tổ Quốc) - Dù đã có Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT giữa Bộ Công an và Bộ Y tê về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế từ năm 2013, thế nhưng, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác phối hợp giữa hai ngành vẫn chưa thường xuyên, chặt chẽ. Đây chính là một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh tại một số bệnh viện đang có chiều hướng gia tăng suốt thời gian qua.
Bệnh viện đang trở nên mất an toàn
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, môi trường bệnh viện đang trở nên mất an toàn khi tình trạng hành hung nhân viên y tế đã trở thành vấn đề nóng được đề cập trong thời gian qua.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
Có thể nói, nhiều bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên và nhân viên y tế đã bàng hoàng khi những vụ bạo hành y tế liên tiếp diễn với mật độ dày đặc với tính chất ngày càng manh động. Chỉ tính riêng dịp trước và sau nghỉ Tết vừa qua đã có đến 4 vụ bạo hành y tế với tính chất nghiêm trọng xảy ra.
Ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể xem là tổng hòa của các nguyên nhân khác nhau như: Đạo đức xã hội xuống cấp, sự manh động của các đối tượng, cấu trúc hạ tầng an ninh bệnh viện chưa đảm bảo, khung pháp lý chưa đủ răn đe. Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, tính chuyên nghiệp của người thầy thuốc, kỹ năng, giao tiếp ứng xử chưa cao.
Vấn đề bạo hành y tế đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến tinh thần, gây nguy hiểm đến tính mạng và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc. Đồng thời, tình trạng này còn ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh vì khi nhân viên y tế bị hành hung sẽ làm gián đoạn quy trình khám chữa bệnh , gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Trong thời gian thực hiện quy chế phối hợp, Bộ trưởng Y tế vẫn phải "cầu cứu" Bộ Công an
Chắc hẳn ngành Y tế không thể quên, năm 2017, 2018 là thời kỳ đỉnh điểm của những vụ bạo hành y tế. Nhiều vụ việc, nhân viên y tế bị hành hung khi đang cấp cứu cho bệnh nhân. Có người còn bị thương tích rất nặng nề, tinh thần hoảng loạn sau những vụ bạo hành. Thậm chí, vấn đề này lúc đó còn được các đại biểu Quốc hội lên tiếng tại nghị trường
Một trong những vụ hành hung nhân viên y tế xảy ra tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, dù đã có Quy chế phối hợp giữa hai ngành Công an và Y tế nhưng trên thực tế thì hiệu quả phối hợp là chưa cao. Minh chứng của việc này đó là vào năm 2017, Bộ trưởng Y tế tiếp tục phải có một văn bản gửi sang ngành Công an để đề nghị về việc tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện.
Cụ thể, Bộ trưởng Y tế lúc đó đã phải "nhắc" Bộ Công an chỉ đạo công an địa phương thực hiện nội dung của Quy chế đã phối hợp. Ngoài việc thiết lập mạng lưới đường dây nóng của lực lượng công an gần nhất cho bệnh viện, Bộ Y tế phải cũng đề nghị Bộ Công an cắt cử cán bộ tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự tại các bệnh viện lớn.
Mới đây nhất, ngày 23/1/2019, Bộ Y tế lại tiếp tục tổ chức ký kết Quy chế phối hợp số 36/KCB-CSQLHC về đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở khám và chữa bệnh. Đây là hoạt động nhằm tiếp tục thực hiện Quy chế cũ từ năm 2013 giữa hai ngành Công an – Y tế.
Tuy nhiên, nếu không có đánh giá cụ thể để tìm ra những nguyên nhân, bài học từ các vấn đề nảy sinh của những năm trước thì cũng rất khó để dám chắc, Quy chế mới này có mang lại hiệu quả thực sự trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện đúng như tên gọi của nó.
Báo cáo chưa đánh giá được hết nội dung đã hợp tác giữa hai ngành
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trong nội dung Quy chế phối hợp giữa hai ngành Công an – Y tế thì tất cả các đơn vị trong ngành công an, thậm chí cả công an địa phương đều được giao nhiệm vụ rõ ràng. Tuy nhiên, qua xem báo cáo suốt 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp thì ông thấy rằng chưa thể hiện được hết tất cả các nội dung mà hai ngành đã hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai ngành Công an và Y tế.
Trên thực tế, trong thời gian qua, hợp tác giữa hai ngành Công an và Y tế đã mang lại được một số hiệu quả nhất định. Cụ thể, trên lĩnh vực phòng chống tội phạm, Bộ Công an xác định những cơ sở y tế, các bệnh viện khám chữa bệnh là nơi trọng điểm của tội phạm hoạt động.
"Không phải chỉ là những sự việc tấn công vào nhân viên y tế mà bọn tội phạm này xem những cơ sở khám chữa bệnh là nơi để hoạt động cò mồi, dẫn dắt, đe dọa, lôi kéo khiến rất nhiều người dân khổ sở. Những phối hợp này vừa qua theo tôi là khá tốt" – Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Đối với công tác phối hợp giữa hai ngành Công an và Y tế trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng cần phải chuyên nghiệp và sâu sát hơn. "Sắp tới Bộ Công an sẽ tiến tới "luật hóa" quy định lực lượng bảo vệ của các cơ sở, các cơ quan, xí nghiệp trong đó có bệnh viện, trường học. Lực lượng đó sẽ hoạt động theo quy định của luật pháp. Cụ thể, các lực lượng này sẽ được trang bị địa vị, pháp lý, phương thức, kế hoạch bảo vệ một cách bài bản" – Bộ trưởng Công an cho hay.