(Tổ Quốc) - Phương pháp nuôi dạy con khoa học của cha mẹ Do Thái đã giúp những đứa trẻ trở thành "tinh hoa nhân loại".
Mặc dù người Do Thái chiếm chưa đến 1% dân số thế giới nhưng họ chiếm hơn 20% số người đoạt giải Nobel, 21% sinh viên Ivy League, 37% các đạo diễn đoạt giải Oscar. Trong lịch sử, có nhiều danh nhân nổi tiếng mà chúng ta ngưỡng mộ đều là người gốc Do Thái, như: Einstein, Darwin, Marx,…
Có thể nói, người Do Thái chiếm một số lượng không hề nhỏ trong tầng lớp tinh anh của xã hội. Dần dần mọi người trên thế giới bắt đầu tò mò liệu cách dạy con của người Do Thái khác biệt như thế nào mới tạo nên những đứa trẻ có thành tích nổi trội như vậy?
Sau đây là 5 bí quyết giáo dục độc đáo của người Do Thái giúp con thông minh vượt trội và tự lập trong cuộc sống. Các bố mẹ Việt có thể tham khảo và áp dụng để quá trình nuôi dạy con đạt hiệu quả cao hơn.
1. Ra ngoài nhìn như thế nào không quan trọng
Ở Việt Nam, thông thường khi dẫn con ra ngoài đi dạo hay đi chơi, cha mẹ sẽ để con mặc quần áo thật đẹp. Họ yêu cầu con không được làm bẩn quần áo, không được nghịch ngợm xung quanh. Với cha mẹ Do Thái thì không như vậy. Khi đưa con ra bên ngoài, họ sẵn sàng để con lấm lem bùn đất, tay chân cáu bẩn, đầu gối dính đầy cát. Thậm chí là quần áo trở nên xộc xệch, mất cúc.
Cha mẹ Do Thái cho rằng, việc trẻ giữ gìn quần áo gọn gàng, sạch sẽ mất rất nhiều thời gian và việc này là vô ích đối với sự phát triển cá nhân của trẻ. Những đứa trẻ không quan tâm bản thân nhìn như thế nào khi ra ngoài. Điều trẻ quan tâm là được tìm tòi, khám thế những điều lý thú trong cuộc sống.
2. Chấp nhận rủi ro
Cha mẹ Do Thái luôn dành câu nói quen thuộc cho các con là: "Hãy tiến về phía trước". Họ muốn đứa trẻ tự làm mọi việc một mình, luôn phát triển bản thân thay vì đứng yên một chỗ. Họ cho phép con mạo hiểm bước ra vùng an toàn, khám phá thế giới rộng lớn và tự xoay sở trước những khó khăn, thách thức.
Điều này giúp đứa trẻ học được cách tự tin, tinh thần quyết chiến quyến thắng, tinh thần không sợ gian khổ. Tuy nhiên, chấp nhận rủi ro không có nghĩa là họ mặc kệ con, để con loay hoay giải quyết vấn đề. Cha mẹ Do Thái vẫn luôn theo sát bước đi và lưu tâm đến từng hoạt động nhỏ nhất của con. Họ sẽ đưa ra lời khen ngợi, khuyến khích kịp thời giúp trẻ kiên trì theo đuổi mục tiêu và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Xét cho cùng, rủi ro không phải là điều quá đáng sợ. Có rủi ro, có thất bại, vấp ngã mới giúp mỗi đứa trẻ nhận ra bài học đắt giá và dễ dàng vươn tới thành công.
3. Chấp nhận việc bày bừa
Các bậc phụ huynh Do Thái cho rằng trẻ con luôn tò mò, thắc mắc về mọi thứ xung quanh và còn rất ham chơi nhưng việc này sẽ được thay đổi khi lớn lên. Vì thế, khi vui chơi, cha mẹ luôn cho con tự do, thoải mái bày bừa những đồ chơi con yêu thích mà không quát mắng hay đe dọa. Họ muốn con được đắm chìm vào thế giới của riêng mình, không bị điều gì cản trở.
Cha mẹ Do Thái không quát mắng khi trẻ không gọn gàng mà họ sẵn sàng tạo điều kiện để con được bày bừa khắp mọi nơi. Đây chính là cách giúp con phát triển tư duy về sau và cũng là một trong những phương pháp nuôi dạy được đánh giá là kỳ lạ.
4. Không điều gì là không được chú ý
Các nhà tâm lý học khuyên các bậc phụ huynh không nên khen ngợi trẻ trước những trò nghịch ngợm tinh quái hay khờ dại bởi sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Tuy nhiên, cha mẹ Do Thái không tin như vậy. Họ cho rằng bất kỳ thành tựu nào cũng cần được khen ngợi.
Ngay cả khi đứa trẻ vẽ một bức tranh nguệch ngoạc hay làm vấy bẩn màu lên quần áo, những người mẹ Do Thái vẫn không hề bực tức, cáu gắt. Họ sẽ cố tìm ra họa tiết đẹp hay những điều thú vị và dành lời khen cho trẻ. Họ còn tự hào mang "tác phẩm" đi giới thiệu với bạn bè, người thân trong gia đình.
5. Không ra lệnh, chỉ gợi ý
Cha mẹ Do Thái không bao giờ ra lệnh cho con cái bởi điều này rất độc đoán, thiếu sự tôn trọng trẻ. Thay vào đó, họ sẽ đưa ra những gợi ý cho con tự quyết định theo mong muốn của mình. Cha mẹ Do Thái cũng không bao giờ giám sát con liên tục, xuất hiện mọi lúc mọi nơi mà để con tự do trong khuôn khổ an toàn.
Tuy nhiên, cách giáo dục này có 2 mặt. Vì những quyết định của trẻ đôi lúc không phù hợp, dẫn tới thất bại khiến trẻ cảm thấy chán nản và không còn động lực. Lúc này, các bậc phụ huynh cởi mở với những sai lầm và giúp trẻ bước tiếp. Chẳng hạn như trẻ quyết định giải bài tập theo phương pháp riêng và bị điểm thấp ở trường, họ không bao giờ dành lời chê bai mà luôn động viên và cùng trẻ tìm lời giải khác.