(Tổ Quốc) - Để có nền độc lập, tự do và hoà bình ngày hôm nay, biết bao thế hệ người Việt Nam đã không quản ngại hi sinh xương máu để giành lại hoà bình ở những cuộc chiến tranh khốc liệt bằng ý chí quật cường, bản lĩnh và trí tuệ…
Ngày 13/1, tại thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (Bố Trạch – Quảng Bình) – nơi hi sinh của 156 người dân và cán bộ chiến sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) sau trận bom rải thảm của Đế quốc Mỹ vào ngày 13/1/1973 – Tỉnh Đoàn Quảng Bình phối hợp cùng Sở Văn hóa – Thể thao đã tổ chức chương trình "Dấu mốc hòa bình" - kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2023).
Cách đây 50 năm, ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được kí kết, đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến Đại thắng Mùa xuân 1975, giành về cho nhân dân ta nền hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước.
Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận chính trị,quân sự và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi trên mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành ở đỉnh cao của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.
Thắng lợi của Hiệp định Paris và Hội nghị Paris đã phản ánh tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý, giành độc lập, tự do của cả dân tộc Việt Nam; là minh chứng tất yếu của sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới. Có thể khẳng định rằng, Hiệp định Paris mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và lịch sử ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ. Nhiều bài học sâu sắc từ thắng lợi của Hiệp định Paris vẫn còn nguyên giá trị, tiếp sức cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hôm nay thêm vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới với những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức.
50 năm trước, vào ngày 13/1/1973 tại thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (Bố Trạch – Quảng Bình) đã có 156 người là thanh niên xung phong Hà Tĩnh, Hải Hưng 283, TNXP Cù Chính Lan Nghệ An, công nhân Cảng Gianh 309, binh trạm 16 bộ đội xăng dầu, bộ đội thông tin và nhân dân thôn Quyết Thắng cũng đã ngã xuống dưới làn mưa bom bắn phá cảng Gianh của đế quốc Mỹ khi đang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa phục vụ cho chiến trường miền Nam.
Dẫu phải hứng chịu nhất mất mát, đau thương nhưng quân và dân Thanh Trạch vẫn bền gan vững chí, đoàn kết một lòng thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần cùng quân dân cả nước đi đến ngày thắng lợi cuối cùng.
Trên mảnh đất lịch sử Quảng Bình, máu của các anh, các chị và không biết bao thế hệ đã nhuộm đỏ từng tấc đất, hòa trong khúc tráng ca bất tử của lịch sử dân tộc, để hôm nay, cùng với những địa danh như Hang Tám TNXP, Phà Long Đại, Phà Xuân Sơn… trở thành những địa chỉ đỏ, những địa danh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, nhất là giới trẻ và những người yêu mến hòa bình trên toàn thế giới.
Để có hòa bình, đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, gắn liền với sự hi sinh xương máu của không biết bao nhiêu thế hệ. Nên Hòa bình ấy gắn liền với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí quật cường, bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh bền bỉ, bảo vệ chân lý của những con người làm đối ngoại, đặc biệt là những thành viên của đoàn đàm phán Paris dưới sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn và sáng suốt của Đảng trong đường lối ngoại giao bằng, ở việc đưa ra các quyết sách đúng thời điểm…