• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

50 năm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Văn hoá 23/07/2024 21:40

(Tổ Quốc) - Ngày 23/7, tại Hoàng thành Thăng Long, Hội đồng Lý luận TW phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2025).

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương PGS.TS Phạm Văn Linh cho biết, sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. 50 năm qua, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã có những thành công cả về lý luận và thực tiễn. Riêng trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và con người đã có những bước đổi mới, phát triển quan trọng phù hợp với từng chặng đường của cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân; được bảo tồn, phát huy; từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

50 năm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Ảnh 1.

Ban chủ tọa

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Văn Linh cho biết, đến nay, văn hóa vẫn chưa thực sự được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, chưa đạt hiệu quả cao.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội với quan điểm bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Điểm nhấn trong triển khai xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô là liên tiếp nhiều nhiệm kỳ Thành ủy Hà Nội đều ban hành Chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phát biểu Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả rõ nét Chương trình số 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025".

Bên cạnh đó, để phát huy và khai thác tối đa nguồn lực trên lĩnh vực văn hóa, ở nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

50 năm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Ảnh 2.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo

Gần đây nhất, để khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Nội, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tạo bước đột phá trong xây dựng văn hóa, con người Thủ đô bằng việc ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".

"Đây được coi giải pháp nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới" - ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phong, trong nhiều năm qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn. Mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách thành phố....

50 năm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Ảnh 3.

Không gian hội thảo

Đồng quan điểm trên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, 50 năm qua, điều ông nhận thấy rõ nhất chính là sự chuyển biến vượt bậc về nhận thức của lãnh đạo và nhân dân Thủ đô về văn hóa.

"Sự thay đổi nhận thức diễn ra ở các cấp, trong đội ngũ lãnh đạo và trong lòng dân. Thủ đô Hà Nội thực sự đang đi đầu trong phát triển văn hóa. Nhiều chỉ thị, kế hoạch, hội thảo về xây dựng văn hóa, con người Hà Nội liên tục được triển khai. Đây là một bước tiến vượt bậc trong xây dựng và phát triển Thủ đô trong 50 năm qua" - TS Nguyễn Viết Chức nói.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề cơ bản về những thành tựu, hạn chế và những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc qua 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, đánh giá thực trạng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc 50 năm qua. Những vấn đề đặt ra hiện nay và định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới../.



N.Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ