• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

55 NĂM SỰ NGHIỆP BẢO TỒN BẢO TÀNG

01/04/2002 11:19

Những hoạt động bảo tồn cổ tích Việt Nam đã xuất hiện trước đây 10 thế kỷ. Nếu nhìn nhận, cổ tích Việt Nam là những di sản văn hóa hữu hình quý giá của dân tộc thì những hoạt động bảo tồn cổ tích từ thời xưa là cơ sở ban đầu quan trọng cho sự nghiệp bảo tồn bảo tàng Việt Nam.

Dưới triều Lý (TK XI-XII) việc tìm thấy đồ cổ (trống đồng, chiêng đồng) ở dưới lòng đất đã được ghi chép vào biên niên sử thời đó. Tiếp đến thời Trần, Lê Tắc nhà làm sử đương thời đã để hẳn ra một mục "cổ tích" trong Quý lược ghi chép tường tận về những thành cổ, miếu cổ ở Việt Nam. Đến thời Lê, Lê Thánh Tông chỉ thị làm bộ luật đầu tiên của Việt Nam gọi là Luật Hồng Đức, ghi rõ trong điều 422, trừng phạt kẻ ăn cắp hủy hoại các tượng phật, chiêng đồng cổ. Đại Việt sử ký toàn thư thời Lê Sơ, các Truyện ký đời Lê rồi thời Nguyễn bộ Việt sử thành giám Cương mục lại mô tả chi tiết, xác định vị trí của những thành cổ ở Việt Nam như Cổ Loa, Mê Linh, Liêu Lâu

Nhưng rồi những cuộc chiến tranh thời phong kiến đã tàn phá không ít di sản quý giá của dân tộc và cũng từ đây cho thấy sự quan tâm  của triều đại phong kiến Việt Nam đến những di tích và cho phục hồi lại những di tích đã bị tàn phá trước đó.

Các triều đại phong kiến Việt Nam tuy chưa có tầm nhìn rộng rãi và khoa học như thời đại chúng ta về di sản văn hóa, cũng chưa phân loại di sản văn hóa thành hữu hình và vô hình theo như những quan niệm hiện đại ngày nay. Suốt 10 thế kỷ nhà nước phong kiến Việt Nam chưa thể hiện rõ ràng quan niệm về giá trị của di sản văn hóa đối với sự phát triển đất nước, nhưng sự nghiệp bảo tồn bảo tàng Việt Nam hôm nay đã có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Tiếp sau các triều đại phong kiến Việt Nam, nước Việt Nam trở thành thuộc địa của người Pháp gần một thế kỷ. Nhà nước thực dân Pháp ở Đông Dương đã có nhiều hành động tội ác mang tính chất hủy diệt văn hóa bản xứ. Những hành động đó của họ gắn liền với quá trình xâm lược Việt Nam, gắn với những cuộc vây ráp, chém giết, triệt hạ thôn quê hòng đè bẹp cuộc kháng chiến của nhân dân ta và những hành động ấy lại được người Mỹ lập lại một cách khốc liệt hơn suốt từ sau năm 1954 đến khi họ buộc phải rời khỏi Việt Nam năm 1975.

Bên cạnh những tội ác không thể chối cãi, người Pháp cũng đã tiến hành một số hoạt động có ý nghĩa tích cực để bảo vệ một số công trình kiến trúc nổi tiếng như  tiến hành khảo sát điều tra và khai quật khảo cổ học ở nhiều địa điểm trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhiều hiện vật khảo cổ học được thu thập nghiên cứu và lưu giữ trong các Bảo tàng, nhiều công trình khoa học được công bố. Bằng những kiến giải có sức thuyết phục trên cơ sở các di chỉ và các sưu tập hiện vật khảo cổ được phát hiện ở Việt Nam, người Pháp còn phát hiện và chứng minh ở Việt Nam đã tồn tại hai văn hóa khảo cổ độc đáo Văn hóa Hòa Bình và văn hóa Đông Sơn.

Người Pháp hứng thú và say sưa hướng việc nghiên cứu bảo tồn vào những công trình kiến trúc đẹp, những công trình mang tính chất tôn giáo tín ngưỡng, thành quách đền đài, đồ cổ quý hiếm, những mẫu vật tự nhiên, những sưu tập hiện vật khảo cổ học cùng 1 số hang động có dấu vết con người cư trú...

Nhà nước thực dân Pháp ở Đông Dương cũng đã ban bố các đạo luật về bảo tồn cổ tích, họ đã điều tra và thống kê trên toàn lãnh thổ Việt Nam có gần 250 đối tượng được bảo tồn. Viện Viễn đông Bác cổ Học viện được thành lập để nghiên cứu về các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam. Cổ tích và nhiều dấu vết của quá khứ Việt Nam cũng là đối tượng nghiên cứu của Viện.

Nhìn về cơ bản, gần 100 năm ở Việt Nam, người Pháp đã tiến hành trên qui mô rộng lớn công việc điều tra nghiên cứu về truyền thống văn hóa và lịch sử Việt Nam bằng một phương pháp khoa học với mục tiêu sâu xa là để thiết lập một nền thống trị ổn định, lâu dài ở nước ta. Quan điểm ấy có thể giải thích và chứng minh thông qua một số sự việc cụ thể: Những năm đầu thế kỷ cho phá thành Hà Nội để xây lên các phố Tây, các lâu đài, biệt thự và công sở của người Pháp. Năm 1954 cho xe tăng kéo đổ đình Đình Bảng, đặt mìn phá sập chùa Một Cột.

Họ đã cố gắng chứng minh một cách võ đoán rằng: Văn hóa Việt Nam có nguồn gốc từ 2 nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, không thừa nhận những vật chứng về các phong trào đấu tranh chống ngoại xâm của người Việt Nam, những vật chứng về khả năng sáng tạo trong lao động sản xuất, có giá trị văn hóa truyền thống, có tính bản địa được nhân dân ta đời đời kế tiếp nhau sáng tạo.

Với cách nhìn nhận ấy họ đã đối lập với nhân dân Việt Nam trong quan niệm về di sản văn hóa và vai trò của di sản văn hóa dân tộc trong cuộc sống, họ lái mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa sang một hướng tách quá khứ khỏi hiện tại, cắt đứt mối liên hệ hữu cơ giữa quá khứ và hiện tại. Đối với người Việt Nam thì truyền thống đấu tranh và truyền thống văn hóa luôn được khắc ghi trong tâm tưởng. Người Việt Nam ý thức rõ rằng di sản văn hóa dân tộc luôn là bệ đỡ và kinh nghiệm quý giá truyền từ đời này sang đời khác, là bộ phận cấu thành của sự phát triển lên trước của cả dân tộc, của từng cộng đồng và của mỗi cá nhân.

Trong quá trình vận động cách mạng, Đảng  của người Việt Nam đã nhiều lần chỉ ra rằng dưới ách thống trị của đế quốc Pháp, chẳng những tài nguyên đất nước bị tước đoạt, con người bị đọa đầy, bóc lột đến xương tủy, nhân dân bị đẩy vào vòng ngu muội tối tăm mà nhân phẩm cũng bị chà đạp, tâm hồn bị bóp nghẹt, truyền thống văn hóa bị xuyên tạc và xóa nhòa.

Năm 1943 Đảng Cộng sản Đông Dương đã đưa ra những quan niệm mới và một cách nhìn toàn diện về nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam do Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện. Nền văn hóa ấy phải có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung. Đảng cũng xác định 3 nguyên tắc vận động văn hóa:

a) Chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập, (dân tộc).

b) Làm cho văn hóa phù hợp với lợi ích và gần gũi với đông đảo quần chúng (đại chúng).

c) Chống lại những gì làm cho văn hóa trái với khoa học phản tiến bộ (khoa học).

Đảng cũng khẳng định vị trí của văn hóa đối với xã hội "phải hoàn thành cách mạng văn hóa sau đó mới hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội" nền văn hóa của cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Sau cách mạng tháng 8-1945 đất nước còn vô vàn khó khăn, phải ứng phó với thù trong giặc ngoài, vấn đề bảo tồn di sản văn hóa đã được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xét đến như là một nhiệm vụ khẩn cấp. Chỉ sau tổng khởi nghĩa ít ngày, Chính phủ lâm thời đã có hai Sắc lệnh về vấn đề bảo vệ di sản văn hóa của đất nước: Sắc lệnh số 13 ngày 8-9-1945 và Sắc lệnh số 65 ngày 23-11-1945 do Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành. Trong đó giữ nguyên tổ chức, các điều kiện tài chính để Đông dương Bác cổ Học viện tiếp tục làm nhiệm vụ nghiên cứu và bảo tồn các di tích, không chỉ bảo tồn các đối tượng đã được công nhận mà còn mở rộng ra các di tích có ý nghĩa khác chưa được Nhà nước thực dân Pháp công nhận; đặt cơ quan này trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Xét trên phạm vi chức năng nhiệm vụ thì cơ quan này như là tổ chức tiền thân của ngành Bảo tồn Bảo tàng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuộc kháng chiến đã lớn mạnh cùng năm tháng, nhiều hoạt động kinh tế văn hóa và khoa học được chăm lo, phát triển. Báo cáo của Đảng về vấn đề văn hóa năm 1948 có nhan đề: Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam đã khẳng định lại sự đúng đắn của 3 nguyên tắc xây dựng văn hóa cách mạng được nêu ra năm 1943 nhằm xây dựng một nền văn hóa có hình thức dân tộc, nội dung dân chủ mới và phải góp phần vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt. Trong đó công tác giữ gìn, phát huy tác dụng các tài sản văn hóa (di tích lịch sử và văn hóa) được đặt ra thiết thực và phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến.

Tại vùng an toàn khu Việt Bắc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức ra bộ phận lưu trữ tài liệu di tích có giá trị lịch sử nghệ thuật và khoa học. Ở Nam Bộ cơ quan lãnh đạo quân sự thuộc ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Việt Nam có chỉ thị 613-TS ngày 24-7-1947 về công tác bảo vệ các di tích lịch sử. Ngày 17-11-1949 Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có Thông tư số 2738-TTNC hướng dẫn việc lưu giữ lại những tài liệu cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ để sau này làm bảo tàng. Ở Trung Bộ, ủy ban kháng chiến hành chính miền Trung Trung Bộ có chỉ thị số 207-CT/UB ngày 17-4-1950 về việc chuẩn bị xây dựng nhà trưng bày thường trực ở Liên khu V (một hình thức đơn giản của nhà bảo tàng).

Những việc làm trên mới chỉ là sự khởi đầu quan trọng, cho đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ (tháng 5-1954) chúng ta mới có điều kiện tốt hơn để xây dựng sự nghiệp bảo tồn bảo tàng.

Ngày 28-6-1956 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Thông tư số 38-TT/TW gửi tới các cấp bộ Đảng về việc bảo vệ những di tích lịch sử văn hóa, vừa uốn nắn những sai sót gây tổn hại cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc, vừa đề ra một số việc phải làm là:

- Nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong các cấp các ngành, các tổ chức xã hội và toàn dân. Đình chỉ ngay những hoạt động kinh tế đang phương hại trực tiếp đến một số di tích cụ thể.

- Tiến hành phân loại các di tích, cần có kế hoạch để tu bổ các di tích.

Tiếp đó ngày 3-7-1956 Thủ tướng Chính phủ ra Thông tư 954-TTg về bảo vệ di tích lịch sử gửi tới ủy ban Hành chính Khu, Tỉnh, Thành.

Vấn để bảo tồn và khai thác di tích lịch sử văn hóa dân tộc phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, mở mang dân trí là bộ phận quan trọng của đường lối xây dựng nền văn hóa cách mạng phục vụ kháng chiến, là chính sách nhất quán của Nhà nước ta.

Trong báo cáo chính trị tại đại hội đại biểu của Đảng lân thứ III, IV, V, VI, VlI đã đề cập đến di sản văn hoa, di tích lịch sử như là những giá trị thiêng liêng cần phải được toàn xã hội bảo vệ.

Trên phương diện luật pháp, Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã xác định di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh là tài sản quý của toàn dân cần phải được bảo vệ.  Điều 34 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ghi: Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển các di tích văn hóa dân tộc, chăm lo công tác bảo tồn bảo tàng tu bổ tôn tạo bảo vệ và phát huy tác dụng của các di tích lịch sử cách mạng, các di tích văn hóa, các công trình nghệ thuật, các danh lam thắng cảnh. Nghiêm cấm các hành động xâm phạm đến các di tích lịch sử cách mạng, các công trình nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Nghị định 519-TTg ngày 29-10-1957 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ di tích là một văn bản pháp lý cơ bản của Chính phủ có tác dụng nhiều mặt đối với sự nghiệp bảo tồn bảo tàng trong suốt hai thập kỷ chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Đến năm 1984 nhu cầu phát triển của sự nghiệp bảo tồn bảo tàng đòi hỏi phải có một văn bản pháp lý ở tầm cao hơn, toàn diện hơn ngày 31-3-1984 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 14-LCT ban hành Pháp lệnh về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước, Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn thực hiện pháp lệnh là những văn bản pháp lý toàn diện nhất đề cập đến mọi thứ khía cạnh rộng lớn này, vừa có tính định hướng cho hoạt động chuyên môn, vừa làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách lâu dài để phát triển sự nghiệp bảo tồn bảo tàng của Việt Nam.

Năm 1955 Bộ Tuyên truyền chuyển thành Bộ Văn hóa, công tác bảo tồn bảo tàng được chuyển từ Bộ Quốc gia Giáo dục sang Bộ Văn hóa đảm nhiệm.

Năm 1956 Bộ Văn hóa thành lập Vụ Văn hóa đại chúng, công tác bảo tồn bảo tàng do Vụ này phụ trách nhưng ít lâu sau mảng công tác này tách khỏi Vụ Văn hóa đại chúng để thành lập Vụ Bảo tồn Bảo tàng trực thuộc Bộ. Ở các Sở cũng thành lập Phòng Bảo tồn Bảo tàng. Công việc điều tra nghiên cứu, sưu tầm những hiện vật tài liệu lịch sử về các phong trào yêu nước, về quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân được coi trọng, nhiều đợt điều tra nghiên cứu về di tích đã được tiến hành thường xuyên trên diện rộng, nhiều cán bộ đi về các địa phương, đến các cơ sở để sưu tầm. Kết quả là hàng triệu hiện vật, tài liệu, lịch sử quí được thu thập, ba cuộc triển lãm lớn được tổ chức ở Hà Nội, tiếp sau hàng loạt cuộc triển lãm trước đó ở các địa phương do các Tỉnh, Thành thực hiện. Một số di tích lịch sử giai đoạn cách mạng và kháng chiến được điều tra nghiên cứu làm hồ sơ tu bổ bảo vệ đưa vào phục vụ quần chúng. Một số lớn các di tích lịch sử có thêm phòng trưng bày các tư liệu liên quan gọi chung là phòng lưu niệm. Loại phòng trưng bày kiểu này phát triển khá nhanh lên tới hàng trăm. Một số Bảo tàng mới được Nhà nước tập trung xây dựng và khánh thành vào năm thứ năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày 6-l-1959 Bảo tàng Cách mạng Việt Nam mở cửa, ngày 20-9-1959 Bảo tàng Hải Phòng ra đời, Bảo tàng Quân đội khai trương đúng ngày 22-12-1959.

Năm 1966 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức hoạt động. Đến năm 1980 Bảo tàng Việt Bắc chuyển thành Bảo tàng Văn hóa các dân tộc đang được đâu tư nâng cấp.

Đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trên sổ vàng của Bảo tàng dòng chữ: "Trưng bày khéo, giải thích rõ, Viện Bảo tàng là môt trường học tốt về lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam ta".

Năm 1958 Nhà nước ta tiếp nhận từ tay người Pháp Bảo tàng Lu-i-fi-nô, tổ chức chỉnh lý chuyển thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Các phòng lưu mẫu động vật và địa chất do người Pháp để lại được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của các cơ quan chức năng: Bộ Giáo dục và Tổng cục địa chất.

Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chính thức mở cửa đón khách tham quan. Khu di tích Phủ Chủ tịch hoạt động như một Bảo tàng riêng về đời sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên 650 điểm gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được điều tra thống kê hệ thống di tích lưu niệm và Chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh từ Đồng Tháp đến Pắc Bó Cao Bằng được Bộ Văn hóa công nhận, tạo mọi điều kiện để hoạt động bình thường.

Thực sự các bảo tàng đã phát huy tác dụng giáo dục sâu sắc đối với toàn dân đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh và quân đội. Đã có lúc khẩu hiệu “xã xã Bảo tàng" được các địa phương đón nhận và thực hiện sôi nổi với đủ mọi hình thức. Nhiều huyện cũng tập trung công sức để xây dựng Bảo tàng Huyện. Tổng Cục chính trị quân đội nhân dân đã tiến hành một kế hoạch sâu rộng để chỉ đạo các đơn vị làm Bảo tàng ở cấp Quân khu, Quân binh chủng, Quân đoàn, nhà Trường, Học Viện, Các Tổng Cục và Cục chuyên ngành, các đơn vị Sư đoàn, Trung đoàn, Lữ đoàn có Nhà truyền thống. Đại đội có Phòng Hồ Chí Minh, lực lượng Biên phòng, Công An Nhân dân cũng có chủ trương chỉ đạo tương tự.

Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn bảo tàng cũng từng buớc được tăng cường. Ngoài một số người có trình độ đại học, một số học sinh đã tốt nghiệp bậc phổ thông trung học còn có nhiều cán bộ chính trị được điều động từ các ngành khác sang, từ quân đội đến. Họ đã cùng nhau vừa làm, vừa học vừa rút kinh nghiệm để tiếp tục đưa sự nghiệp bảo tồn bảo tàng phát triển kịp với nhu cầu xã hội. Lúc này vấn đề đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ đã đặt ra và đòi hỏi phải có một phương thức thích hợp. Phần lớn cán bộ phụ trách Phòng Bảo tồn Bảo tàng ở các Ty, Sở Văn hóa tuy có lăn lộn với thực tiễn, năng nổ, hăng say, có tinh thần trách nhiệm nhưng lại chưa hề có kiến thức chuyên môn đã được tập trung về Vụ, cùng với một số học sinh đã tốt nghiệp phổ thông được tuyển chọn dự khóa đào tạo dài hạn từ tháng 11-1959 đến tháng 6-1964. Chương trình được cấu tạo trên cơ sở hệ thống lý thuyết của Bảo tàng học Xô viết kết hợp chặt chẽ với một kế hoạch nghiên cứu thực tập. Các giáo sư, các nhà nghiên cứu Việt Nam cùng với chuyên gia Liên Xô được mời làm giảng viên chính thức của khóa học. Kết thúc khóa học, trên 20 học viên đã trở về các địa phương, một số học sinh đi đào tạo ở nước ngoài cũng trở về công tác. Như vậy công tác bảo tồn bảo tàng từ Trung ương đến địa phương đã được đặt lên vai những người có trình độ chuyên môn. Cùng lúc đó, một đơn vị đảm nhiệm công việc tu sửa di tích đã hình thành từ trong lòng Vụ Bảo tồn Bảo tàng với 2 nhiệm vụ - phụ trách công tác đạc họa tu bổ di tích, đào tạo các kỹ thuật viên về đạc họa. Khóa học tập trung đầu tiên đã để lại những kinh nghiệm quý từ việc cấu tạo giáo trình, bố trí giảng viên, đến việc mở lớp.

Sau khóa học ấy đã có thêm nhiều khóa đào tạo dài hạn ở trình độ trung cấp được tổ chức. Vào những năm 70 Việt Nam đã thực hiện đào tạo cán bộ bảo tàng học ở trình độ đại học nằm trong khoa sử Trường Đại học Tổng hợp.

Công tác khảo cổ học được chú trọng, các đội khảo cổ lên đường trong những điều kiện gian khổ để tới nhiều vùng thu lượm thêm những thông tin mới và xác minh lại những gì đã có từ trước cách mạng Tháng 8-1945. Nhiều cuộc khai quật khảo cổ học có quy mô rộng lớn do các cán bộ khoa học Việt Nam thực hiện ở các tỉnh miền núi, trung du, đồng bằng và hải đảo. Kết quả là nhiều điều mới mẻ từ lâu còn ẩn kín trong lòng đất đã được đem ra phân tích đánh giá và công bố dưới dạng thông báo khoa học, trưng bày trong các Bảo tàng. Lịch sử Việt Nam thời kỳ lịch sử chưa thành văn hết sức phong phú và độc đáo.

Công việc kiểm kê di tích trở thành chủ trương lớn được tiến hàng khẩn trương, chỉ đạo chặt chẽ từ trên xuống. Tất cả các tỉnh thành từ Quảng Bình trở ra đều thực hiện kiểm kê phổ thông theo sự hướng dẫn thống nhất nhằm thống kê, lập danh mục di tích. ý thức bảo vệ di tích của nhân dân được nâng lên một bước mới, các địa phương có di tích đều thành lập Ban hoặc Tổ bảo vệ di tích đặt dưới sự chỉ đạo của UBND xã, phường. Nhiều địa phương nhân dân đóng góp công sức tiền của để cùng với Nhà nước tu bổ tôn tạo di tích, một số tỉnh đã có tổ chức cộng tác viên bảo tồn bảo tàng hoạt động thường xuyên.

Một số công trình kiến trúc có giá trị như Cầu ngói - Ninh Bình, di tích Lam Sơn - Thanh Hóa, đình Đình Bảng - Bắc Ninh, đình Thổ Hà - Bắc Giang, Văn Miếu, Cổ Loa, chùa Một Cột - Hà Nội, chùa Thầy, chùa Tây Phương, đình Tây Đằng - Sơn Tây, chùa Keo - Thái Bình, Còn Sơn, Kiềp Bạc - Hải Hưng, Hoa Lư - Ninh Bình... Các di tích cách mạng quan trọng như Kim Liên ở Nghệ An, Pắc Bó ở Cao Bằng, Tân trào ở Tuyên Quang, Điện Biên Phủ ở Lai Châu, Nhà tù Sơn La ở Sơn La cũng lần lượt được tu bổ, bảo quản. Một số sách giới thiệu về các di tích được các địa phương xuất bản, ngành cho in và phát hành một số tài liệu chuyên môn và có tính chất lý luận và có tính chất hướng dẫn nghiệp vụ Tập san "Quản lý văn vật" được Bộ Văn hóa cho xuất bản định kỳ.

Sự nghiệp bảo tồn bảo tàng từ năm 1954 - 1975 luôn luôn gắn liền với hai thập kỷ chống Mỹ cứu nước của toàn dân. Nhiều hoạt động đạt kết quả to lớn góp phần xứng đáng trong việc giáo dục truyền thống, động viên tinh thần yêu nước, ý chí và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, vượt qua mọi khó khăn đi tới toàn thắng vào mùa thu năm 1975, giang sơn thu về một mối, cả nước cùng tiến lên trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu nhằm làm cho nhân dân ta ấm no hạnh phúc, nước ta giàu mạnh, xã hội ta được công bằng văn minh trong hoàn cảnh thế giới phe Xã hội chủ nghĩa lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc, đất nước ta còn phải chịu hậu quả chiến tranh vô cùng nặng nề.

Hoạt động bảo tồn bảo tàng Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới, vừa phải củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, vừa phải mở rộng hoạt động trên cả nước để góp phần tích cực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhu cầu phải tiến hành sớm những hoạt động bảo tồn bảo tàng ở các tỉnh phía Nam vừa mới được giải phóng là rất to lớn. Tiếp thu và quản lý một số Bảo tàng: Bảo tàng Chàm ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Bảo tàng Khải Đinh, Khu Cố đô, các lăng tẩm, ở Thừa Thiên - Huế, Bảo tàng Hải Dương học ở Nha Trang, Bảo tàng Lịch sử ở Sở thú, mang tên Blanchard de là Prosse, là những bảo tàng có khối lượng hiện vật hết sức quý, có nhiều tư liệu nghiên cứu tốt, nhưng về hệ thống nội dung trưng bày phải chỉnh lý lại mới có thể tiếp tục mở cửa phục vụ. Phải thu hồi một số lượng lớn cổ vật của Bảo tàng Khải Định đã bị đánh cắp chuyển về thành phố Hồ Chí Minh chờ đưa ra nước ngoài để trả lại cho Bảo tàng này. Trong chủ trương khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các tổ chức văn hóa, xây dựng và phát triển các hoạt động văn hóa nhà nước ở các tỉnh - thành mới giải phóng thì mặt công tác bảo tồn bảo tàng địa phương được coi trọng có vị trí như là một mũi nhọn trong nhiệm vụ làm cho quần chúng thấy rõ được tội ác của kẻ thù, thấy được sự hy sinh lớn lao của đồng bào miền Nam và cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhận thức sâu sắc công lao to lớn của Bác Hồ, của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhà nước Việt Nam để đưa cuộc sống chiến đấu của nhân dân đến thắng lợi cuối cùng, củng cố hơn nữa niềm tin và khối đoàn kết toàn dân chung quanh Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam tiến lên trong nhiệm vụ mới.

Nhiều cuộc sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật, những kỷ vật về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân miền Nam được tiến hành và trưng bày. Nhiều cuộc triển lãm ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (từ Bình Trị Thiên trở vào) được tổ chức nhằm tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai, giới thiệu những chiến công trong chống Mỹ của quân và dân ta cũng như những nhiệm vụ trước mắt mà nhân dân cả nước ta phải nỗ lực phấn đấu vươn lên. Những hoạt động này hết sức sôi nổi, có sức hút và tác dụng to lớn đến đông đảo quần chúng chẳng riêng đối với nhân dân thành phố mà còn có ảnh hưởng sâu xa đối với các vùng nông thôn, uy tín của cách mạng, của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam càng được nâng cao. Đồng thời những hoạt động như vậy trực tiếp tạo ra tiên đề vật chất để hình thành lên các kho bảo quản cơ sở, nhà cửa, kinh phí, con người và kinh nghiệm. Những nhân tố vô cùng quan trọng để hàng loạt Bảo tàng các tỉnh phía Nam ra đời trong những năm 1980.

Công tác bảo tồn bảo tàng ở các tỉnh miền Bấc vẫn tiếp tục phát triển. Một mặt là mở rộng việc xây dựng hồ sơ di tích để trình Nhà nước công nhận, tích cực đầu tư kinh phí cho công tác tu bổ di tích, lập các đồ án và tổ chức tu bổ những di tích lớn gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa như Đền Hùng, Côn Sơn, Kiếp Bạc, Lam Kinh, Yên Tử... cùng các di tích kháng chiến khác như địa đạo Vĩnh Mốc ở Quảng Trị.

Mặt khác các bảo tàng miền Bắc cũng ra sức khắc phục những nhược điểm trong hoạt động chuyên môn để cố gắng vươn lên hướng tới sự đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, tăng sức hấp dẫn người xem. Công tác tu bổ và tôn tạo di tích luôn được Nhà nước quan tâm và quyết định đặt thành một chương trình của Nhà nước về chống xuống cấp các di tích một cách thường xuyên.

Một vấn đề hết sức quan trọng đối với sự nghiệp bảo tồn bảo tàng các tỉnh phía Nam ngay từ sau khi miền Nam được giải phóng, nhiều cán bộ bảo tàng các tỉnh miền Bắc được cử vào các tỉnh kết nghĩa ở miền Nam để vừa làm vừa tổ chức đào tạo cùng chia sẻ với anh chị em những kinh nghiệm công tác chuyên môn. Ngành Bảo tồn bảo tàng đã liên tục mở các lớp sơ giải rồi trung cấp bảo tồn bảo tàng để giúp cho anh chị em đang đảm nhiệm công tác của các Sở, Ty nắm được những vấn đề cơ bản của bảo tàng học cũng như chủ trương của Bộ Văn hóa về công tác bảo tồn bảo tàng lúc đó, làm cơ sở hoạch định chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể ở các địa phương, công tác bảo tồn bảo tàng các tỉnh phía Nam chỉ sau giải phóng 5 năm đã đi vào ổn định. Bộ Văn hóa và ngành bảo tồn bảo tàng đã có chủ trương, kế hoạch tăng cường hợp lý trên cơ sở kết hợp lý luận với kinh nghiệm kết hợp học với làm, người cũ truyền kinh nghiệm cho người mới, giải quyết từng việc và biết đột phá vào khâu quan trọng nhất là sưu tầm kết hợp với trưng bày, biết hướng đề tài trưng bày vào những vấn đề nóng bỏng nhất của công tác chính trị tư tưởng lúc đó.

Cùng với việc sưu tầm, triển lãm được làm liên tục ở các tỉnh phía Nam, công tác điều tra nghiên cứu của các bảo tàng Trung ương cũng nhất loạt hướng vào các tỉnh phía Nam. Bảo tàng nào cũng có những chương trình hoạt động ở vùng vừa được giải phóng mang tính cơ bản và lâu dài, hướng vào những vấn đề quan trọng có tầm quốc gia. Công tác thám sát và khai quật khảo cổ học được thực hiện ở địa bàn các tỉnh Long An, Đồng Nai, Quảng Nam - Đã Nẵng... một số tỉnh khác ở phía Nam và Tây Nguyên.

Hệ thống tháp Chàm ở các tỉnh ven biển miền Trung là những di sản quý của nước ta được quan tâm đặc biệt. Trung tâm tu bổ và bảo quản di tích Trung ương đã liên tục hợp tác với chuyên gia Ba Lan trong nhiều năm để vừa nghiên cứu, lập hồ sơ hiện trạng, xây dựng phương án tu bổ trình Nhà nước phê duyệt để kịp thời tu bổ một số tháp quan trọng nhất đang có ngay cơ sụp đổ. Khu thánh địa của người Chàm ở Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng còn lưu lại một khối lượng tháp Chàm dày đặc đã được lập hồ sơ chi tiết và tổ chức công việc bảo quản tốt hơn trước. Đô thị cổ Hội An, khu phố cổ Hà Nội được xem xét bảo tồn khai thác như là những tiềm năng lớn của đất nước thời đổi mới... Các di tích lịch sử cách mạng, di tích thời chống Mỹ cứu nước, di tích về các danh nhân của đất nước trở thành những đối tượng được ưu tiên trong chương trình nghiên cứu lập hồ sơ công nhận và cả trong kế hoạch tu bổ và tôn tạo.

Bảo tàng Quân đội và Tổng Cục xây dựng kinh tế - Bộ quốc phòng kết hợp với Vụ Bảo tồn Bảo tàng đã đi khảo sát, lập hồ sơ các di tích về đường Trường Sơn nằm rải ra trên một tuyến dài hơn 1000 km từ Bắc vào Nam. Khu di tích Cố đô và Lăng tẩm Huế được Nhà nước ta đặt vấn đề nghiên cứu bảo tồn và khai thác theo hướng tích cực, địa phương đã thành lập một tổ chức riêng để đảm nhiệm công việc lập hồ sơ, nghiên cứu và lo công việc tu bổ và đón khách tham quan.

Với sự tích cực chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thông tin sự tập trung hướng dẫn của Vụ Bảo tồn Bảo tàng, và sự phấn đấu vươn lên mạnh mẽ của các tỉnh phía Nam, sự nghiệp bảo tồn bảo tàng miền Nam vào những năm 80 đã nhanh chóng rút ngắn được khoảng cách với các tỉnh phía Bắc dày dạn kinh nghiệm.

Năm 1980 Bộ Văn hóa mở Hội nghị chuyên đề toàn quốc về xây dựng Bảo tàng tỉnh - thành phố để kiểm điểm lại quá trình hoạt động của các Bảo tàng địa phương thấy được mặt yếu, mặt mạnh. Nhận thức rõ thêm về vai trò của Bảo tàng, tại hội nghị này Bộ cũng chỉ ra những điều kiện cần và đủ cho một Bảo tàng ra đời để tránh khuynh hướng hình thức chủ nghĩa và nóng vội. Hội nghị phân tích kỹ hiện tượng đơn điệu, dập khuôn của các Bảo tàng đã làm cho chính các bảo tàng bị mất đi sự hấp dân trước quần chúng, công tác kho bảo quản trong các Bảo tàng được xác định là khâu quan trọng nhất phải nhanh chóng khắc phục tình trạng đang là hiện tượng phổ biến: không chú ý đến kho bảo quản của Bảo tàng.

Những vấn đề Bộ Văn hóa nêu ra và chỉ đạo tại hội nghị đã nhanh chóng chuyển thành chủ trương chính thức. Bộ Văn hóa đã ra Chỉ thị số 2760/CT ngày 19-10-1979 về xây dựng Bảo tàng tỉnh - thành phố và qui chế về kho bảo quản các hiện vật bảo tàng ban hành năm 1980.

Nhờ những đóng góp to lớn của  các thế hệ l àm trong ngành bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, "Người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà Văn hóa kiệt xuất" đã được Unesco tôn vinh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc, Khu di tích Phủ Chủ tịch đều được Nhà nước ghi nhận những thành tích to lớn và được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý từ Huân chương Lao động đến Huân chương Độc lập. Bảo tàng quân đội được nhiều lần tặng thưởng Huân chương Quân công, Bảo tàng Hải Phòng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III.

Đây là những nhân tố hết sức quan trong để các Bảo tàng địa phương ra đời với tốc độ nhanh, chỉ sau 5 năm Bộ Văn hóa ra Chỉ thị nói trên thì tất cả các tỉnh phía Bắc đã chuyển Phòng bảo tồn bảo tàng thành Bảo tàng, các tỉnh miền Nam ra quyết định thành lập Nhà Bảo tàng. Những năm 90 ở Việt Nam đã có một mạng lưới bảo tàng rộng khắp cả nước.

Số lượng các Bảo tàng trên đã hình thành 13 mạng và 8 hệ thống. Có các Bảo tàng thuộc loại hình khoa học lịch sử, có các Bảo tàng thuộc loại hình khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật nhưng nhiều nhất vẫn là các Bảo tàng tổng hợp. Quyết định 25-TTg ngày 19-l-1993 của Thủ tướng Chính phủ về công tác văn hóa phần nói về công tác bảo tồn bảo tàng đã chỉ ra một hướng phát triển phù hợp với hoàn cảnh của đất nước đồng thời cũng là những nhân tố trực tiếp để chấn chỉnh lại các Bảo tàng làm cho các Bảo tàng có một sự hoạt động đa dạng, năng động, khoa học và hiệu quả hơn đối với xã hội.

Thông tư Liên Bộ Văn hóa - Tài chính số 54-TT-LB ngày 23-6-1994 về chế độ cấp phát, quản lý tài chính đối với các Bảo tàng và Di tích lịch sử - văn hóa và Thông tư số 58-TC/VHTT ngày 18-7-1994 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn xếp hạng Bảo tàng kèm theo tiêu chuẩn xếp hạng Bảo tàng cùng với văn bản của Ban Tổ chức và Cán bộ của Chính phủ về chế độ chức danh và tiêu chuẩn viên chức ngành bảo tồn bảo tàng được ban hành trong khoảng 5 năm trở lại đây đang là những cơ sở pháp lý và khoa học trực tiếp thúc đẩy quá trình hoàn thiện và làm cho các Bảo tàng xứng đáng là một thiết chế văn hóa Nhà nước mang tính chất khoa học.

Công việc lập hồ sơ và công nhận di tích cũng được coi trọng và triển khai mạnh mẽ hơn bao giờ hết, được các cấp chính quyền địa phương hết sức ủng hộ. Số lượng di tích được Bộ Văn hóa công nhận đến nay đã lên tới l.659 di tích (số liệu đến hết năm 1994). Có 898 di tích lịch sử, 690 di tích kiến trúc - nghệ thuật, 19 di tích khảo cổ học, 52 thắng cảnh. Đặc biệt quần thể di tích Cố đô Huế và quần thể di tích Vịnh Hạ Long được Unesco công nhận là di sản kiến trúc thế giới và di sản thiên nhiên thế giới.

Việc quy hoạch di tích được thực hiện từ 1993 đến này đang ở vào giai đoạn kết thúc. Công tác đào tạo cán bộ cho ngành đã thực hiện từ những năm 1960 vẫn không ngừng được nâng cao trình độ và mở rộng quy mô. Đến nay chúng ta đã có 2 trung tâm đào tạo trình độ đại học, nhiều địa phương tự đảm nhiệm việc đào tạo trình độ trung cấp, tất cả cán bộ công tác trong ngành bảo tồn bảo tàng đều được cử đi đào tạo nâng cao trình độ theo những hình thức thích hợp, chuyên tu, tại chức, dài hạn tập huấn các chuyên đề có chuyên gia được Bộ mời tham gia giảng dạy. Một số cán bộ trẻ được cử đi học cao học tại các trường trong nước và tu nghiệp dài hạn ở nước ngoài. Việc học ngoại ngữ đã trở thành phong trào trong cán bộ nhân viên các Bảo tàng. Cho đến nay đã có 1183 cán bộ đang làm nhiệm vụ tại các Bảo tàng, trong đó 80% có trình độ đại học và trên đại học, 100% cán bộ quản lý Bảo tàng đạt trình độ đại học trở lên.

Nét mới trong ngành bảo tồn bảo tàng nổi lên như một tín hiệu về sự phát triển vượt bậc của công tác bảo tồn bảo tàng trong thời gian tới là sự mở cửa và hội nhập với Bảo tàng thế giới các nước Âu, Mỹ, các nước trong khối Asean, các nước châu Á, và Trung Cận Đông cũng như Bắc Âu, sự hợp tác vô tư đang diễn ra ở nhiều cấp độ, và qui mô khác nhau. Những hoạt động bảo tồn bảo tàng Việt Nam, các di tích lịch sử và văn hóa, bảo tàng được Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam hết lòng chăm lo, được rộng rãi quần chúng trong toàn xã hội ủng hộ nhiệt tình. Chặng đường 50 năm phát triển sự nghiệp bảo tồn bảo tàng Việt Nam khẳng định vị trí to lớn của các di tích động sản và bất động sản dù là vô hình hay hữu hình, đối với sự nghiệp lớn lao là góp phần xây dựng một nền văn hóa cách mạng Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, đặt ra cho sự nghiệp bảo tồn bảo tàng Việt Nam một tương lai phát triển rực rỡ.

 

 

THÀNH TỰU

PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

A. Huân Chương:

1. Huân chương Độc lập hạng Hai:

Viện Bảo tàng Cách mạng, năm 1994.

2. Huân chương Độc lập hạng Ba:

Viện Bảo tàng Cách mạng, năm 1985

3. Huân chương lao động hạng Nhất.

- Bảo tàng lịch sử, năm 1985

- Bảo tàng Hồ Chí Minh, năm 1994

- Khu Di tích Phủ Chủ tịch, năm 1994

B. Cờ luân lưu:

- Bảo tàng Hồ Chí Minh, năm 1990, 1994

- Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, năm 1991, 1993

- Khu di tích Phủ Chủ tich, năm 1994

NỔI BẬT TRANG CHỦ