• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

6 nhiệm vụ trọng tâm đưa du lịch Thanh Hóa cất cánh

Du lịch 14/10/2024 10:01

(Tổ Quốc)- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa vừa hoàn tất Dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa (CTPTDL) giai đoạn 2021-2025; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2026-2030.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, có 2/4 nhóm chỉ tiêu du lịch đạt và vượt kế hoạch, gồm nhóm chỉ tiêu về cơ sở lưu trú và nhóm lao động du lịch. Đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 1.300 nhà nghỉ, khách sạn, với tổng số 48.600 phòng và 57.800 lao động trong ngành du lịch. Theo báo cáo, giai đoạn từ năm 2021-2025, toàn tỉnh ước đón trên 58,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 128.886 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu còn lại gồm lượt khách, tổng thu du lịch dự kiến khó đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2021-2025, do năm 2021 bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Từ năm 2021 đến nay, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ từ nguồn CTPTDL là hơn 213 tỷ đồng, thực hiện các nhóm nhiệm vụ như, phát triển sản phẩm du lịch gần 121,5 tỷ đồng, quảng bá xúc tiến du lịch hơn 69 tỷ đồng… Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 57 quy hoạch phục vụ phát triển du lịch trong đó có 48 quy hoạch đã được phê duyệt và 9 quy hoạch đang triển khai nghiên cứu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 190 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích được thống nhất, phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư là hơn 4.500 tỷ đồng.

6 nhiệm vụ trọng tâm đưa du lịch Thanh Hóa cất cánh - Ảnh 1.

một Sầm Sơn đẹp ngoạn mục trong đêm, với hệ thống chiếu sáng nghệ thuật hiện đại

Về cơ sở hạ tầng du lịch, toàn tỉnh hiện nay có 70 dự án, trong đó, 47 dự án hoàn thành và 23 dự án đang triển khai thực hiện. Một số dự án có quy mô lớn đã hoàn thành hoặc khởi công mới, có giá trị kết nối các khu du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến với các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh. Cùng với đó, các sản phẩm, dịch vụ du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bước đầu đã hình thành sản phẩm du lịch cao cấp như: du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nghề, làng nghề truyền thống, phát triển trang trại nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch, khai thác tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Đảo Nẹ (Hoằng Hóa), Nghi Sơn - Đảo Mê (thị xã Nghi Sơn)…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai CTPTDL vẫn còn những hạn chế: Một số ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực triển khai thực hiện CTPTDL; chỉ tiêu lượt khách du lịch chưa đạt kế hoạch; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tu bổ tôn tạo khai thác di tích chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; thiếu sản phẩm du lịch chất lượng cao, chưa hấp dẫn khách du lịch, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch nước ngoài chưa được triển khai; môi trường du lịch, hiệu lực quản lý nhà nước, chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn nhiều bất cập.

Dự thảo cũng đưa ra mục tiêu cho trong các năm 2024 - 2025, đưa du lịch Thanh Hóa phát triển, có tính chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Cụ thể, Năm 2024: Phấn đấu đón được 13.800.000 lượt khách; trong đó khách quốc tế: 718.800 lượt khách. Tổng thu từ du lịch ước đạt: 32.387 tỷ đồng; trong đó tổng thu từ khách quốc tế đạt 295.300.000 USD. Có 56.300 lao động du lịch; trong đó số lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chiếm 82,6% (Đại học trở lên chiếm 10,65%; trung cấp và cao đẳng chiếm 33,0%; đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 38,95%). Năm 2025: Phấn đấu đón được 16.000.000 lượt khách; trong đó khách quốc tế: 850.000 lượt khách. Tổng thu từ du lịch ước đạt: 45.500 tỷ đồng; trong đó tổng thu từ khách quốc tế đạt 380.000.000 USD. Có 62.000 lao động du lịch; trong đó số lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chiếm 92,1% (Đại học trở lên chiếm 10,8%; trung cấp và cao đẳng chiếm 33,7%; đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 39,2%).

Để đạt được mục tiêu trên, dự thảo cũng xây dựng 6 nhiệm vụ trọng tâm cho CTPTDL, gồm: Tập trung cao để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các dự án du lịch, hạ tầng du lịch nhằm phát triển đột phá ngành du lịch. Tập trung khai thác các di tích lịch sử phục vụ phát triển du lịch, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch mới và hình thành các sản phẩm du lịch cao cấp.  Thực hiện chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Tăng cường quản lý nhà nước về môi trường du lịch, an ninh, trật tự an xã hội; tạo đột phá về cải thiện môi trường du lịch. Nâng cao tính chủ động, trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong việc thực hiện CTPTDL.

T.Bình

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ