(Tổ Quốc) - Đã bao giờ bạn phát hiện ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe chỉ nhờ một dấu hiệu trên cơ thể mà bạn thường bỏ qua?
Cơ thể chúng ta là một hệ thống khá phức tạp, nơi mọi thứ được kết nối với nhau. Khi một bộ phận gặp vấn đề, nó sẽ gửi tín hiệu đến các phần khác trong cơ thể để cảnh báo, giúp con người sớm nhận ra và xử lý.
Bạn hoàn toàn có thể nhận ra các dấu hiệu tiềm ẩn này bằng những cách rất đơn giản.
1. Tóc có độ xốp thấp
Bạn có thể kiểm tra xem tóc mình có độ xốp thấp không bằng cách thả một sợi tóc sau khi vừa gội và sấy đầu vào cốc nước.
Nếu sợi tóc chìm xuống đáy cốc nước, độ xốp của tóc rất cao. Điều đó có nghĩa là tóc bạn hấp thụ các loại hóa chất rất nhanh và có thể sấy trong phút chốc. Tuy nhiên, tóc như vậy thường khá khô và bông.
Để khắc phục tình trạng này, bạn phải tìm được phẩm chăm sóc tóc phù hợp nhất với mình. Thích hợp nhất là những sản phẩm có chứa thành phần "nặng", chẳng hạn như dầu và bơ.
2. Nếp nhăn trên cổ
Sau khi mãn kinh, cơ thể nữ giới sản xuất ít estrogen hơn mức cơ thể cần để duy trì độ bền chắc. Những nếp nhăn sâu trên cổ là dấu hiệu đáng lo ngại, cho thấy mật độ xương đang giảm. Khi ấy, xương sẽ ngày càng giòn và dễ gãy hơn. Bạn cần bổ sung canxi và vitamin D để phòng tránh bệnh loãng xương.
Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra cả hoạt động của tuyến giáp. Khi tuyến giáp hoạt động không bình thường, dấu hiệu sẽ bắt đầu thể hiện ra bên ngoài cơ thể. Ban đầu là những vết nhăn trên cổ, sau đó là bong tróc da.
3. Nhiệt ở miệng và lưỡi
Những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn bị nhiệt là hút thuốc, dị ứng, cắn nhầm vào lưỡi và nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu không gặp phải những vấn đề trên mà vẫn bị nhiệt miệng, có lẽ bạn đang thiếu vitamin B12, sắt hoặc acid folic.
Bạn không thể bù đắp những thiếu hụt này sau một đêm, nhưng có thể bổ sung trong một khoảng thời gian dài.
Một số dấu hiệu khác bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, tim đập nhanh bất thường, đau mỏi cơ bắp. Nếu gặp phải, bạn cần sớm thay đổi chế độ ăn và bổ sung thêm chất dinh dưỡng.
4. Móng tay và vùng da xung quanh bị bong tróc, xuất hiện đốm trắng
Bạn có thể bị tróc móng và bong da do thiếu sắt và thiếu nước. Nếu tình trạng thiếu sắt không được điều trị kịp thời, bạn có thể bị thiếu máu và vô số những vấn đề khác, ví dụ như đau ngực.
Ngoài ra, móng không khỏe còn do tuyến giáp hoạt động kém, bệnh phổi hoặc thậm chí là bệnh thận. Cách tốt nhất để chăm sóc móng tại nhà là ăn những đồ giàu chất sắt và giữ độ ẩm cho móng.
Nếu thấy các đốm trắng bắt đầu xuất hiện trên móng, hãy nghĩ đến 4 khả năng sau: dị ứng, nhiễm nấm, chấn thương, hoặc thiếu chất khoáng. Trong đó, bạn nên chú ý hơn tới nguyên nhân cuối cùng vì nó cần được điều trị một cách kỹ lưỡng. Kẽm và canxi là hai "thủ phạm" phổ biến nhất gây ra tình trạng này. Khi đó, bạn nên đi kiểm tra máu đầu tiên.
5. Nứt gót chân
Bạn có thể bị nứt gót chân do da khô và thời tiết lạnh, hoặc phải đứng hàng giờ đồng hồ mỗi ngày. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh chàm, cường giáp và tiểu đường.
Bạn có thể cải thiện tình trạng nứt gót chân bằng cách ngâm chân trong nước xà phòng khoảng 20 phút, rồi chà xát bằng đá bọt. Sau đó, hãy thoa các loại kem dưỡng ẩm có chứa lactic acid, dầu jojoba và bơ hạt mỡ.
Nếu tình trạng không cải thiện, bạn cần phải đến gặp bác sĩ da liễu. Điều duy nhất bạn có thể làm hàng ngày là kiểm tra gót chân, rửa chân kỹ và dùng giày phù hợp.
6. Mũi, má và trán ửng đỏ
Mụn trứng cá đỏ là nguyên nhân số 1 gây ra tình trạng ửng đỏ ở mũi, má và trán. Người lớn trên 30 tuổi có làn da sáng màu thường dễ mắc nhất, bởi bệnh này hiếm khi ảnh hưởng tới trẻ con.
Những triệu chứng điển hình của bệnh mụn trứng cá là ửng đỏ, nổi mẩn đỏ dai dẳng, nổi mụn, mạch máu lộ rõ. Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm kích ứng mắt, da sần sùi, sưng tấy.
Cách điều trị mụn trứng cá đỏ là dùng thuốc uống và thuốc bôi được kê đơn. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể sẽ phải sử dụng cả phương pháp laser.
7. Mắt sưng húp, sưng tấy
Nếu mắt bị sưng nhưng không phải do nhiễm trùng hay dị ứng, đó có thể là do bạn đã ăn quá nhiều muối. Thói quen không lành mạnh này khiến cho cơ thể tích nước ở mặt và những vùng dưới mắt. Để khắc phục, bạn cần cắt giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày và bổ sung thêm kali.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng này, bao gồm bệnh Graves (bướu giáp độc lan tỏa), tắc ống dẫn nước mắt, hút thuốc, hoặc thiếu ngủ.
Sau khi biết được nguyên nhân, bạn có thể tìm cách điều trị. Chườm lạnh, đắp túi trà lọc và mát-xa mặt là những cách đơn giản nhất bạn có thể tự mình thực hiện. Nếu tình trạng sưng vẫn không biến mất, bạn cần đến gặp bác sĩ.
(Theo BS)