(Tổ Quốc) - Ngày 28/9, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển”.
Đây là hoạt động trọng điểm nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2022).
Tới dự và chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức hội Trung ương; đại diện Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ sở đào tạo Trung ương và địa phương. Đại diện các cơ quan chủ quản nhà xuất bản, các nhà xuất bản, công ty in, phát hành sách cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định, các tham luận gửi đến Hội thảo đề cập nhiều vấn đề ở các khía cạnh khác nhau, từ việc đánh giá khách quan kết quả, thành tựu, bài học kinh nghiệm đến những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc của hoạt động xuất bản trong những năm qua; từ việc phân tích sâu sắc bối cảnh trong nước và quốc tế tác động đến hoạt động xuất bản đến việc hiến kế các giải pháp tiếp tục đổi mới toàn diện công tác xuất bản theo đúng định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước. Đây là những vấn đề mà những nhà quản lý, những người trực tiếp làm công tác xuất bản, in và phát hành và bạn đọc quan tâm.
Hội thảo bao gồm hai phiên nội dung, tương ứng với hai chủ đề lớn: Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam - Hành trình 70 năm và Ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam - Tầm nhìn và định hướng phát triển.
Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người làm xuất bản, in và phát hành sách đã cung cấp nhiều luận chứng, luận cứ khoa học, với những phân tích, trao đổi sâu sắc về quá trình hình thành, phát triển và những dấu mốc quan trọng của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.
Từ thực tiễn 70 năm qua để làm rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, In và phát hành sách, những đóng góp của Ngành đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Đồng thời tập trung phân tích những vấn đề đang đặt ra trong hoạt động xuất bản, In và phát hành sách ở Việt Nam hiện nay, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển xuất bản, in và phát hành sách trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu: “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá” theo tinh thần văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý kiến tâm huyết, làm việc khoa học của các chuyên gia, nhà quản lý, người làm xuất bản được thể hiện sâu sắc qua các tham luận. Song song với đó là yêu cầu các cơ quan tham mưu, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản tiếp thu tinh thần Hội thảo, đổi mới tư duy, có giải pháp triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, đồng thời giải quyết những vấn đề chiến lược của Ngành.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu: “Tiếp thu những chỉ đạo mang tính định hướng của Đảng, trong thời gian tới, những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản phải đổi mới tư duy, bắt nhịp thời cuộc, nhạy bén trong xử lý những tình huống cụ thể, đồng thời giải quyết những vấn đề chiến lược. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm của cơ quan chủ quản cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý trong việc chỉ đạo, định hướng, giám sát chặt chẽ và tạo cơ chế cho hoạt động xuất bản, in và phát hành phát triển, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan, đơn vị xuất bản nói riêng và toàn ngành Xuất bản, In và Phát hành nói chung. Từ đó tạo động lực để ngành thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức và triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu, khách mời đã tham quan triển lãm sách gồm các sách về Văn kiện Đảng; sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sách về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; sách về xây dựng Đảng và các sách lý luận, chính trị...
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!