• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

75% sinh viên du lịch ra trường phải đào tạo lại

Du lịch 30/08/2012 22:40

(Toquoc)-Đại diện Sở VHTTDL Bà Rịa-Vũng Tàu đã đưa ra con số đáng báo động về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại các địa phương trên toàn quốc hiện nay.

(Toquoc)-Đại diện Sở VHTTDL Bà Rịa-Vũng Tàu đã đưa ra con số đáng báo động về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại các địa phương trên toàn quốc hiện nay.

Vị lãnh đạo này cho biết, các doanh nghiệp du lịch phản ứng rất nhiều về chất lượng đào tạo nghề tại các trường cao đẳng,  trung cấp du lịch. Theo đó, có ít nhất 3/4 sinh viên ra trường không làm nổi các công việc chuyên môn cơ bản. Số còn lại cũng mất một thời gian nhất định đào tạo thêm mới có thể thực hiện công việc độc lập.

Vị lãnh đạo này cũng đưa ra một dẫn chứng đáng buồn: “Một dự án du lịch 5 sao của Canada đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu cần tuyển dụng 2000 lao động ở các vị trí. Thế nhưng dù tỉnh có hẳn một trường cao đẳng du lịch, và địa phương tích cực giới thiệu, liên kết với các trung tâm đào tạo khác, rồi Sở Lao động-Thương binh-Xã hội... nhưng cuối cùng vẫn không đáp ứng nổi yêu cầu của nhà tuyển dụng cả về số lượng lẫn chất lương, buộc phải chấp nhận để nhà tuyển dụng tìm kiếm lao động ngoài địa phương”.

Việc thiếu một thang đo chuẩn để đánh giá chất lượng kỹ năng nghiệp vụ du lịch cũng là lý do khiến chất lượng đào tạo cùng chất lượng nhân lực du lịch hiện nay không như mong muốn. (Ảnh: Ngọc Thành)

Tình trạng thiếu lao động ngành du lịch không chỉ nằm ở các tỉnh nhỏ như Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn xảy ra ở ngay các thành phố lớn.

Riêng về đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) và thuyết minh viên (TMV), theo thống kê của Tổng cục Du lịch, cả nước có 11.210 người, trong đó Hà Nội chiếm 2.500 người còn TP.HCM chiếm 3.638 người. Tuy nhiên, con số đó không đủ đáp ứng yêu cầu thực tế do sự chênh lệch về số HDV thạo các ngôn ngữ quôc tế thông dụng và HDV ngôn ngữ hiếm.

Cụ thể có đến 3.699 HDV sử dụng tiếng Anh, chiếm đến 54,3%. Trong khi tiếng Pháp chỉ có 995 người, tiếng Trung là 961 người, tiếng Đức có 375 người, tiếng Nga có 345 người, tiếng Tây Ban Nha có 124 người, tiếng Italia có 22 người, tiếng Hàn có 17 người, tiếng Rumani có 1 người...

Đại diện Sở VHTTDL Đà Nẵng cho biết địa phương này đang đau đầu vì sự gia tăng mạnh của khách Hàn và khách Nga nhưng lực lượng lao động du lịch nói chung và HDV nói riêng thông thạo tiếng Hàn và tiếng Nga lại quá thiếu thốn. “Hiện hàng tuần Đà Nẵng có 2 chuyến bay tới Hàn Quốc, mỗi tháng đón từ 5-10 chuyến khách Nga. Ngoài thiếu HDV, còn thiếu cả lễ tân khách sạn, tiếp viên hàng không, nhân viên mặt đất,... thạo hai ngôn ngữ này”.

Nhiều nhà quản lý du lịch địa phương cho rằng chính những bất cập trong việc cấp thẻ hành nghề HDV hiện nay khiến lực lượng này bị thiếu hụt. Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng cho rằng nên có chính sách đặc cách cho các HDV du lịch có kinh nghiệm, đã hoạt động du lịch lâu năm chứ không nhất thiết phải có trình độ cao đẳng, đại học hay đã tham gia lớp học nghiệp vụ. Nhiều HDV rất giỏi ngoại ngữ, được khách hàng khen ngợi ở kỹ năng dẫn tour nhưng vì không tốt nghiệp đại học, không có chứng chỉ nghiệp vụ nên hoạt động của họ vẫn bị xem là bất hợp pháp. Điều này hạn chế không nhỏ sự phát triển của lực lượng lao động trong ngành du lịch.

Bên cạnh đó, việc thiếu một thang đo chuẩn để đánh giá chất lượng kỹ năng nghiệp vụ du lịch cũng là lý do khiến chất lượng đào tạo cùng chất lượng nhân lực du lịch hiện nay không như mong muốn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – cho biết: gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Cộng đồng châu Âu thông qua dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam mới xây dựng được bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) cho 13 nghề, trong đó có nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Tuy nhiên, trong VTOS lại không đề cập đến kỹ năng  nghề TMV.  Chính vì thế, dù rất nhiều địa phương có tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TMV tại điểm nhưng chất lượng bồi dưỡng không cao.

Ông Tuấn cho hay trong thời gian tới Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Bộ LĐTBXH xây dựng thêm tiểu chuẩn kỹ năng nghề TMV du lịch cũng như triển khai các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo từng cụm chuyên đề tại các địa phương trọng điểm về du lịch trên cơ sở bộ tiêu chuẩn VTOS.

Ông Tuấn cũng khẳng định, không chỉ đội ngũ HDV, TMV cần tập trung đào tạo nâng cao chất lượng mà cần có chiến lược đào tạo đồng bộ đội ngũ lao động trong ngành du lịch từ nhân viên tiếp tân khách sạn đến bảo vệ, lái xe taxi – những lao động thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với du khách – nhằm tạo ra một hình ảnh mới có tính chuyên nghiệp cao.

Cũng theo ông Tuấn, Tổng cục Du lịch sẽ thúc đẩy sự hợp tác quốc tế ở lĩnh vực đào tạo nghề du lịch, đặc biệt là nghề HDV và TMV./.

Khánh Hải

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ