(Tổ Quốc)- Liên hoan hát Xẩm khu vực phía Bắc - Ninh Bình 2022 có gần 200 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của 18 câu lạc bộ đến từ 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình. Liên hoan được tổ chức đến hết ngày 18/9.
Tối 16/9, tại Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức khai mạc Liên hoan hát Xẩm khu vực phía Bắc - Ninh Bình 2022.
Trong Liên hoan, ngoài việc biểu diễn tại sân khấu, các nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như tri ân cố nghệ nhân, NSƯT Hà Thị Cầu; thi biểu diễn hát Xẩm; tổ chức biểu diễn phục vụ du khách tại phố cổ Hoa Lư… hứa hẹn mang đến cho khán giả yêu nghệ thuật hát Xẩm những trải nghiệm độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, đặc biệt là dấu ấn văn hóa vùng nông thôn Bắc Bộ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VHTT Ninh Bình, nghệ thuật hát Xẩm là một loại hình diễn xướng dân gian được lưu truyền trong đời sống người dân lao động ở đồng bằng sông Hồng. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Hát Xẩm đã có thời gian phát triển rộng với nhiều phong cách khác nhau, mang đậm dấu ấn riêng của các vùng văn hóa như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình…
Ninh Bình cũng là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát Xẩm, là nơi gắn bó với sự nghiệp ca hát trong suốt cuộc đời của cố nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu, nghệ nhân hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX. Nơi đây hiện lưu giữ trên 10 làn điệu hát xẩm, biểu hiện đa dạng các sắc thái cảm xúc khác nhau của con người như: Điệu xẩm chợ; Điệu chênh bong; Phồn huê; Riềm huê, Huê tình, Hò bốn mùa; Ba bậc; Thập ân; Hà liễu, Tàu điện… Những năm qua, Ninh Bình rất chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là loại hình nghệ thuật hát Xẩm. Tháng 1.2022, nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đặt ra yêu cầu mới về tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật độc đáo này trong đời sống hiện nay.
Để liên hoan đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường đề nghị, các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công cần phát huy hết tài năng, sáng tạo, trách nhiệm, nhiệt huyết để cống hiến cho khán giả những tiết mục hát Xẩm đặc sắc. Các thành viên trong Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật làm việc công tâm, khách quan, có tinh thần trách nhiệm cao để tôn vinh và động viên kịp thời, chính xác các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tại Liên hoan.
Liên hoan hát Xẩm khu vực phía Bắc - Ninh Bình 2022 nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, nghệ thuật hát Xẩm nói riêng; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ hát Xẩm ở các tỉnh, thành phố tham dự Liên hoan có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi, nhằm nâng cao chuyên môn về nghệ thuật hát Xẩm.
Thông qua Liên hoan nhằm giới thiệu tới công chúng trong nước và du khách nước ngoài về giá trị nghệ thuật của loại hình hát Xẩm, đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế - xã hội và danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Ninh Bình và các tỉnh, thành phố trong cả nước đến bạn bè trong nước và quốc tế./.