• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

9 vấn đề tốn giấy mực nhất năm 2018

Thời sự 30/12/2018 12:40

(Tổ Quốc) - Cùng Ban biên tập Báo điện tử Tổ Quốc điểm lại những sự việc tốn giấy mực báo chí cũng như "dậy sóng" mạng xã hội nhất năm qua.

1. Xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

Ngay từ đầu năm 2018, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam -PVC) cùng 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC. Tại phiên tòa này, bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên 13 năm tù; bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 14 năm tù về tội Cố ý làm trái và tù chung thân về tội Tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Tiếp đó, ông Đinh La Thăng còn hầu tòa trong vụ thất thoát 800 tỉ đồng của PVN khi đầu tư vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) và bị tuyên phạt 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

9 vấn đề tốn giấy mực nhất năm 2018 - Ảnh 1.

Ông Đinh La Thăng chịu 2 bản án. Ảnh: TTXVN

2. Liên tiếp các "đại gia" vướng vòng lao lý

Cuối tháng 11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Cùng với ông Hà, nhiều lãnh đạo của BIDV cũng đã bị khởi tố. Trước đó, ông Hà bị khai trừ khỏi Đảng. Đây có lẽ là vụ vướng vòng lao lý lớn cuối cùng trong năm 2018.

Trước đó, nhiều lãnh đạo liên quan tới thương vụ Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG của MobiFone đã bị khởi tố. Hay Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Vũ Thanh Hà đã bị khởi tố, bắt tạm giam; khởi tố bị can và đưa ra xét xử đối với Phan Văn Anh Vũ - Vũ "nhôm" về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015… Từ vụ việc của Vũ nhôm, nhiều quan chức khác có liên quan cũng đã vướng vòng lao lý.

3. Từ "ngôi sao" công nghệ thành "trùm" đường dây đánh bạc ngàn tỷ trên internet

Tháng 11/2018, TAND tỉnh Phú Thọ xét xử sơ thẩm ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa – cựu Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an và hai "ông trùm" Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam vì những vi phạm liên quan tới vụ tổ chức đánh bạc nghìn tỷ trên mạng internet. Trong đó, Phan Sào Nam từng được coi là một trong những "ngôi sao sáng" của giới IT nước nhà.

Vụ án thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận khi ông Hóa và ông Vĩnh – những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan được Nhà nước giao đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao lại trợ giúp Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc trên mạng internet. Các đối tượng tổ chức đánh bạc thu lời bất chính hơn 9.853 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong số này, Phan Sào Nam là người trả lại nhiều nhất số tiền thu lợi bất chính.

9 vấn đề tốn giấy mực nhất năm 2018 - Ảnh 2.

Phan Sào Nam tại phiên tòa. Ảnh: Nam Khánh

4. Vụ phạt tù tài xế container: Những tranh luận "dậy sóng"

Chiều 2/11, tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên bị cáo Lê Ngọc Hoàng - người lái xe container án 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Lý do của mức án này, theo HĐXX là bị cáo Hoàng đã vi phạm quy định về giữ khoảng cách an toàn với các xe phía trước.

Theo hồ sơ, ngày 19/11/2016, Ngô Văn Sơn lái chiếc xe Innova chở 10 khách từ Bắc Ninh lên TP Thái Nguyên. Chiều cùng ngày, Sơn lái xe chạy quá nút giao Yên Bình (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) nên điều khiển xe lùi xe lại để đi ra nút giao.

Đúng lúc này, tài xế Lê Ngọc Hoàng lái chiếc xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc đi thuận chiều trên cao tốc với tốc độ 60 - 65 km/giờ. Khi đến gần nút giao thấy chiếc Innova phía trước đang bật đèn phanh đỏ, tài xế Lê Ngọc Hoàng không phanh giảm tốc mà quan sát gương chiếu hậu.

Do phía sau có ô tô khác đang vượt lên, Hoàng không thể chuyển làn, nên đã tông vào đuôi chiếc Innova khiến 4 người tử vong tại chỗ.

Vụ án này gây ra những luồng tranh cãi kịch liệt trên cả báo chí và mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, bản án chưa đảm bảo tính khách quan, công bằng và còn nhiều thông tin mâu thuẫn.

5. Truy bắt 2 tên trùm ma túy ẩn náu tại Sơn La

Cuối tháng 6/2018, 300 cảnh sát được trang bị vũ khí của đơn vị thuộc Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La cùng 4 xe bọc thép vây trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân và đồng bọn ở Lóng Luông, Vân Hồ (Sơn La). Sau 2 ngày tử thủ, Tuân cùng một số tên bị tiêu diệt.

Được biết, xã này có 28 bị can mang lệnh truy nã và hơn 100 người nghiện ma túy, chủ yếu tập trung ở khu vực bản Lũng Xá - Tà Dê. Trong đó có Nguyễn Thanh Tuân (35 tuổi, ở Hà Nội) và Nguyễn Văn Thuận (34 tuổi, trú huyện Mộc Châu). Đây là thành phần đặc biệt nguy hiểm bị truy nã trong đường dây vận chuyển trái phép 2.700 bánh heroin. Riêng Nguyễn Thanh Tuân mang 4 lệnh truy nã.

Nhà của 2 trùm ma túy đều lắp đặt camera, xây dựng kiên cố, có hầm thiết kế che chắn thành boongke, bên trong tàng trữ nhiều vũ khí quân dụng, xăng, bình gas để chống trả lực lượng vây bắt. Lực lượng chức năng đã tiếp cận bên trong căn nhà Tuân dùng làm nơi trốn lệnh truy nã và thu được nhiều súng quân dụng, lựu đạn, bình ga, đạn…

Sau khi chiến dịch kết thúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thư khen các lực lượng đã dũng cảm, kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm đặc biệt nguy hiểm, lập chiến công xuất sắc nêu trên.

9 vấn đề tốn giấy mực nhất năm 2018 - Ảnh 3.

Cuộc vây ráp, truy bắt nhiều tội phạm ma túy tại Sơn La. Nguồn ảnh: Công an cung cấp

6. Các sự cố hàng không và đường bộ

Sự cố chuyến bay VJ356 của Hãng Hàng không Vietjet Air ngày 29/11 hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) nhưng đã bị rơi 2 bánh ở càng trước. Sau đó, chuyến bay VJ689 cũng của hãng này ngày 25/12 vừa qua đã hạ cánh nhầm đường băng tại Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).

Các sự cố này đã gây nên nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Một mặt, các phân tích ghi nhận những nỗ lực của hãng hàng không giá rẻ trong việc cung cấp các dịch vụ tiệm cận tới người dân có thu nhập trung bình. Nhưng một mặt, các bài báo cũng chỉ ra những sai sót về mặt kỹ thuật hiện nay gây mất an toàn bay.

Năm 2018 cũng là một năm có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc như vụ xe đi đón dâu đấu đầu xe đầu kéo, 13 người tử vong tại Quảng Nam; Xe bồn chạy 109km/h đẩy xe khách xuống vực, 13 người chết; Xe bồn chở xăng bốc cháy lao vào nhà dân khiến 6 người tử vong tại Bình Phước; Tại Hà Nội, xe Mercedes bay qua lan can cầu Chương Dương, lao xuống sông Hồng…

9 vấn đề tốn giấy mực nhất năm 2018 - Ảnh 4.

Trục vớt ô tô bay qua cầu Chương Dương, Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn

7. Bác sĩ Hoàng Công Lương và vụ việc kéo dài một năm rưỡi vẫn chưa kết thúc

Ngày 25/11 mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hoà Bình) đã có bản kết luận điều tra bổ sung lần 3 vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hoà Bình khiến 9 người tử vong. Bản kết luận bổ sung lần 3 một lần nữa đưa ra các kết luận đối với bị can Hoàng Công Lương. Đó là bị can Lương có đủ điều kiện hành nghề về kỹ thuật thận nhân tạo và chữa bệnh độc lập. Hoàng Công Lương là bác sĩ có trách nhiệm cao nhất trong việc ra y lệnh chạy thận cho các bệnh nhân. Tội danh đề nghị truy tố với bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn là "Vô ý làm chết người" theo Khoản 2, Điều 98 BLHS năm 1999 nay là Khoản 2, Điều 128 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Câu chuyện về bác sĩ Hoàng Công Lương và phiên tòa xét xử bác sĩ trong năm 2018 đã gây ra những tranh luận dữ dội về vấn đề không bỏ lọt tội phạm hay không làm oan… "Thêm một lần nữa, tôi xin được chia sẻ nỗi đau, sự mất mát không thể bù đắp được và những tháng ngày mòn mỏi chờ đợi công lý của gia đình các bệnh nhân tử vong và những bệnh nhân bị ảnh hưởng sức khoẻ do sự cố tồn dư hoá chất trong hệ thống nước RO sau sửa chữa, xảy ra vào ngày 29.5.2017 tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình... Tôi cảm thấy rất thất vọng và không đồng ý với nội dung trong bản kết luận điều tra liên quan đến trách nhiệm của tôi trong vụ án"- Bác sĩ Hoàng Công Lương nêu.

8. Những điều đau xót của ngành giáo dục

Những vấn đề của ngành giáo dục luôn chạm tới từng gia đình. Giữa năm, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, hàng loạt cán bộ trong ngành giáo dục ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đã bị phát hiện, thậm chí bị khởi tố do can thiệp, sửa điểm thi gây chấn động dư luận. Hàng trăm bài thi đã được điều chỉnh điểm với những cách thức rất tinh vi, thậm chí có những em còn đạt được mức điểm thủ khoa sau khi đã nâng điểm. Sự việc nghiêm trọng tới nỗi, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc để làm rõ những sai phạm này.

Trong khi cơ quan chức năng vẫn tiếp tục làm rõ vụ gian lận trong chấm điểm thi thì ngành giáo dục tiếp tục đối mặt với những vấn đề nan giải khác. Một cô giáo ở Quảng Bình bắt học sinh tát một bạn cùng lớp hơn 200 cái khiến em này phải nhập viện hay vụ việc Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ bị bắt do bị tố cáo xâm hại tình dục hàng chục học sinh nam của trường trong thời gian dài mà không hề bị cán bộ, giáo viên trong trường ngăn chặn hay… những vụ việc này tiếp tục gióng lên những hồi chuông cảnh báo từ môi trường được cho là trồng người này.

9 vấn đề tốn giấy mực nhất năm 2018 - Ảnh 5.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã phát hiện ra vụ gian lận thi cử nghiêm trọng và trên diện rộng. Ảnh minh họa: Minh Khánh.

9. Người dân Thủ Thiêm và tấm bản đồ thất lạc

Khu đô thị Thủ Thiêm được kỳ vọng là một dự án đô thị hiện đại thuộc quận 2, TP HCM. Tuy nhiên, cùng với việc thất lạc bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, các vấn đề tái định cư và bồi thường cho người dân nơi đây ngày một phức tạp, dẫn tới khiếu kiện đông người, dài ngày.

Mới đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo giao cho TP.HCM thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan tới vụ Thủ Thiêm. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã giao lập tổ công tác thanh tra 160 ha tái định cư và thông báo cho người dân khi có kết luận./.       

Ban Biên tập Báo điện tử Tổ Quốc

NỔI BẬT TRANG CHỦ