• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý với việc bỏ thi thăng hạng viên chức

Thời sự 09/09/2023 22:05

(Tổ Quốc) - Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, có 94/95 bộ, ngành, địa phương cũng như các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi thăng hạng viên chức.

Chiều tối 9/9, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, báo chí nêu câu hỏi đến Bộ GDĐT về việc nếu bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có giáo viên sẽ tác động thế nào trong bối cảnh hiện nay khi năm học mới đã bắt đầu và nhiều địa phương đã có thông báo về tình trạng thiếu giáo viên?

Xét thăng hạng có yếu tố tích cực hơn việc thi

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, bất cứ làm nghề gì, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều muốn có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, thăng tiến theo năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của mình. 

Việc thực hiện chính sách thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo cũng là giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo. Một nhà giáo được thăng hạng không chỉ chứng tỏ năng lực chuyên môn nghiệp vụ của mình, nhà giáo đó còn được hưởng chế độ chính sách về tiền lương.

Bộ Nội vụ đã dự thảo nghị định sửa đổi một số nghị định, trong đó có Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và đang xin ý kiến, trong đó có dự thảo chỉ còn lại hình thức xét thăng hạng, bỏ thi thăng hạng.

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn tại buổi họp báo chiều tối 9/9

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, dù là thi hay xét thăng hạng thì đều với mục đích để đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ căn cứ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. 

"Đối với thi, tất nhiên có yêu cầu về nội dung, chúng ta biết xác thực chuyên môn nghiệp vụ cần có quá trình giảng dạy, tự đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng để các giáo viên hình thành, phát triển năng lực của mình. Thi thì phải ôn thi, chuẩn bị nội dung, kiến thức. Việc này có thể khi giáo viên đang công tác thì phải dành nhiều thời gian ôn thi, chi phí tốn kém trong quá trình tham gia", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc xét thăng hạng có yếu tố tích cực hơn. Chắc chắn những người tham gia xét thăng hạng là những người có hiểu biết, đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên một cách sát thực nhất thay vì chỉ làm thông qua một bài thi. Qua việc xét đó có thể đánh giá cả quá trình, sẽ bảo đảm tính công bằng, minh bạch cũng như chính xác hơn. 

Như vậy, việc xét thăng hạng để được chức danh mang lại động lực rất tốt, nhưng được xét một cách minh bạch, công bằng, chính xác thì tạo động lực tốt hơn cho giáo viên trong cống hiến, gắn bó với nghề nghiệp của mình. 

"Tuy nhiên, đây chỉ một trong những giải pháp để chúng ta hạn chế, khắc phục việc giáo viên bỏ việc thôi, chứ không phải là tất cả, nhưng cũng là một trong những việc quan trọng", ông Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Tiết kiệm chi phí xã hội, hạn chế thủ tục hành chính

Thông tin thêm về nội dung này, ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho rằng, bỏ thi thăng hạng, bỏ thi nâng ngạch công chức đã được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian qua. Có 3 nội dung liên quan đến việc này, thứ nhất là cơ sở pháp lý của việc tổ chức thi nâng ngạch hoặc thi thăng hạng, thứ hai là cơ sở thực tiễn và thứ ba là tác động của xã hội.

Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019, Điều 44 đã quy định rất rõ, việc thăng hạng có thể thực hiện theo hai hình thức là thi hoặc xét và cũng đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Thứ hai, tại Khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức năm 2010 có quy định việc bổ nhiệm vào ngạch viên chức cao hơn có thể thông qua hình thức thi hoặc xét. Như vậy, về mặt cơ sở pháp lý, Quốc hội đã cho phép việc nâng hạng hoặc nâng ngạch công chức sẽ được thực hiện theo hai hình thức thi hoặc xét. Việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

CẬP NHẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 - Ảnh 2.

Ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ, nói về việc xét tuyển chức danh nghề nghiệp thay vì tổ chức thi.

Vấn đề thứ hai là cơ sở thực tiễn. Việc thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã được thực hiện từ khi có Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26/2/1998 đến nay. Trong quá trình tổ chức thi, chúng tôi thấy có một số khó khăn như sau: Thứ nhất, theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành, đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi nhưng hiện nay các bộ, ngành chưa ban hành thông tư. Mới có một vài bộ, còn một số bộ chưa ban hành thông tư. Viên chức tập trung chủ yếu ở ngành giáo dục, y tế, khoa học công nghệ là những ngành chưa ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi, do vậy rất khó để tiến hành tổ chức thi.

Thứ hai là việc chưa quy định được nội dung thi, thi chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm cũng như công việc của viên chức. Chính vì vậy, thi còn hình thức và không phản ánh được thực chất của việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức qua thi đánh giá.

Thứ ba, viên chức được quy định vị trí việc làm chưa rõ ràng, mà số lượng viên chức rất lớn, khoảng gần 2 triệu viên chức trong cả nước. Việc tổ chức thi hằng năm rất khó, số lượng tổ chức thi được rất ít. Do vậy, những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện xếp hàng dài chưa được thi, ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao trình độ, quyền lợi chính đáng của đội ngũ viên chức, đặc biệt là giáo viên. 

"Vấn đề khó nữa là trong việc thi có tiêu chuẩn điều kiện là phải có chứng chỉ chuyên ngành, ví dụ phóng viên báo chí muốn thi nâng ngạch báo chí phải có chứng chỉ chuyên ngành báo chí; tương tự, bác sĩ cũng vậy. Nếu chúng ta chưa tổ chức được việc học những lớp này thì chưa có chứng chỉ và chưa đủ điều kiện dự thi. Đây là rào cản, hạn chế trong quá trình thi", ông Vũ Đăng Minh nói.

Vấn đề thứ ba, quá trình thi rất tốn kém, phải chi phí rất nhiều cho ban tổ chức thi, thí sinh cũng phải bỏ thời gian ôn thi, đi lại tốn kém và chi phí xã hội rất lớn. Nếu bỏ việc thi sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội và đặc biệt hạn chế, giảm được thủ tục hành chính.

"Hướng đề xuất để giải quyết việc thi, chúng tôi đã tiến hành lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Kết quả đến nay có 94/95 bộ, ngành, địa phương cũng như các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi thăng hạng viên chức. 

Nếu chúng ta bỏ thi sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập như tôi vừa trình bày ở trên. Vấn đề nữa là giảm được áp lực cho chính đội ngũ công chức, viên chức. Cái cuối cùng quan trọng nhất là thi hay xét đều nhằm nâng trình độ công chức, viên chức, nếu đáp ứng được trình độ năng lực thì được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức cao hơn. Việc thi lại không sát thực tiễn, do vậy nếu chúng ta tổ chức sát hạch trực tiếp thì sẽ biết được và trình độ năng lực phải được tích lũy qua quá trình thực thi công vụ. Nếu chúng ta tổ chức xét thì sẽ giải quyết được việc đánh giá đúng người đúng việc và trình độ năng lực thế nào để làm được việc đó", ông Vũ Đăng Minh bày tỏ.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ