• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấm lòng “quán cơm tình người” giữa lòng TP Huế

Thời sự 08/04/2017 11:15

(Tổ Quốc) - Chứng kiến những người lao động nghèo mua cơm hộp nhưng chỉ dám ăn một nửa còn một nửa để dành cho bữa tiếp theo, Ngô Qúy Nho – Chủ nhiệm Hội từ thiện HFB không khỏi trăn trở. Chàng trai trẻ quyết tâm mở một quán cơm xã hội thật “đặc biệt” chỉ dành riêng cho những người lao động nghèo. 

Quán cơm tình người

Dù chưa đến 11 giờ nhưng từ ngoài cổng quán cơm “Hạt gạo từ tâm 5000 đồng” (số 22 Mang Cá, TP Huế)  đã chật cứng khách đứng xếp hàng đợi mua phiếu ăn. Khách đến với quán là bác xích lô mồ hôi còn nhễ nhại, là cụ bà lom khom bên khay kẹo dạo, cô nhặt ve chai lỡ bữa giữa đường, hay cháu bé rong ruổi cả buổi sáng vẫn chưa bán được tờ vé số nào,… Tuy làm nhiều nghề khác nhau nhưng họ đều là những lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn và là thực khách thân thiết của quán cơm này bấy lâu nay.

Được biết, “Hạt gạo từ tâm 5000 đồng” là quán cơm xã hội được thành lập và duy trì hoạt động bởi các bạn trẻ đến từ Hội từ thiện “Hearts for bridging (HFB) – Kết nối những trái tim”. Hội từ thiện HFB hiện tại có khoảng 150 bạn trẻ tình nguyện viên, phần đông trong đó là các bạn sinh viên đang sinh sống học tập trên địa bàn Thừa Thiên – Huế. Trung bình mỗi tháng, quán cơm xã hội này hỗ trợ gần 5000 suất cơm giá rẻ cho người lao động nghèo và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Huế.

Cứ đến 11h hàng ngày, quán cơm “Hạt gạo từ tâm 5000 đồng” lại có đông thực khách là những người lao động nghèo.

Ngoài hỗ trợ bán cơm giá rẻ, quán cơm xã hội còn có nhiều hoạt động đi kèm như: Ngày hạnh phúc vào mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng với cơm chay 2000 đồng/suất; Ngày vui vẻ 1 tháng/lần với những món ăn đặc sản 3 miền cho người nghèo; Mỳ gói 1000 đồng/suất vào mồng 1 và 15 dương lịch hàng tháng; Gian hàng 2000 đồng với nhiều quần áo, đồ dùng dành cho người nghèo; Cắt tóc, sửa xe đạp miễn phí ngay tại quán cho xe ai bị hư hỏng,.. Sự ra đời của quán cơm đầy tình người đã giúp nhiều lao động nghèo vơi đi phần nào vất vả và cảm thấy ấm lòng hơn trong những ngày nhọc nhằn mưu sinh.

Là khách hàng gắn bó với quán cơm lâu nay, bà Đặng Thị Cúc (62 tuổi, làm nghề bán vé số) xúc động: “Với những người lao động nghèo như chúng tôi, hôm nào không bán được thì việc lót dạ tạm thứ gì đó hay nhịn luôn cho qua bữa đã là chuyện thường ngày. Từ khi có quán cơm, chỉ với 5000 đồng không ai còn phải nhịn ăn qua bữa nữa. Các cháu tình nguyện trong quán rất tốt, cảm ơn quán cơm “Hạt gạo từ tâm 5000 đồng” và những tấm lòng đã quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi”.

Cơm cho người nghèo tuy 5000 đồng/suất nhưng luôn sạch, an toàn và đầy đủ dinh dưỡng để người nghèo đủ sức cho hành trình mưu sinh trong cuộc sống.

Địa chỉ của người nghèo ở Huế

Đến bây giờ khi nhắc đến việc mở được quán cơm phục vụ cho người lao động nghèo, anh Ngô Qúy Nho (27 tuổi – Chủ nhiệm Hội từ thiện HFB) cho biết, mình vẫn cứ ngỡ như là một giấc mơ. Anh chia sẻ: “Người lao động nghèo công việc vất vả nhưng thu nhập thường không đủ để trang trải cuộc sống. Đến bữa ăn hằng ngày cũng là một nỗi lo thường trực. Mình từng chứng kiến nhiều cô nhặt ve chai mua cơm hộp nhưng chỉ dám ăn một nửa, một nửa để phần cho bữa tiếp theo. Hình ảnh đó khiến mình trăn trở rất nhiều. Nó thôi thúc mình phải làm thế nào đó mở bằng được một quán cơm xã hội nhằm góp một phần giúp đỡ những người còn khó khăn”.

Bằng sự quyết tâm cùng với tấm lòng thiện nguyện, đầu tháng 4/2016, quán cơm “Hạt gạo từ tâm 5000 đồng” của Hội từ thiện HFB đã ra đời trong niềm vui của Ngô Qúy Nho và mọi người. Ban đầu quán chỉ mở 3 buổi/tuần, đến nay nhờ được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân mà quán mở rộng và phục vụ cho người nghèo từ 11 giờ đến 12 giờ 30 tất cả các ngày trong cả tuần (trừ ngày chủ nhật).

Nụ cười hạnh phúc của bà Đặng Thị Cúc (62 tuổi, bán vé số) tại quán cơm dành cho người lao động nghèo.

Chia sẻ về những khó khăn, Ngô Qúy Nho cho biết điều làm anh và các thành viên lo nghĩ nhiều nhất khi mở quán là vấn đề tâm lý của những người nghèo. “Đối tượng mà quán cơm hướng đến là những người nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, người nghèo họ cũng rất mặc cảm khi ngồi ăn thường xuyên ở các quán cơm từ thiện. Làm sao để mọi người khi đến với quán luôn vui vẻ, thoải mái, không cảm thấy mặc cảm hay xấu hổ mới là điều cần quan tâm. Từ suy nghĩ đó, quán cơm hoạt động trên tinh thần trợ giá, có nghĩa là bán ra với giá rẻ nhất có -thể nhằm san sẻ một phần khó khăn với người lao động nghèo. Với cách làm này, mọi người sẽ thoải mái hơn khi ghé quán dùng bữa”, thủ lĩnh Hội từ thiện HFB cho biết.

Để tìm hiểu rõ hơn, Ngô Qúy Nho đã tự mình lặn lội từ Thừa Thiên – Huế vào Đà Nẵng rồi TP. Hồ Chí Minh để học hỏi kinh nghiệm của nhiều quán cơm từ thiện khác, mong tìm ra cách làm tốt nhất. Việc chọn địa điểm mở quán, chọn nơi mua thực phẩm sao cho an đảm bảo an toàn cũng được hội khảo sát, lựa chọn cẩn thận. Cuối cùng, khu vực gần đường Mang Cá, TP Huế vốn nổi tiếng là “thủ phủ ve chai” với 9 điểm tập kết thu mua lớn, tập trung nhiều lao động nghèo đã được hội chọn làm nơi đầu tiên mở ra quán cơm đặc biệt này.

Anh Ngô Qúy Nho (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng những vị khách đặc biệt của mình tại quán cơm “Hạt gạo từ tâm 5000 đồng".

Thành quả được đền đáp xứng đáng là quán cơm hiện tại hôm nào cũng đông khách, không những vậy quán còn may mắn được các nhà hảo tâm tin tưởng ủng hộ. Người có gạo ủng hộ gạo, người có dầu ăn thì ủng hộ dầu ăn,.. Các sư ở chùa còn ủng hộ cả trái cây, cà chua,..

“Để có được những vị khách đặc biệt, luôn tin tưởng và yêu thương quán cơm “Hạt gạo từ tâm 5000 đồng” như ngày hôm nay quả thật không đơn giản. Nhiều người nghe tiếng cũng tìm đến xin được tình nguyện phục vụ. Hạnh phúc nhất là khi ngày càng có nhiều người nghèo được giúp đỡ, cơm và thức ăn luôn được mọi người ủng hộ khen ngon”, Ngô Qúy Nho chia sẻ.

Các tình nguyện viên của Hội tình nguyện viên HFB đang chuẩn bị cơm cho người lao động nghèo

Được biết, quỹ để duy trì các hoạt động của quán cơm đều là đóng góp từ khoản tiền lương ít ỏi của một số thành viên trụ cột. Bên cạnh đó là kêu gọi từ sự đóng góp hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức hảo tâm. Chưa kể đến các hoạt động thiện nguyện khác, chỉ riêng số tiền để hỗ trợ cơm giá rẻ cho người lao động nghèo lên đến 30 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền không hề nhỏ.

“Ước muốn của mình từ lâu là có thể mở thêm thật nhiều quán cơm như thế này để nhiều người nghèo được hỗ trợ. Nhưng lực lượng của hội hiện tại còn khá mỏng và kinh phí còn hạn hẹp nên để làm được điều này quả thật không dễ. Trước mắt, mình sẽ tìm hiểu để mở thêm một quán cơm 5000 đồng nữa để phục vụ cho những người lao động nghèo ở phía bờ Nam TP Huế”, Ngô Quy Nho trăn trở.

Đ.Hoàng - T.Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ