(Tổ Quốc) - Năm 2015 đến 12/2019, Thanh tra Sở VHTTDL An Giang đã phối hợp tổ chức kiểm tra 2.043 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; Phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 114 cơ sở, làm cam kết không tái phạm 109 cơ sở, đình chỉ 03 cơ sở ngưng hoạt động vì không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Những năm qua, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về văn hóa đã tạo điều kiện, mở rộng giao lưu văn hóa, lễ hội giữa các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở trong nước, lĩnh vực văn hóa, lễ hội tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng, hiện đại và văn minh; hàng nghìn lễ hội trong một năm tạo nên môi trường hấp dẫn thu hút khách du lịch, thúc đẩy nhiều ngành dịch vụ phát triển. Việc khai thác văn hóa lễ hội được chú ý đến các yếu tố đặc thù, tạo thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy các lễ hội văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Đối với An Giang là tỉnh nông nghiệp, dân số khoảng 2 triệu người, có 04 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống lâu đời gồm: Kinh, Khơ-me, Chăm, Hoa. Năm năm qua, kinh tế - xã hội trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các mặt. Toàn tỉnh hiện có khoảng 85 lễ hội truyền thống với nhiều loại hình lễ hội phong phú, đa dạng. Bên cạnh các ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc, An Giang có các lễ hội quy mô lớn như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, Lễ hội Đua bò Bảy Núi, được đầu tư tổ chức công phu, kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiêng của lễ và không khí sôi động của phần hội với các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống và hiện đại. Lễ hội truyền thống lịch sử cách mạng tiêu biểu có: Lễ hội Đức cố quản Trần văn Thành (Châu Phú); Lễ hội đình thần Thoại Ngọc Hầu (Thoại Sơn); Lễ giỗ cụ Đoàn Minh Thuyên (Phật Thầy Tây An); Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Bàu Mướp (Tịnh Biên); nhìn chung các lễ hội luôn được quan tâm nâng chất, góp phần hình thành nếp nghĩ, nếp sống có văn hóa, vừa xây dựng những tập quá mới phù hợp, vừa tưởng nhớ danh thần có công với nước…
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer và Chăm (được tổ chức 02 năm một lần) nhằm quảng bá, phát triển du lịch, giới thiệu sản phẩm của địa phương đến du khách trong và ngoài tỉnh. Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc, tôn giáo có tết Roya Haji, Tháng Rammadan của đồng bào Chăm, tết Sene Donta, Chol Thnam Thmay của đồng bào Khmer, lễ Giáng sinh của đồng bào đạo Công giáo, Đại lễ khai sáng đạo Phật giáo Hòa hảo…góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh lành mạnh trong nhân dân.
Bên cạnh điều kiện thuận lợi, công tác quản lý, tổ chức lễ hội cũng bị tác động từ nền kinh tế thị trường, nhu cầu giới thiệu, quảng bá hàng hóa thông qua các lễ hội, dẫn đến tần suất lễ hội ngày càng nhiều; vấn đề lợi ích kinh tế đang có xu hướng lấn át giá trị văn hóa làm ảnh hưởng tới việc bảo tồn các lễ hội văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị mai một. Một bộ phận người dân nhận thức kém về tín ngưỡng, sùng bái thần linh đến mức thái quá; ý thức bảo vệ môi trường tại các lễ hội chưa cao; tình trạng chen lấn đông người, ùn tắc giao thông trong dịp lễ hội đầu năm còn tiếp diễn; hạ tầng giao thông kết nối vào các khu, điểm tổ chức các lễ hội vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân…
Bối cảnh trên vừa có mặt thuận lợi vừa có những khó khăn thách thức đặt ra đối với công tác lãnh đạo, quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh. Quán triệt Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư, các cấp ủy, chính quyền tỉnh An Giang đã thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội, kết quả thể hiện trên lĩnh vực thanh tra thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm lễ hội như sau:
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch An Giang thường xuyên chỉ đạo hệ thống Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa như karaoke, tụ điểm hát với nhau, dịch vụ internet trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, đặc biệt quan tâm đến các khu vực diễn ra các lễ hội, đình, chùa, di tích tại các địa phương.
Hàng năm, Thanh tra Sở đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức lễ hội, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ văn hóa, các hoạt động tham gia lễ hội của người dân; đặc biệt trong thời gian trước, trong và sau dịp Tết. Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện quy định về đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội, về trách nhiệm của đơn vị tổ chức lễ hội, của Ban Tổ chức lễ hội quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và kiên quyết xử lý các vi phạm trong tổ chức và hoạt động lễ hội.
Kết quả, năm 2015 đến 12/2019, Thanh tra sở phối hợp tổ chức kiểm tra 2.043 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 114 cơ sở, làm cam kết không tái phạm 109 cơ sở, đình chỉ 03 cơ sở ngưng hoạt động vì không đảm bảo điều kiện hoạt động, yêu cầu 49 cơ sở phải tiến hành các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động; nhắc nhở 1.768 cơ sở; buộc tiêu hủy 219 đĩa không dán nhãn kiểm soát; buộc tháo dỡ 98 pano vi phạm với nội dung không ghi rõ tên, địa chỉ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mỗi bảng quảng cáo; không thông báo về nội dung quảng cáo trên bảng đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 114 cơ sở.