(Tổ Quốc) - Nâng cao ý thức thực hiện các quy định của Luật Điện ảnh; Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; Đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là những thông tin văn hóa tiêu biểu tại tỉnh An Giang.
Nâng cao ý thức thực hiện các quy định của Luật Điện ảnh
Trong thời gian qua, tỉnh An Giang đã thực thi hiệu quả và đầy đủ Luật Điện ảnh, góp phần quan trọng đưa các nội dung của Luật vào thực tiễn cuộc sống.
Cụ thể, việc thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh được triển khai lồng ghép trong chương trình phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Bên cạnh đó, UBND tỉnh An Giang cũng ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 17/5/2018 về việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn với nội dung chủ yếu lựa chọn các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, có lợi thế và hướng phát triển như quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa…
Nhằm phục vụ các nhiệm vụ chính trị, riêng năm 2019, tỉnh đã tổ chức chiếu 101 suất phim phục vụ nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tại các huyện, thị, thành phố nhân các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và các sự kiện chính trị của địa phương như: Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2019); Mừng Xuân Kỷ Hợi năm 2019; Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959 - 03/3/2019) và 30 năm ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989 - 03/3/2019); Kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam - thống nhất đất nước; Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 72 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019); kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019) và kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người (02/9/1969 – 2/9/2019); kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam...
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao có những bước phát triển đáng ghi nhận
Thực hiện Quyết định 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030", hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh An Giang đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Các hệ thống thiết chế văn hóa thể thao từ cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn đã từng bước được đầu tư xây dựng với hoạt động bám sát các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Để phát huy hiệu quả hoạt động, trong những năm qua Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh luôn quan tâm đến công tác huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; chỉ đạo Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh và Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ và lực lượng phong trào ở cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Chính vì vậy, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở nhiều địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung đang từng bước được nâng lên rõ rệt.
Kết quả, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư từ năm 2013 đến cuối năm 2019 gồm: 01 Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh; 93 Nhà Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, phường, thị trấn; 08 Trung tâm Văn hóa, Thể thao; 02 Trung tâm VHTTDL, 01 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền Thanh cấp huyện. Ngoài ra còn có nhiều sân vận động có khán đài, sân điền kinh, sân bóng đá, nhà tập luyện, thi đấu đa năng, hồ bơi và sân tập luyện các môn thể thao khác…
Đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, UBND tỉnh An Giang đã xây dựng Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 16/4/2018. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ban ngành và các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân trong việc thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành triển khai thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn và đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vào tiêu chuẩn, tiêu chí để xét, công nhận các danh hiệu văn hóa như: gia đình văn hóa, khóm-ấp văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa…
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, đã làm chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của nhân dân, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên đa số đều đồng tình hưởng ứng.
Kết quả, việc cưới đều được tổ chức trang trọng, vui tươi, văn minh, lành mạnh, tiết kiệm tiền bạc và thời gian, không phô trương hình thức, lãng phí, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của từng dân tộc trên địa bàn tỉnh. Người dân từng bước đã chấp nhận, tiếp thu những cái mới, tệ tảo hôn, thách cưới, môn đăng hộ đối phần lớn đã được hạn chế; đơn giản hóa về thủ tục (nghi lễ cưới hỏi cũng đã được giảm bớt), quy mô phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của gia đình, địa phương và sự tiến bộ chung của xã hội. Những nghi lễ chính như chạm ngõ, lễ hỏi, rước dâu được tổ chức đơn giản, nội dung gọn nhẹ, trang phục của cô dâu, chú rể lịch sự và giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc; việc cưới được nhân dân tuân thủ pháp luật Nhà nước, Luật Hôn nhân và Gia đình (đăng ký kết hôn, không ép buộc...), chấp hành luật lệ giao thông, sử dụng âm thanh không gây ồn trong cộng đồng dân cư, giữ gìn an ninh, trật tự công cộng trong đưa đón dâu, việc đãi tiệc, ăn uống linh đình đã giảm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không kéo dài thời gian, khách mời chủ yếu là họ hàng, người thân...
Trong cộng đồng người dân tộc Khmer hầu hết đã xóa bỏ được tập tục tổ chức đám cưới kéo dài nhiều ngày, gây tốn kém. Tổ chức đoàn thể đã hình thành những câu lạc bộ thanh niên sinh hoạt tìm hiểu về Luật Hôn nhân và Gia đình; đoàn thanh niên xã, ấp tuyên truyền, vận động các đôi bạn trẻ tổ chức đám cưới đơn giản, tiết kiệm với sự hỗ trợ các hoạt động văn nghệ vui tươi và lành mạnh. Tình trạng lợi dụng tổ chức đám cưới để vụ lợi, nhiều hủ tục, nghi thức rườm rà đã giảm rõ rệt. Đám cưới của cán bộ, đảng viên mời khách có chọn lọc, không mời vào giờ làm việc, không sử dụng công quỹ cơ quan làm quà mừng... ; các khóm, ấp lập sổ ghi chép tổ chức việc cưới văn minh, tiết kiệm… để làm cơ sở cho việc bình xét gia đình văn hóa hàng năm.
Việc tang lễ ở các địa phương đã có chuyển biến tích cực, được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo lý của dân tộc và quy định của pháp luật. Các nghi lễ tang chế truyền thống như 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, cải táng được tổ chức gọn trong nội bộ gia đình, họ tộc, người thân; tang phục đơn giản và bài trí theo phong tục truyền thống của từng dân tộc và tôn giáo; ăn uống trong việc tang được giản tiện, tiết kiệm, gọn nhẹ, không kéo dài nhiều ngày ảnh hưởng đến hàng xóm; nhiều đám tang đã sử dụng băng đĩa nhạc tang thay cho đội nhạc tang (giảm bớt việc sử dụng dàn nhạc, trống kèn, đờn ca) và không cử nhạc tang sau 22 giờ và trước 5 giờ sáng.
Việc thăm viếng, phúng điếu diễn ra nghiêm túc. Việc mai táng có xu hướng nhanh gọn, đảm bảo thời gian và xây mộ một cách đơn giản không xây lăng mộ quy mô (hiện nay nhiều gia đình khi có tang lễ thì chọn hình thức hỏa táng tại nhà hỏa táng); một số địa phương đã có đầu tư xây dựng nhà hỏa táng (thành phố Long Xuyên), quy hoạch, xây dựng khu nghĩa trang riêng (thành phố Long Xuyên) xa khu dân cư, nguồn nước, để đảm bảo việc chôn cất tập trung và vệ sinh môi trường. Các hủ tục như khóc mướn, bắt tà, trừ ma, chống gậy đi lùi, đi chân đất, lăn đường, đốt vàng mã, rải tiền vàng mã trên đường đưa tang, tệ mê tín dị đoan... đã giảm đáng kể và tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông khi đưa tang.