(Tổ Quốc) - Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở VHTTDL An Giang đã chủ động triển khai kịp thời nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Ngay sau khi Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo đi sát với đặc điểm, điều kiện của tỉnh.
Theo báo cáo tổng kết năm 2021 trên lĩnh vực du lịch, hiện An Giang có 99 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 06 khách sạn 3 sao, 07 khách sạn 2 sao, 24 khách sạn 1 sao); 13 công ty lữ hành (01 công ty lữ hành nội địa, 12 công ty lữ hành quốc tế); 01 công ty vận chuyển đường bộ; 01 công ty vận chuyển đường thủy; 16 địa điểm tham quan (trong đó có 05 khu, điểm được công nhận gồm 01 khu du lịch quốc gia, 01 khu du lịch cấp tỉnh và 03 điểm du lịch).
Ước thực hiện năm 2021, An Giang đón khoảng 3,5 triệu lượt khách (giảm 46% so với cùng kỳ, ước đạt 50% so với kế hoạch). Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn đạt chuẩn là 162 nghìn lượt (giảm 46% so với cùng kỳ, ước đạt 41% so với kế hoạch); lượt khách lưu trú tại các nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt 238 nghìn lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.300 tỷ đồng (giảm 43% so với cùng kỳ, ước đạt 53% so với kế hoạch).
Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở VHTTDL An Giang đã chủ động triển khai kịp thời nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời thực hiện công tác quảng bá, kích cầu du lịch nhằm góp phần khắc phục thiệt hại, từng bước khôi phục và phát triển hoạt động ngành Du lịch An Giang. Năm 2021, Sở đã triển khai hỗ trợ 29 Hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí là 107.590.000đ; phối hợp với các ngành chức năng triển khai hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; hỗ trợ giảm mức thu phí đối với một số khoản phí, lệ phí lĩnh vực lữ hành và hướng dẫn viên du lịch; tổ chức cuộc thi Giới thiệu Ẩm thực An Giang năm 2021 với chủ đề "Ẩm thực An Giang - Độc đáo và hấp dẫn"; thực hiện Ấn phẩm "Sổ tay hướng dẫn thủ tục hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang" tuyên truyền chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch tỉnh An Giang.
Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến, Thương mại và Đầu tư tổ chức thành công các sự kiện: "Sản phẩm OCOP đồng hành cùng người tiêu dùng An Giang" năm 2021 tại thành phố Long Xuyên và "Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh thành năm 2021" tại thành phố Châu Đốc.
Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức 15 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch bằng hình thức trực tuyến cho 631 học viên, cụ thể: 02 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước về du lịch thông minh; 06 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước về du lịch cho cán bộ cấp xã; 02 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng phát triển du lịch nông nghiệp; 02 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch hậu Covid 19; 02 lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về ứng phó với sự cố thiên tai, dịch bệnh cho doanh nghiệp du lịch và 01 lớp tập huấn về kỹ năng ứng xử và giao tiếp xã hội.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Du lịch đã chủ động triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, người lao động đến các khu – điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý nhà nước, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động du lịch được tăng cường và điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, tạo tiền đề sớm khôi phục và phát triển hoạt động du lịch An Giang trong thời gian tới.
Theo Sở VHTTDL An Giang, đến năm 2025, An Giang phấn đấu đón 10 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú chiếm 30%. Ngành du lịch An Giang cũng phấn đấu doanh thu từ hoạt động du lịch giai đoạn 2021-2025 đạt 27.800 tỷ đồng. Trong đó, năm 2025, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, ngành du lịch An Giang tiếp tục cải thiện chất lượng cơ sơ lưu trú, lữ hành và thành lập các khu, điểm du lịch địa phương và hướng đến hình thành các khu, điểm du lịch cấp quốc gia.
Tỉnh cũng hỗ trợ các khu, điểm du lịch nâng cao chất lượng môi trường du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua đầu tư đồng bộ hệ thống nhà vệ sinh đúng quy chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch, nhất là tại hai trung tâm: thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc. Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, trong đó tập trung phát triển: Khu du lịch Núi Sam, Núi Cấm, Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và khu du lịch Núi Sập - Óc Eo theo hướng phát triển bền vững song song với việc vận động doanh nghiệp du lịch, khách du lịch và cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường du lịch. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cộng đồng địa phương khai thác các tour tuyến du lịch mới.