• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Ăn không từ thứ gì, bán không từ thứ gì”

Thời sự 26/07/2016 00:07

(Tổ Quốc) -Sáng 25/7, thảo luận về chương trình giám sát năm 2017 của Quốc hội, nhiều ĐBQH đã đề nghị giám sát mạnh mẽ về môi trường.

Theo Đại biểu Bùi Việt Phương, đoàn Ninh Bình, tại sao bộ máy của chúng ta đầy đủ từ trung ương tới từng thôn xóm nhưng mọi chuyện lại vẫn xảy ra. Từ môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn, hàng giả tràn lan… Nguyên nhân chủ yếu là cán bộ của chúng ta không làm tròn trách nhiệm.

“Cán bộ vẫn là gốc rễ vấn đề. Nhiều người bảo năng lực kém nhưng cử tri cho rằng năng lực cán bộ ta không hề kém, họ biết cả nhưng có lợi ích chi phối nên họ mới làm ngơ đi cho xả thải chất độc ra môi trường, hàng gian hàng giả…” – ông Phương bày tỏ.

Do vậy, theo ông Phương cần tập trung vào giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, “trước đây có câu cán bộ ăn không từ một cái gì, thì giờ đây, họ bán cũng không từ một cái gì”.

Ông Phương cho rằng, cần quy trách nhiệm cá nhân, nếu không cứ đổ loanh quanh khi xảy ra chuyện. Chính phủ lần này cũng đang ưu tiên xây dựng một Chính phủ liêm chính.

Đại biểu Đoàn TP HCM Trương Trọng Nghĩa mong mỏi Quốc hội giám sát Formosa. Ảnh: Nam Nguyễn

Trong khi đó, đại biểu TP HCM Trương Trọng Nghĩa cho hay, “sự cố môi trường ở Formosa làm cho một bộ phận lớn cử tri rất băn khoăn bức xúc, họ gặp tôi, kiến nghị Quốc hội phải có hành động”.

Tuy vậy, ông Nghĩa tìm mãi không thấy cụm từ môi trường trong chương trình giám sát của Quốc hội.

“Tôi biết Chính phủ vào cuộc, đang tiếp tục xử lý công việc của mình. Nhưng Chính phủ làm việc của Chính phủ, Quốc hội làm việc của Quốc hội. Vậy mà đến nay chưa thấy các đại biểu Quốc hội có hành động gì về vụ Formosa, nhất là các đại biểu miền Trung”- ông Nghĩa nói.

Đồng thời ông Nghĩa cho rằng, sự nhập cuộc của Quốc hội sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Chính phủ chứ không có vấn đề gì vướng mắc.

“Tôi đề nghị nếu các dự án đầu tư tư nhân có tác động lớn về an ninh, quốc phòng, môi trường thì Quốc hội phải giám sát mức độ nào đó. Cùng sát cánh với Chính phủ để biết được dự án đó, vấn đề đó sẽ tác động và dẫn xã hội tới cái đích nào. Tránh lặp lại những vấn đề như vừa qua" - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo tờ trình, dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017 sẽ tập trung vào hai trong bốn vấn đề:

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016  (giao Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội giúp về nội dung giám sát).

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 (giao Ủy ban Pháp luật giúp chủ trì về nội dung giám sát) .

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP)  (giao Uỷ ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung giám sát).

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh  (giao Uỷ ban Quốc phòng và an ninh giúp chủ trì về nội dung giám sát)./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ