(Tổ Quốc) - Không chỉ là thuốc chống già cho chị em phụ nữ, ăn na đúng cách còn giúp bạn bồi bổ, đặc biệt là có khả năng chữa nhiều bệnh...
Vào thời điểm trời chuyển mùa sang thu, những trái na cũng đến mùa "bội thu". Hương vị thơm ngọt đặc trưng của loại quả này khiến nhiều người không khỏi vương vấn. Ăn na chính vụ không chỉ cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào mà còn giảm tối đa nguy cơ ăn phải loại bị phun thuốc, gây hại sức khỏe.
Nhưng na không chỉ là món quả tráng miệng hấp dẫn. Nó còn được Đông y sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, y học hiện đại cũng rất ưu ái loại quả này vì giá trị dinh dưỡng cao.
Cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) sẽ chỉ ra những công dụng tuyệt vời của quả na, bên cạnh giá trị dinh dưỡng, na còn có thể được làm thuốc chữa bệnh rất hay. Ngoài ra, bạn cũng biết được những lưu ý quan trọng khi ăn loại quả này, tránh hại sức khỏe.
PV: Được biết quả na không chỉ là loại quả ăn tráng miệng, Đông y còn dùng để làm thuốc chữa bệnh. Chuyên gia nhận định thế nào?
Lương y Bùi Hồng Minh: Quả na hay còn gọi là mãng cầu ta, mãng cầu dai/giai, sa lê, phan lệ chi, có nguồn gốc ở vùng châu Mỹ nhiệt đới. Cây na cao cỡ 2- 5m, lá mọc xen ở hai hàng, hoa xanh, quả tròn có nhiều múi (hoặc nhiều người quen gọi là mắt), thịt quả trắng. Hạt na màu đen, có vỏ cứng, chứa độc tố, có tính làm bỏng da và có thể trừ sâu bọ, chấy rận.
Nói về vai trò làm thuốc chữa bệnh trong Đông y, quả na cũng không hề kém cạnh. Trong Đông y, quả na có vị ngọt, hơi chua, tính ấm, có tác dụng hạ khí tiêu đờm, chữa lỵ... Na chín thơm mềm thì vô cùng bổ dưỡng, được Đông y coi là thuốc bổ thượng hạng cho người cao tuổi, người mới ốm dậy, phụ nữ sau sinh...
PV: Vậy trong y học hiện đại, quả na được ghi nhận những giá trị dinh dưỡng cụ thể như thế nào thưa chuyên gia?
Lương y Bùi Hồng Minh: Y học hiện đại cũng cho thấy, quả na rất giàu canxi, magie, sắt, niacin và kali, giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, giúp loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể.
Nhờ giàu vitamin A, quả na là thực phẩm siêu tốt cho người muốn có làn da, mái tóc khỏe đẹp và thị lực cũng tốt hơn vì đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ẩm và chống lão hóa. Các lớp vỏ bên ngoài của quả na rất hữu ích trong việc chống lại sâu răng, đau răng. Có thể nói, ăn na đem lại vô vàn công dụng cho nhan sắc và sức khỏe.
PV: Trong Đông y có những bài thuốc chữa bệnh, dưỡng nhan nào từ quả na? Xin chuyên gia tiết lộ cụ thể cho chị em phụ nữ cùng tận dụng?
Lương y Bùi Hồng Minh: Công dụng của quả na không chỉ khi cho trái chín thơm ngon. Quả na chín được dùng với tác dụng bồi bổ cơ thể, rất tốt cho người cao tuổi, người mới ốm dậy và phụ nữ sau sinh. Trong khi đó, quả na điếc (quả na đang lớn bị một loài nấm làm hỏng, khô xác, có màu nâu đỏ tím) dùng trị mụn nhọt ở vú, chữa ho, viêm họng... Tôi xin đưa ra một số bài thuốc dễ áp dụng từ quả na được ghi nhận trong sách cho mọi người tham khảo:
- Chữa ho, viêm họng: Na điếc 50g, sinh địa 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, lá bạc hà 50g, cam thảo dây 25g, lá chanh 25g, lá táo 25g. Tất cả đem phơi khô, quả na điếc đem đốt tồn tính, giã nhỏ, rây thành bột mịn, sau đó đem trộn với 150g đường trắng nấu thành siro, sau đó viên thành viên. Người lớn ngày 6-8 viên, chia làm 2 lần; trẻ em tùy tuổi 3-6 viên. Dùng 3-5 ngày.
- Trừ chấy, rận: Giã nhỏ hạt na trộn với rượu hoặc giấm để vò đầu, xát vào chân tóc, sau đó bịt khăn lại, ủ trong 15 phút rồi gội đầu để trừ chấy. Bạn cũng có thể lấy hạt na giã nhỏ, lấy nước ngâm quần áo để diệt rận.
- Bong gân: Lá na 20g, quả đu đủ xanh 10g, vôi tôi 5g, muối ăn 5g, tất cả giã nát, hơ nóng, đắp vào vùng tổn thương. Ngày làm một lần.
- Mụn nhọt ở vú: Quả na điếc phơi thật khô, tán thành bột, hòa với giấm, đắp lên chỗ vú bị sưng, bôi nhiều lần trong ngày.
- Mụn nhọt sưng tấy: Lá na, lá bồ công anh, đem giã nát đắp lên vùng có mụn nhọt. Ngày đắp 3 lần.
- Tẩy giun đũa: Rễ na 30 - 50g, thái nhỏ, rửa sạch, sao qua đem sắc với 300ml nước còn 100ml, uống vào buổi sáng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.
- Đau nhức răng: Nếu bạn quá chán chường với việc uống kháng sinh để trị cơn đau răng thì hãy thử thay bằng hạt na. Hạt na đem giã nhỏ, ngâm rượu và ngậm, khi ngậm xong phải nhổ nước đi, không được nuốt vì hạt na có tính độc.
PV: Ngoài việc tránh nuốt hạt na dù khi ăn hay dùng làm thuốc chữa bệnh, dùng loại quả này còn cần lưu ý gì khác tránh tổn hại sức khỏe không thưa lương y?
Lương y Bùi Hồng Minh: Ở người có cơ địa nóng, ăn nhiều na sẽ bị nổi mụn trên mặt cũng như khắp cơ thể, gây nên táo bón khi ăn quá nhiều một lúc. Đối với người mắc tiểu đường, đặc biệt là phụ nữ mang thai có tiền sử bệnh tiểu đường thì không nên ăn nhiều na bởi trong na có hàm lượng đường tương đối cao.
Ngoài ra, quả na có nhiều vẩy trắng, nhiều vết nứt nẻ, ở các vết đó có dấu hiệu chảy nước thì tuyệt đối không nên ăn vì đây là ổ chứa của những loại giòi bọ nguy hiểm.
PV: Xin cảm ơn chuyên gia đã dành thời gian chia sẻ!