• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"An toàn nhưng tranh thủ từng giờ, từng phút để phát triển kinh tế"

Thời sự 10/04/2021 09:42

(Tổ Quốc) - "An toàn nhưng tranh thủ từng giờ từng phút để phát triển kinh tế. Bộ Y tế phải chuẩn bị những bước đi, giải pháp ứng phó dịch bệnh tốt nhất trong thời gian tới, trong đó nêu ra những việc cần phải làm rất cụ thể”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Chiều 9/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã chỉ đạo cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.

Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định mặc dù có vaccine, nhưng mấy ngày gần đây, trên thế giới đều ghi nhận hơn nửa triệu ca nhiễm mới, hơn 10.000 người tử vong mỗi ngày. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục tinh thần cảnh giác thật cao.

"An toàn nhưng tranh thủ từng giờ từng phút để phát triển kinh tế" - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Trong nước vẫn phải thực hiện thật nghiêm các giải pháp phòng dịch bệnh. Từng người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên Bản đồ chống dịch (antoancovid.vn). Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, tiến hành các biện pháp quản lý, đồng thời kết hợp phân bổ, ưu tiên tiêm vaccine cho khu vực này.

"Mặc dù quán triệt rất nhiều nhưng ngoài một số địa phương làm tốt thì cơ bản chưa ý thức hết, chưa làm tốt. Tới đây Ban Chỉ đạo phải trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc", Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong nước phải mở cửa cho kinh tế, du lịch phát triển, do đó, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh thì dứt khoát phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch khi có sự kiện tập trung đông người. Bộ Y tế sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, với các tiêu chí cụ thể, chi tiết, lúc nào đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…

Về vấn đề vaccine, Ban Chỉ đạo yêu cầu đối với những lô vaccine đã nhập về, Bộ Y tế tổ chức tiêm theo đúng đối tượng, theo dõi chặt chẽ, bảo đảm an toàn, không ồ ạt, vội vã nhưng phải khẩn trương. Đồng thời, Bộ Y tế báo cáo sớm Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ tình hình cụ thể đàm phán, tiến độ dự kiến các loại vaccine nhập về Việt Nam, tình hình tiếp xúc với các nguồn vaccine mới, dự kiến nguồn vaccine trong nước nếu điều kiện thuận lợi, hoặc không thuận lợi... Từ đó có phương án sát thực tế về tiến độ tiêm vaccine trong nước, làm cơ sở cho lộ trình thực hiện mở cửa, thực hiện "hộ chiếu vaccine".

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm, xem xét đầy đủ các loại sinh phẩm xét nghiệm, công nghệ xét nghiệm để có chiến lược xét nghiệm phù hợp với từng tình huống dịch bệnh cụ thể.

"Tinh thần là chúng ta tranh thủ tối đa công nghệ xét nghiệm mới, có các giải pháp tổng hợp để lập "lưới" sàng lọc tốt nhất, khi có mầm bệnh ở đâu là tập trung triển khai nhanh nhất, không được để bị động như trong đợt dịch vừa qua", Phó Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo thống nhất tinh thần "mục tiêu kép", đó là tranh thủ thời gian, bằng các giải pháp tổng lực để giữ an toàn nhưng đồng thời mở cửa và phát triển được.

Đây là cuộc chạy đua thời gian, chúng ta vừa dùng giải pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm vaccine trong nước, đồng thời kết hợp với các nước, phân theo nhóm nước, nhóm đối tượng để có phương án cách ly, xét nghiệm, giám sát phù hợp, bảo đảm an toàn nhưng tận dụng thời gian quý giá, cơ hội để phục vụ phát triển kinh tế.

"An toàn nhưng tranh thủ từng giờ từng phút để phát triển kinh tế" - Ảnh 2.

Ảnh: VGP

Cụ thể, nhóm đối tượng thứ nhất là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài, trong điều kiện đã tiêm vaccine thì về nước. Bộ Y tế cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể những người về từ nước nào thì có biện pháp cách ly, theo dõi y tế phù hợp, ở mức cần thiết, theo hướng an toàn. Trong đó cần tính đến cả những doanh nhân Việt Nam có nhu cầu ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.

Nhóm đối tượng thứ hai là những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh, tùy từng nước, điều kiện, đã tiêm loại vaccine nào thì sẽ phải quy định cụ thể về thời gian xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế.

Đối với nhóm đối tượng thứ ba là khách du lịch quốc tế, Bộ Y tế phối hợp với Bộ VHTTDL trình Ban Chỉ đạo phương án cụ thể lộ trình mở cửa du lịch. Hướng ban đầu là du khách từ các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng và nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng quản lý, kiểm soát được người vào đã an toàn, có quy định kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước./.


Hà Giang (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ