(Tổ Quốc) - Vào dịp tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thực phẩm của người dân tăng cao. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) các mặt hàng phục vụ Tết đang là vấn đề cần quan tâm hàng đầu của cơ quan chức năng và người tiêu dùng.
Hiện, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại hàng hóa, thực phẩm như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, hoa quả… phục vụ tết với nhiều mẫu mã, nơi sản xuất nên công tác đảm bảo ATTP khó có thể kiểm soát chặt chẽ. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ một cách “vô tội vạ”, quá liều lượng Bộ Y tế cho phép có thể gây ngộ độc và đặc biệt ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe và có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư.
Trước thực trạng này, để đảm bảo ATTP tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, Ban Chỉ đạo liên ngành của các cơ quan chứ năng trên cả nước đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện điều kiện cơ sở kiến thức sức khỏe của người dân trực tiếp chế biến thực phẩm, vệ sinh ATTP trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm, góp phần vào giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.
Các bà nội trợ hãy trang bị những kiến thức ATTP để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình. |
Cùng với hoạt động tích cực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng (NTD) cũng cần trang bị những kiến thức ATTP để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình. Đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cần thực hiện các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh; các quy định về áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch; các quy định về chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, lưu hành sản phẩm, quảng cáo sản phẩm thực phẩm; quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về sinh an toàn thực phẩm , quy định về khám sức khỏe cho người trực tiếp chế biến thực phẩm, xác nhận kiến thức vệ sinh ATTP…
Chọn thực phẩm sạch, cách nào?
Vệ sinh ATTP ngày Tết hiện đang là vấn đề được các bà nội trợ quan tâm hàng đầu do tình hình thực phẩm bẩn đang ngày càng phức tạp và tinh vi, những thực phẩm độc hại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mỗi gia đình. Vì vậy, các bà nội trợ cần quan tâm đến cách chọn thực phẩm sạch để không mắc nguy cơ ngộ độc thực phẩm hay các bệnh tiêu hóa.
Cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là đối với bánh kẹo nhập khẩu. Hãy tìm mua từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.
Với các loại hoa quả, tùy theo từng loại quả để có cách nhận biết khác nhau về mức độ tươi ngon. Bạn cần quan tâm đến màu sắc lớp vỏ, trọng lượng và màu sắc ruột quả có sặc sỡ hay không. Các loại rau, quả tươi phải giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ; Với rau, quả ăn sống phải ngâm, rửa bằng nước sạch, gọt bỏ vỏ.
Khi mua thủy sản, nên chọn thủy sản còn tươi, chọn cá, cũng cần lưu ý đến lớp màng ngoài của thịt cá phải khô ráo, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, miếng thịt cá phải có độ rắn chắc, đàn hồi cao, khi lấy ngón tay ấn vào không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính, và đặc biệt, không nên ăn hải sản ở những vùng sông, biển bị ô nhiễm.
Lựa chọn kỹ thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn có nhãn ghi đầy đủ nội dung. Không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm nguy hiểm. Mua các loại phụ gia, gia vị đóng gói sẵn, có nhãn mác của những công ty, xí nghiệp uy tín trong và ngoài nước.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong những ngày Tết
Bên cạnh việc chọn mua thực phẩm cẩn thận thì việc vệ sinh thực phẩm cũng cần được lưu ý. Các loại thực phẩm sống như thịt, cá, hải sản không chỉ rửa với nước sạch là đủ mà bạn cần dùng thêm muối, giấm hoặc chanh để loại bỏ tạp chất và khử bỏ mùi tanh.
Với rau củ quả, thường ẩn chứa nhiều dư lượng thuốc trừ sâu nên bạn cần ngâm rau củ quả trong nước sạch khoảng 5-10 phút mới rửa hoặc dùng nước vo gạo, nước muối pha loãng để ngâm rồi sau đó rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước.
Để có một cái Tết an toàn, bạn cũng cần quan tâm đến các dụng cụ chế biến thực phẩm như dao, thớt – nơi tiềm ẩn rất nhiều vi khuẩn có hại. Nên dùng riêng thớt cho thực phẩm tươi sống như thịt, cá; thớt riêng cho rau củ quả và một chiếc thớt để xắt thực phẩm đã nấu chín. Dao cũng nên phân biệt nhiều loại như dao cắt thịt, dao cắt thực phẩm chín, dao cắt rau và dao gọt trái cây. Sau khi nấu xong, bạn nên vệ sinh sạch bằng nước rửa chén và lau khô dao thớt, treo lên giá chứ không nên để chụm lại dễ gây ẩm mốc, gỉ sét.
Bạn cũng không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày Tết do để lâu sẽ bị hư hỏng, mất chất nếu bảo quản không đúng cách. Bảo quản thức ăn sống, chín riêng biệt phòng tránh nhiễm khuẩn chéo. Không nên để nhiều thực phẩm trong tủ lạnh, vì nếu không đủ độ lạnh cần thiết, thực phẩm sẽ phát sinh vi khuẩn gây bệnh. Bảo quản thực phẩm bằng dụng cụ chứa đựng kín để bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và động vật gây hại khác.
Khi chế biến thức ăn, nên dự tính lượng thức ăn vừa đủ dùng để không phải hâm lại thức ăn nhiều lần làm giảm chất lượng và không bảo đảm hoàn toàn yêu cầu ATTP. Cần nấu kỹ thực phẩm với nhiệt độ ít nhất là 70°C và nên ăn ngay thức ăn khi vừa được nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 giờ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 giờ, phải được đun kỹ lại.
Trong những ngày Tết, không nên ăn quá nhiều thức ăn, nhất là những loại thức ăn có dầu mỡ vì dễ tích tụ năng lượng dư thừa gây tăng cân và béo phì. Đặc biệt, người đang có bệnh phải ăn uống theo chỉ dẫn của y bác sĩ. Nên kết hợp ăn uống hợp lý với vận động, tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; Không nên uống rượu, bia nhiều trong những ngày Tết để bảo đảm sức khỏe.
Các bạn hãy chú ý bảo vệ an toàn sức khỏe cho người thân và gia đình trong những ngày Tết Nguyên đán để có kỳ nghỉ lễ vui vẻ trọn vẹn./
Tuấn Minh (t/h)