• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn tượng Sài Gòn

13/11/2017 14:38

(Cinet)- Sài Gòn vốn được mệnh danh là hòn ngọc viễn đông. Thành phố này không chỉ sở hữu cho mình vẻ đẹp lộng lẫy của một đô thị bậc nhất cả nước mà còn ẩn chứa bên trong nó nhiều điều bất ngờ thú vị…

(Cinet)- Sài Gòn vốn được mệnh danh là hòn ngọc viễn đông. Thành phố này không chỉ sở hữu cho mình vẻ đẹp lộng lẫy của một đô thị bậc nhất cả nước mà còn ẩn chứa bên trong nó nhiều điều bất ngờ thú vị…



Những di tích lịch sử, văn hóa



Nếu ai đã đến trung tâm Sài Gòn, hãy một lần ghé thăm dinh Độc Lập, hay còn gọi là dinh Thống Nhất - một công trình tọa lạc trên mảnh đất rộng 15ha ngay giữa trung tâm thành phố. Công trình in đậm dấu ấn thời gian và lịch sử nhưng cũng rất nên thơ và lãng mạn…

Dinh Độc Lập hay Dinh Thống Nhất. (Ảnh: Nguyên Hà)



Công trình này được khởi công năm 1868 và hoàn thành năm 1871, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Và khi hoàn thành, Dinh được gọi với cái tên tiếng Pháp là Norodom. Từ năm 1871-1887, Dinh là nơi làm việc của Thống đốc Nam Kỳ nên nhiều người vẫn gọi là Dinh Thống Đốc. Từ năm 1887-1945, Dinh lại được gọi với cái tên khác là Dinh Toàn Quyền. Sau thế chiến thứ II, Dinh Norodom trở thành trụ sở của quân đội Pháp ở Việt Nam. Năm 1955, dưới thời Ngô Đình Diệm, Dinh được đặt tên chính thức là Dinh Độc Lập. Năm 1962, Dinh Độc Lập được xây dựng lại và hoàn thành 4 năm sau đó. Lúc này, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người thiết kế bản vẽ, kiến trúc cho công trình. Ông là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đạt giải thưởng Khôi Nguyên La Mã về lĩnh vực kiến trúc. Đối với công trình này của ông, ngày nay, khi đến tham quan Dinh Độc Lập, du khách sẽ dễ dàng nhận ra sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc hiện đại phương Tây và truyền thống cổ điển phương Đông.

 
Bên trong Dinh Độc Lập. (Ảnh: Nguyên Hà)



Dinh Độc Lập được xây dựng gồm 3 tầng chính, 2 gác lửng, một sân thượng và một tầng hầm. Dinh có khoảng 100 phòng được trang trí theo nhiều phong cách khác nhau để phù hợp với công năng sử dụng. Dinh nằm trong khuôn viên đất rộng, có nhiều mảng xanh được tạo từ cây cỏ và đài phun nước… Bên ngoài, một số khu vực Dinh còn lưu giữ lại các hiện vật chiến tranh một thời trong sự kiện 30/4/1975 lịch sử. Điểm đặc biệt của Dinh Độc Lập là được thiết kế giống như những chữ tượng hình. Đây được cho là nét kiến trúc truyền thống phương Đông. Theo đó, tổng thể Dinh Độc Lập là hình chữ “CÁT” (trong nghĩa cát tường, tốt lành, may mắn) và cột cờ nằm ở vị trí chính giữa tạo hình chữ “TRUNG” (trong nghĩa trung thành, trung kiên)…

Khách du lịch thăm quan Dinh Độc Lập. (Ảnh: Nguyên Hà)



Năm 2009, Dinh Độc Lập được công nhận là một trong 10 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước. Chính vì vậy, đây luôn là điểm tham quan thu hút số lượng du khách nhiều nhất của thành phố.



Một điểm thăm quan cũng không kém phần hấp dẫn là Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn hay còn gọi tắt là nhà thờ Đức Bà.



Nhà thờ Đức Bà xây năm 1877, hoàn thành sau 3 năm và được Tòa thánh Vatican phong hàng tiểu Vương cung Thánh đường từ năm 1959 (tên chính thức là Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội).

Nhà thờ Đức Bà. (Ảnh: Nguyên Hà)



Đây là công trình kiến trúc đặc sắc từ thời Pháp thuộc do kiến trúc sư J.Bourard thiết kế. Toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít được mang từ Pháp sang. Mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, không tô trát, không bám bụi rêu, hiện vẫn còn màu sắc hồng tươi.



Sau 140 năm hoạt động nhà thờ Đức Bà đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có hệ thống mái ngói và hệ thống thoát nước, cửa sổ... Hiện nhà thờ Đức Bà đang được trùng tu và dự kiến kéo dài 2 năm.



Những con phố độc đáo



Dù không có 36 phố phường với những mặt hàng kinh doanh đặc trưng như ở Hà Nội, nhưng ở Sài Gòn đâu đó vẫn có những con đường, góc phố mà mỗi khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay đến những cửa hiệu san sát với mặt hàng kinh doanh giống nhau. Đó là phố đồ cổ, phố sách cũ hay phố đàn…



Chỉ một đoạn đường ngắn khoảng chừng 200 mét nhưng con đường Lê Công Kiều (quận 1) lại chứa đựng trong lòng nó cả kho tàng lịch sử văn hóa của dân tộc được tái hiện qua những món đồ cổ. Không ai biết con phố này hình thành từ khi nào, chỉ biết nó đã và đang trở thành địa chỉ quen thuộc không chỉ đối với những người thích sưu tầm đổ cổ, mà còn là địa điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến Sài Gòn.

Phố sách cũ Trần Nhân Tôn. (Ảnh: muctim.com.vn)



Con phố Trần Nhân Tôn (quận 5) trở thành địa điểm mua bán, trao đổi sách cũ nổi tiếng nhất Sài Gòn. Khách của các cửa hàng này thường là người yêu sách, muốn tìm kiếm một tác phẩm nào đó của ngày xưa mà giờ đã không còn tái bản. Nên bạn đừng ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh một người khách mất cả ngày trời lang thang trong các cửa hiệu với mong muốn duy nhất là tìm thấy cuốn sách mình ưa thích đang nằm đâu đó giữa hàng triệu cuốn sách ở đây.



Với những tín đồ của âm nhạc, đoạn đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) là địa chỉ quen thuộc nếu muốn tìm mua một loại nhạc cụ nào đấy. Đến đây, bạn như lạc vào thế giới của âm nhạc với đủ loại nhạc cụ như đàn tranh, đàn bầu, sáo, tiêu cho đến violon, guitar... Không chỉ bán các nhạc cụ có sẵn, các cửa hiệu ở đây còn nhận sản xuất nhạc cụ theo ý thích của khách hàng.



Những món ăn vỉa hè



Ẩm thực Sài Gòn, một nơi hội tụ nét văn hóa ẩm thực đặc trưng nhiều vùng miền khác nhau. Các món ngon không chỉ được phục vụ trong những nhà hàng, quán ăn sang trọng mà ngay cả ẩm thực vỉa hè cũng như một mê lộ khiến bạn khó lòng mà thoát ra được. Các món ăn vặt vỉa hè Sài Gòn có một mức giá bình dân nhưng hương vị ngon tuyệt, lạ miệng mà ai đã từng nếm qua thì không dễ dàng quên được.



Bánh tráng trộn là một trong số những món ăn vặt có nguyên liệu chế biến đơn giản nhất nhưng rất ngon. Chỉ với nguyên liệu đơn giản như bánh tráng cắt sợi, trộn với tôm khô chiên mỡ, hành phi, ruốc (nhỏ hơn tôm khô), đậu phộng, trứng cút, bò khô, xoài, rau răm trộn đều với nước mắm sốt me ngọt, món ăn mang một hương vị khá thơm ngon, ăn hoài không chán.



Bột chiên là món ăn đơn giản làm từ bột gạo, giòn bên ngoài, dẻo bên trong, là món vặt hết sức hấp dẫn. Tùy từng nơi và khẩu vị khách mà món bột chiên sẽ được chế biến khác nhau. Những miếng bột vàng giòn, điểm chút xanh của hành lá, phơn phớt đu đủ, đo đỏ của tương ớt, thơm lừng trứng chiên đã làm mê mẩn bao cư dân Sài Gòn.

Những hàng ăn vỉa hè luôn đông khách. (Ảnh: kenh14.vn)



Không ngọt gắt như chè Huế, nhiều hương liệu như chè Bắc, chè Sài Gòn ngọt thanh bởi nước cốt dừa, đá bào. Đặc biệt, chè Sài Gòn có những biến tấu thú vị với mứt trái cây thái chỉ, cốm dẹp, bột báng…



Bò bía là món ăn dân dã, cách làm vô cùng đơn giản. Chỉ cần cuốn hỗn hợp củ sắn, tép khô, xà lách, rau thơm, lạp xưởng, trứng trong một miếng bánh tráng mỏng là đã có một cuốn bò bía. Bò bía ngon ở nước chấm. Tương hột được chưng lên là món chấm không thể thiếu của bò bía miền Nam. Nước chấm phải vừa đủ ngọt của đường, hơi cay của ớt, beo béo của dầu và bùi bùi của đậu phộng. Người lần đầu ăn loại nước chấm này sẽ thấy vị thật lạ, nhưng đã ăn một lần thì rất khó quên hương vị nước chấm này.



Món ăn vặt thường được bán trên chiếc xe đẩy lưu động dọc lề đường. Đi ngang qua chiếc xe bắp xào, mùi thơm của bơ quyện với mùi hành nóng khiến nhiều người phải dừng xe lại mua ngay một hộp. Từng hạt bắp vàng thấm bơ, mỡ hành, kèm theo con tép nhỏ nhỏ ăn mặn mặn rất ngon.



Khi trời Sài Gòn đi hết hai mùa tuần hoàn, và khi tôi còn chưa rời khỏi lòng Sài Gòn, tôi đã thấy nhớ. Một quãng thời gian ở Sài Gòn tuy không dài nhưng nó cho tôi cảm nhận một Sài Gòn thật đẹp…



Bình Nguyên
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ