• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn tượng văn chương 2009

18/01/2010 08:07

So với vài năm trước, diện mạo văn chương Việt Nam năm 2009 tỏ ra có ấn tượng hơn

So với vài năm trước, diện mạo văn chương Việt Nam năm 2009 tỏ ra có ấn tượng hơn

Nhiều cuộc thi sáng tác thơ văn vào giai đoạn nước rút

Từ các cuộc thi này đã có những thành công mới; một vài xu hướng phát triển của thể loại qua diễn biến các cuộc thi đã phát lộ. Có thể kể tên một số cuộc thi đó là:

Trên Tạp chí Văn nghệ quân đội có: Thi truyện ngắn và Thi thơ; Tại báo Văn nghệ có: Thi thơ về Hà Nội; Thi truyện ngắn, bút kí, phóng sự về ngành giáo dục và Thi bình chọn 100 câu thơ hay mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; còn Tạp chí Nhà văn thì có Thi bút kí.

Hưởng ứng các cuộc thi này không chỉ có các nhà văn nhà thơ đã có nhiều thành quả, mà có rất đông lực lượng viết mới và trẻ tham gia đang cư ngụ tại nhiều nơi trong cả nước và một số cây bút ở nước ngoài.

Bên cạnh các báo chí chuyên ngành văn nghệ trên, nhiều báo chí khác cũng tổ chức những cuộc vận động sáng tác và đăng tải nhiều sáng tác mới dự thi, nhất là nhóm báo chí của ngành giáo dục như Giáo dục và thời đại, Văn học và tuổi trẻ, Thế giới mới...

 Đã xuất hiện thêm một số tác giả mới

Có thể kể: Di Li (tên khai sinh là Nguyễn Thị Diệu Linh, giảng viên một trường thương mại - du lịch ở Hà Nội), Di Li không tham gia các cuộc thi trên, mà mải miết viết, dịch, chỉ riêng năm 2009 đã xuất bản được bốn tập sách: Trại hoa đỏ (tiểu thuyết), 7 ngày trên sa mạc (tập truyện ngắn), Bóng đêm bao trùm (tập truyện ngắn, tuyển dịch từ tiếng Anh), và tập bút kí du khảo Đảo thiên đường, tất cả, hơn 1000 trang.

Đặc biệt trẻ trung là một số tác giả mới như Uông Triều, Nguyễn Phú, Trần Nguyễn Anh, Xuân Đức, Thiên Di, Hoàng Phương Nhâm, Kiều Bích Hậu... đang nổi lên từ cuộc thi truyện ngắn ở Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ở họ, mỗi người một vẻ, nhưng tập hợp lại, dễ cho ta cảm nhận về một lứa, một dàn tác giả văn xuôi mới đã hình thành: họ có thể viết về đời sống hôm nay đã đành, họ còn tái tạo lại cả cuộc chiến tranh vừa qua và một phần lịch sử của ông cha từ cả trăm năm trước bằng các lối viết hoặc là chân thực, nghiêm cẩn, hoặc là đầy trí tưởng nên thơ.

Nhìn về lực lượng ở các địa phương, thấy có một số cây bút trẻ nữa như Vi Thị Thu Đạm (Văn - Lạng Sơn), Nguyễn Thị Ngọc Yến (Văn - Yên Bái), Hương Duyên (Văn - Quảng Bình), Vũ Thị Hạnh (Văn - Quảng Ninh), Huỳnh Thuý Kiều (Thơ - Cà Mau), Trương Thị Thanh Hiền (Văn - An Giang), Trần Mỹ Hiền (Văn - An Giang), Lê Thanh My (Thơ - An Giang)... Điều đáng vui mừng là tuy mới trình làng, các cây bút này đã tỏ ra song hành được với văn thơ cả nước, tạo thêm sự đa dạng nào đó cho diễn đàn văn học.

So với văn xuôi, sự xuất hiện của các tác giả mới trên lĩnh vực thơ ca năm 2009 này không rầm rộ bằng, sức cuốn hút, lan tỏa của họ cũng chưa thật sâu rộng bằng. Tuy vậy, qua các Sân thơ trẻ ở Văn Miếu Hà Nội dịp đầu năm và qua các cuộc trình diễn về sau trên các báo chí và hội thảo, cũng có thể ghi nhận sự có mặt của một số người như: Lữ Thị Mai, Điệp Giang, Lệ Bình Quan, Hoàng Chiến Thắng, Khúc Hồng Thiện, Thụy Anh, Phan Quế Mai, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Quang Hưng... Sự xuất hiện đông vui của họ khiến người quan sát nhớ đến Lê Vĩnh Tài và cả Đỗ Trí Vương, Đỗ Doãn Phương nữa... Trên con đường tìm tòi và cố gắng tạo dựng được bản sắc riêng, lớp thơ trẻ này đã cho ta thấy ở họ một sự quả cảm, thông minh trong khai thác chủ thể nghệ thuật và một thứ giọng điệu tự nhiên mà kín đáo, có mượt mà và cũng có căng thẳng khi phải chọn lựa.

Những tác giả đã thành danh đang cố vượt lên

Chắc họ vẫn ấp ủ dự định, vẫn viết... nhưng sự có mặt bằng tác phẩm với văn thi đàn không nhiều và đều như trước. Mặc dù vậy, ai đã xuất hiện, thì cũng để lại sự luận bàn. Chẳng hạn: Bảo Ninh có tập Chuyện xưa kết đi, được chưa?, Sương Nguyệt Minh có Dị hương, Dương Duy Ngữ có Linh khí, Trần Diễn có Người con di trú, Nguyễn Nhật ánh có Tôi và Bêtô, Cao Duy Sơn viết Chòm ba nhà, còn Mã A Lềnh lại có mặt bằng tập Rừng hoang, Nguyễn Ngọc Tư có Khói trời lộng lẫy, Phong Điệp tuổi đời còn trẻ nhưng tuổi văn đã hơn mười năm thì có tiểu thuyết Blogger... Văn chương của các tác giả này điềm đạm, chừng mực và cũng có đột phá trong khai thác đề tài, trong tư duy và xử lý nghệ thuật.

Các cô giáo chuyển ngành như Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Anh Thư,... tiếp tục có mặt với văn đàn bằng các tác phẩm phản ánh được muôn mặt của đời thường với chất văn xuôi đã thuần thục và có biến hóa cho phù hợp với cốt truyện và tư tưởng chủ đề. Đó là các tác phẩm: Thế giới tối đen (Võ Thị Xuân Hà), Năm thằng cao kều (Nguyễn Thị Anh Thư), 24 giờ lên đỉnh (Nguyễn Thị Anh Thư),,...

Làm nên một ít ấn tượng nào đó về chất lượng của thơ năm 2009 có lẽ vẫn là các nhà thơ đã có mặt với thi đàn nhiều năm nay với chừng dăm bảy trường ca, mà tiêu biểu là Thanh Thảo với Metro, Lê Anh Dũng với Dòng sông di sản. Nguyễn Thái Sơn với Chiến tranh chín khúc tưởng niệm, Ngọc Bái với Con của phù sa. Các trường ca và các tác giả này đã làm việc khơi lại một mạch nguồn mà có lúc ngỡ như bị quên đi.

Còn một số nhà thơ khác thì ra tập mới: Nguyễn Hoa có Lửa mát, Mai Văn Phấn có Hôm sau, Kim Chuông có Ở một góc cuộc đời, Dương Huy có Mùa xuân màu gì viết cho thiếu nhi, Hà Lâm Kỳ có Lời riêng viết cho ai đọc cũng được. Lê Quang Trang và Lê Huy Quang lại tự làm thơ chọn cho mình, Gió vẫn thổi về từ biển và Phải khác khá dày dặn, tuyển từ chừng bốn chục năm sáng tác của các ông, như một chiêm nghiệm, lại như một khẳng định về con đường nghệ thuật. Các tác phẩm của những tác giả lâu năm này đang tạo ra sự chú ý.

Phê bình, lí luận văn chương có sôi động hơn trước

Nhận định này có thể thấy ở hai biểu hiện:

1) Đã có một loạt cuộc toạ đàm, hội thảo bàn về một số vấn đề chiến lược và một số hiện tượng nổi bật có tính chất thời sự được mở ra, có sự tham gia đối thoại trực tiếp giữa người sáng tác và “anh” lý luận phê bình. Ví dụ, tại Hội trường lớn Hội Nhà văn Việt Nam, là: Hội thảo về Vốn liếng của nhà văn, Truyện ngắn và tiểu thuyết của Di Li, Tác phẩm của Phong Điệp, Văn học thiếu nhi với người viết hôm nay, Thơ trẻ 3600...; tại Phú Thọ là hội thảo Nhà văn Ngô Ngọc Bội và nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn với đề tài Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân; tại Nghệ An là tọa đàm Văn xuôi của nhà văn Bá Dũng, tại Ninh Bình là hội thảo về Nâng cao chất lượng tạp chí Văn nghệ địa phương...

2) Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương cũng mở liên tiếp bốn cuộc hội thảo - bồi dưỡng - tập huấn về lý luận phê bình VHNT, trao đổi về hiện tình văn nghệ và gợi ra cách thức quản lý, chỉ đạo VHNT sao cho thích hợp với bối cảnh mở cửa và hội nhập đương đại cho bốn khu vực của cả nước tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Huế và Cần Thơ; Hội đồng cũng tổ chức được cuộc hội thảo toàn quốc tại Hội An với chủ đề Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay.

3) Hòa nhịp với không khí đối thoại thẳng thắn trên tinh thần nêu cao trách nhiệm, động viên mọi tài năng và công sức cho sáng tạo văn chương, trong năm 2009 cũng đã có thêm một số cuốn lý luận phê bình văn chương đáng chú ý mà hầu hết, đều là do các nhà giáo viết ra: Đầu năm 2009 GS Hà Minh Đức ra liền hai tập Người của một thời và Xuân Diệu “vây giữa tình yêu”, giữa năm nhà giáo Phạm Phú Phong có tập Mây của trời rồi gió cuốn bay đi, và nhà thơ - cô giáo chuyển ngành Lê Khánh Mai trình làng cuốn Vọng âm của mạch ngầm.

Các ấn tượng - thành quả trên của văn chương - văn học năm 2009 báo hiệu là sang năm 2010, văn chương - văn học ta có khả năng phát triển đa sắc màu hơn.



Theo GDTD

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ