• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Anh hùng lao động Hoàng Vĩnh Giang: "Một đời vì sự nghiệp thể thao"

Thể thao 11/09/2021 20:00

(Tổ Quốc) - Suốt cuộc đời người Anh hùng lao động Hoàng Vĩnh Giang luôn gắn liền với sự phát triển của ngành thể thao Việt Nam.

Ông Hoàng Vĩnh Giang sinh năm 1946, là con của cố Giáo sư, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám. Trong sự nghiệp, ông Hoàng Vĩnh Giang từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng của ngành thể thao Việt Nam như Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam nhiều kỳ SEA Games, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC)…

Với những đóng góp to lớn cho ngành thể thao nước nhà, ông Hoàng Vĩnh Giang đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động (2006), Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú (2010), Huân chương Lao động hạng Nhì (2004). Ông cũng vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng Nhì do nước bạn Lào trao tặng cho các tập thể, cá nhân Việt Nam năm 2010.

Cha đẻ chiến lược “đi tắt, đón đầu”

Dưới thời ông Hoàng Vĩnh Giang, thành tích của thể thao Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh khi đạt được nhiều thành công ở các kỳ SEA Games tại nhiều môn mũi nhọn.

Anh hùng lao động Hoàng Vĩnh Giang: "Một đời vì sự nghiệp thể thao" - Ảnh 1.

Ông Hoàng Vĩnh Giang, người luôn hết lòng vì thể thao nước nhà

Tuy nhiên, dấu ấn lớn nhất gắn liền với sự nghiệp của ông chắc chắn là chiến lược "đi tắt, đón đầu". Được mệnh danh là "kiến trúc sư" trưởng chiến lược “đi tắt, đón đầu”, ông Hoàng Vĩnh Giang đã đưa nhiều VĐV đi tập huấn ở Trung Quốc và nước ngoài. Vào thời điểm ấy, thông tin về những VĐV Việt Nam đang được "giăng kín" tại những địa phương mạnh ở Trung Quốc đã khiến nhiều người giật mình. Đây được xem là bước đầu cho sự phát triển mạnh của các môn thể thao mũi nhọn của Việt Nam điển hình là Điền kinh và một số môn khác.

Với sự am hiểu về các trung tâm huấn luyện, địa thế, địa hình, khí hậu, ông Hoàng Vinh Giang đã lựa chọn tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cho chuyến tập huấn của môn Điền kinh. Ông nhận định, Vân Nam có khí hậu giống Sapa (Đà Lạt, Việt Nam) và sở hữu đồi dốc chập chùng. Hơn nữa, khi tập luyện ở khu vực có độ cao 2.000m so với mặt nước biển, buồng phổi của các VĐV chạy dài sẽ luôn phải chống chọi với tình trạng yếm khí do bầu không khí loãng.

Cùng với điều kiện tự nhiên, phương pháp huấn luyện "lấy lượng tăng chất" đã cho "ra lò" những Phan Văn Hóa và Phạm Đình Khánh Đoan cùng những tấm HCV ở cự ly 800m nam và nữ tại SEA Games 21 hay những Lan Anh, Trúc Vân... từng ba lần liên tiếp giữ địa vị thống trị ở các cự ly 800m nữ tại SEA Games...

Người hồi sinh võ cổ truyền từ 2 chiếc container

Bén duyên với võ thuật từ khi còn bé, thế nhưng ông Hoàng Vĩnh Giang lại khởi đầu với quyền anh và một số môn võ cổ truyền về thiếu lâm rồi nghiên cứu thêm tài liệu thuyết âm dương cùng một số phương pháp luyện tập nội công. Tuy nhiên, con đường võ học của võ sư Hoàng Vĩnh Giang chỉ thực sự bắt đầu khi gặp được hai người thầy của phái Vịnh Xuân là võ sư Nguyễn Xuân Thi và võ sư Trần Thúc Tiển.

Anh hùng lao động Hoàng Vĩnh Giang: "Một đời vì sự nghiệp thể thao" - Ảnh 2.

Ông Hoàng Vĩnh Giang chụp ảnh cùng các lứa VĐV

Năm 1978, ông Hoàng Vĩnh Giang lên đường sang Liên Xô (nay là Nga) làm nghiên cứu sinh luận án về “sử dụng phương pháp đặc dụng đặc biệt để huấn luyện sức bền của các VĐV chuyên môn cự ly trung bình” với phương pháp luyện tập từ trên núi cao xuống bình nguyên để tăng khả năng yếm khí của VĐV. Tuy nhiên, do một số lý do khách quan nên luận án đã chuyển sang đề tài “nhịn thở cũng có thể tăng sức bền cho VĐV”.

Vào thời điểm đấy, một mặt ông Hoàng Vĩnh Giang vừa làm đề tài, một mặt chủ động tìm một số người học trò người Nga hứng thú với việc tìm hiểu về võ thuật phương Đông để tập luyện cùng. Do được thừa hưởng uy tín rất lớn từ Lý Tiểu Long nên khi nhắc đến ông như một võ sư của Việt Nam, học sinh đã kéo đến rất đông từ tỉnh, thành phố khác đến xin theo học. Trong số các môn sinh thời bấy giờ theo học võ sư Hoàng Vĩnh Giang tại Nga có sự góp mặt của hiệu trưởng trường Đại học Thể dục Thể thao Kiev. Dù là một nhà khoa học về lý thuyết, khoa học huấn luyện, chuyên về bơi lội nhưng ông rất đam mê võ thuật và đây cũng chính là người đã trực tiếp gom tặng trang thiết bị luyện thể thao như kiếm, găng tay, bao... Theo đó, số lượng đồ dùng trang thiết bị được góp lại lên tới 2 chiếc container đủ dùng trong 5-7 năm chuyển về Việt Nam.

Với sự trợ giúp của hai HLV chuyển từ môn bóng đá sang là Nguyễn Mạnh Hùng và Phạm Quốc Trọng, ông Hoàng Vĩnh Giang đã giúp khôi phục lại môn đấu kiếm vào năm 2001, sau khi bộ môn này đi xuống do hết trang thiết bị từ những năm 92,93. Chỉ sau 2 năm khôi phục, môn đấu kiếm trở thành một môn thế mạnh của thể thao Việt Nam tại SEA Games 2003. Đấu kiếm đã mang về 3 HCV trong tổng số 12 HC bộ của môn Đấu kiếm.

Có thể nói, thông qua 2 cái container đấy, những môn đối kháng võ thuật của Việt Nam phát triển hết sức mạnh mẽ và tạo bước đệm cho những môn võ thuật khác như Pencak Silat, Wushu.. sau này./.


Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ