• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Anh thương binh và hành trình viết tiếp ước mơ giản dị của những người lành lặn

Văn hoá 27/07/2019 15:25

(Tổ Quốc) - Ở khu phố Định Công Thượng (Hoàng Mai, Hà Nội) nhiều năm nay mọi người đã quen thuộc với lò bánh mì của vợ chồng anh thương binh Lê Văn Tuân. Đến đây, không chỉ để mua bánh mọi người còn cảm nhận được cuộc sống vợ chồng ân tình, ấm áp đầy hạnh phúc của một gia đình.

Những vết thương cứa vào tuổi đôi mươi

Nói về vết thương cách đây đúng 18 năm, giờ đây anh Tuân cũng không quá đau buồn mà chấp nhận đó là một giai đoạn trong cuộc đời của mình để tự vươn lên.

Anh Lê Văn Tuân sinh năm 1981, quê ở Lý Nhân, Hà Nam. Năm 18 tuổi anh nhập ngũ, đóng quân tại Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 (Sông Công, Thái Nguyên). Cách đây 18 năm, trong trận diễn tập cấp Trung đoàn tại trường bắn Xuân Bảng, Sóc Sơn, khi đã đánh xong mũi của mình, anh lên quả đồi 59A của trung đội trưởng, thực hiện nhiệm vụ của người lính công binh là tháo kíp nổ và đã bị nổ.

thuongbinh 1

Vợ chồng anh chị Chuyên - Tuân

Khi nhìn lại những vết thương mang bên mình của một chàng trai mới ở tuổi đôi mươi anh chán nản, bế tắc, lo sợ trở thành gánh nặng của chính bản thân, gia đình và xã hội. Mình con trẻ thế này, còn bao nhiêu dự định phía trước. Vậy mà... Rồi cuộc sống có chấp nhận anh hay không?. Anh có thể xây dựng được hạnh phúc cho bản thân không, anh có cáng đáng, làm trụ cột gia đình được không?. Tất cả những câu hỏi không dễ trở lời này cứ đeo bám theo anh trong những ngày đau đớn về thể xác. Anh sẽ phải làm gì, bắt đầu như thế nào với tỉ lệ thương tật mất đến 95% sức khỏe, khi một bên mắt bị khoét bỏ, một bên thì nhìn rất mờ, tay trái bị cụt gần đến khuỷu, bàn tay phải bị mất hai ngón; tai thì một bên bị thủng màng nhĩ không nghe.

Nhưng rồi sau một thời gian điều trị bệnh anh tự nhận thấy, không có con đường nào khác, phải tự mình vươn lên bằng ý chí nghị lực.

Vượt qua những trở ngại, cuộc sống sang trang mới

Khi hỏi anh, động lực nào khiến một thanh niên với nhiều vết thương trên người như vậy lại mạnh mẽ tự vươn lên, anh cho rằng đó cũng nhờ điều kỳ diệu của tình yêu từ chị Bùi Thị Quyên (sinh năm 1981, quê Quốc Oai, Hà Nội) mang đến.

Ngay từ khi anh còn điều trị vết thương ở bệnh viện 103, anh chị đã có duyên gặp nhau, biết rõ bệnh tình của nhau. Thế rồi họ cảm thông, chia sẻ cho nhau rồi dần dần nảy sinh tình cảm.

Nhưng khi biết tình cảm đó đủ lớn để trở thành tình yêu và muốn vun vén nó thành một mái nhà thì lại có những rào cản khác. Bố mẹ gia đình chị Quyên rất lo, rất thương. Bởi anh bị thương nặng như vậy, chị lấy chồng xa, người nhà có thương cũng không thể sớm tối chạy qua đỡ đần được. Tuy nhiên nói là vậy nhưng gia đình cũng không cấm cản quyết liệt mà để cho chị tự quyết hạnh phúc riêng của mình. Cuối cùng chị đi theo tiếng gọi của trái tim, vượt qua mọi mặc cảm, chấp nhận những khó khăn phía trước để cùng anh vun vén một tổ ấm.

tuanquyen

Vợ chồng người thương binh bên cửa hàng bánh mì của mình

Cho đến giờ anh Tuân vẫn thầm cảm ơn số phận, dù bản thân không lành lặn nhưng vẫn có một người con gái chấp nhận đến với mình, vượt qua mọi khó khăn, chăm lo, gây dựng cuộc sống gia đình. Hiện giờ anh chị đã có hai đứa con, một cháu 16 tuổi và một cháu 14 tuổi. Anh cho rằng, nếu vợ anh không phải chị Quyên chắc là anh khó được như hôm nay. Hàng ngày cả anh và chị đều dậy sớm để làm bánh mì. Vất vả là vậy, nhưng không như các đồ ăn sáng khác, chỉ vất vả đến nửa buổi sáng là thời gian còn lại có thể nghỉ ngơi và chuẩn bị cho công việc ngày mai, với nhà anh chị làm bánh mì từ sáng sớm sau đó chị còn ngồi bán cả ngày. Chỉ có buổi trưa chị mới được chợp mắt một tí. Vậy mà suốt bao nhiêu năm qua chị không hề kêu ca.

Anh Tuân bảo, những ngày đầu tiên anh chị đến với nhau rồi cùng nhau gây dựng kinh tế gia đình là quãng thời gian anh khó có thể quên trong cuộc đời. Nó như một kỷ niệm đầy ấm áp sẽ theo mãi anh. Hồi hai vợ chồng mới cưới, ông bà nội cũng không có điều kiện, chỉ cho mấy chục cân gạo và đôi lợn giống. Từ hai con lợn đó anh chị gây dựng đàn lợn nái và lợn con, có những lúc lên đến 70 con. Anh chị cũng từ đó mà tích lũy được ít vốn. Nhưng chăn nuôi không thuận lợi khiến anh chị phải nghĩ cách xoay xở.

Năm 2011, anh chị lên Hà Nội mở lò bánh mì. Trừ đi các khoản chi phí, thu nhập mỗi tháng của anh chị cũng đủ để chi tiêu và dành dụm ở đất thủ đô. Còn trợ cấp thương của anh thì để nuôi hai con ăn học ở quê. Hỏi anh vì sao không mở rộng cơ sở, hay thuê thêm người làm để đỡ vất vả, anh bảo hiện giờ làm bánh mì cũng khó khăn hơn trước. Hơn nữa, mắt anh rất kém, nếu thuê người khó kiểm soát, quản lý, nên thôi hai vợ chồng chỉ làm vừa sức, đủ để trang trải cuộc sống.

Hiện giờ hai đứa con của anh chị vẫn ở quê sống cùng ông bà. Anh mong muốn vài năm nữa có thêm ít vốn sẽ chuyển một nghề khác để làm sao vừa gần con cái vừa tiếp tục ổn định kinh tế.

Anh bảo dù giờ không tránh được lúc trái gió trở trời khiến những vết thương được tấy lên nhức buốt nhưng anh vẫn cảm ơn số phận đã cho vợ con anh được khỏe mạnh. Anh cảm ơn và cảm phục tấm lòng của vợ đã gạt mọi lo lắng, trở ngại, biết trước những khó khăn phía trước mà vẫn quyết tâm đến với anh. Chính tấm lòng của chị đã thôi thúc anh cần sống tốt, vượt lên mọi thử thách để có được cuộc sống như những người bình thường khác. Với một người mang trong mình nhiều vết thương từng bi quan tương lai phía trước mà rồi tự vượt lên gây dựng mái nhà bên người vợ tần tảo và những đứa con chăm ngoan, học giỏi có lẽ đó đã là hạnh phúc mà nhiều người lành lặn mơ ước.

Đôi khi, ước mơ và hạnh phúc trong cuộc sống chỉ giản dị vậy thôi.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ