(Tổ Quốc) -Nền kinh tế của Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng trung bình gần 6,5% mỗi năm trong vòng 20 năm qua, theo đánh giá của Ngân hàng ANZ.
Tăng trưởng đặc biệt mạnh trong năm 2017 là 6.8% và ANZ Research dự báo tăng trưởng mạnh mẽ này sẽ được duy trì trong năm 2018 và 2019.
Trên thực tế, tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm nay tăng mạnh hơn dự kiến , đạt mức 7.1%. Sự phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghiệp và việc mở rộng liên tục các cơ sở sản xuất dựa trên dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đang dồi dào sẽ duy trì tăng trưởng mạnh mẽ.
Kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong 20 năm qua. |
Trong khi những ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang bắt đầu được cảm nhận thấy ở một số nước trong khu vực, đặc biệt trong việc giảm các đơn hàng xuất khẩu mới và chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI giảm tốc thì Việt Nam là một điểm sáng ở khu vực.
Chỉ số PMI của Việt Nam vẫn vững chắc và thậm chí còn có thêm các đơn đặt hàng xuất khẩu mới. Nhìn chung, sự gia tăng xu hướng bảo hộ thương mại tăng là không thuận lợi cho thương mại toàn cầu nhưng tác động của nó đối với Việt Nam có thể sẽ ít hơn so với các nước khác.
Việt Nam đã thành công trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 14 tỷ USD trong năm 2017 - tăng 12% so với năm trước. ANZ Research dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục vì Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia. Thậm chí “các ông lớn” có thể tăng tốc trong việc chuyển đổi sản xuất sang Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường thứ ba.
Việt Nam là một bên ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiện đang đàm phán Hiệp định Hợp tác kinh tế và toàn diện khu vực (RCEP) và thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu.
Việc ký kết và thực hiện thành công tất cả các thỏa thuận này sẽ nâng cao tính hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến cho FDI, cũng như thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng trung hạn của đất nước.
Mặc dù triển vọng cho nền kinh tế Việt Nam là tích cực, điều quan trọng là phải quản lý đà tăng trưởng mạnh và tránh phát triển mất cân đối để đảm bảo tính bền vững của việc mở rộng nền kinh tế.
.