• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ASEAN đang ở thời điểm "khó khăn không chùn bước, thách thức chẳng sờn lòng", thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi

Thời sự 12/11/2020 10:42

(Tổ Quốc) - Sáng ngày 12/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan.

ASEAN đang ở thời điểm "Khó khăn không chùn bước, thách thức chẳng sờn lòng", thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi - Ảnh 1.

Tới tham dự lễ khai mạc có Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh: Minh Đức)

Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 37 diễn ra trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới của COVID-19 tiếp tục tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong khi các nỗ lực mở cửa trở lại và từng bước phục hồi của các quốc gia còn gặp nhiều thách thức. Chính vì vậy, mặc dù đạt được nhiều kết quả ban đầu trong kiểm soát bệnh dịch, rất muốn và đã chuẩn bị nhiều phương pháp để tổ chức hội nghị theo hình thức trực tiếp, tuy nhiên, sau khi tham khảo các đối tác và các nước thành viên, nước chủ nhà Việt Nam đã quyết định tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tình đoàn kết, gắn bó như anh em trong một gia đình của ASEAN đã được thể hiện rõ khi các thành viên chung tay gắn kết và chủ động thích ứng trước những thử thách, khó khăn mà khu vực Đông Nam Á và thế giới phải đối mặt.

ASEAN đang ở thời điểm "Khó khăn không chùn bước, thách thức chẳng sờn lòng", thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi - Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai mạc (ảnh: Minh Đức)

Ngay sau bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, hiểu được nỗi đau của người dân và nhu cầu khôi phục để vượt qua giai đoạn cam go này, Chính phủ các nước ASEAN đã đoàn kết cùng hành động ngay từ những ngày đầu. Từ giữa tháng 2/2020, Chủ tịch ASEAN đã ra Tuyên bố về Ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát dịch COVID-19"

"Giữa tháng 4/2020, khi COVID-19 mới bùng phát, trên tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng, đã diễn ra cuộc họp Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với dịch COVID-19, lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác đã có những cam kết mạnh mẽ. Tiếp đó tới Cấp cao ASEAN-36, họp vào tháng 6/2020, các quốc gia thành viên ASEAN đã triển khai hành động mạnh mẽ ở cả cấp quốc gia và khu vực của chúng ta. Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN- 36 nhận được cam kết ủng hộ tới 10 triệu USD, sẵn sàng hỗ trợ nhu cầu chống dịch của các quốc gia", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

ASEAN đang ở thời điểm "Khó khăn không chùn bước, thách thức chẳng sờn lòng", thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc HNCC lần thứ 37 và các hội nghị liên quan (ảnh: Minh Đức)

Theo Thủ tướng, tại HNCC ASEAN lần thứ 37 lần này, các nước thành viên sẽ lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN và thông qua Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN. Với hỗ trợ của Nhật Bản, ASEAN thống nhất sẽ hành động thành lập Trung tâm khu vực ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh.

"Đây là những kết quả hợp tác thiết thực, có ý nghĩa nâng cao năng lực chung ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và nguy cơ dịch bệnh trong tương lai", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng khẳng định, đây là thời điểm "khó khăn không chùn bước, thách thức chẳng sờn lòng" cho cộng đồng ASEAN. Thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, chúng ta sẽ chính thức thông qua tại Hội nghị lần này Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai cụ thể cho cả 3 trụ cột. Các kế hoạch duy trì ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng, đẩy mạnh kết nối và khôi phục giao thương trong khu vực đang được khẩn trương thúc đẩy. Hình thành khuôn khổ đi lại an toàn cho doanh nhân, nhà đầu tư trong bối cảnh COVID-19. Trước mắt, các nhà lãnh đạo có thể xem xét mở lại lối đi chung cho công dân ASEAN tại các cửa khẩu.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hợp tác trên 3 trụ cột vẫn được triển khai tích cực, đúng tiến độ qua kết quả đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Thủ tướng nhấn mạnh nhu cầu cần thiết nâng cao năng lực thể chế và khả năng vận hành hiệu quả của bộ máy ASEAN để thích ứng với các yêu cầu, đòi hỏi trong tình hình mới…

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng cho biết, ASEAN cũng đã thể hiện nhất quán lập trường nguyên tắc và cam kết mạnh mẽ xây dựng Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và toàn cầu, trở thành vùng biển hòa bình và ổn định, an ninh và an toàn cho tự do lưu chuyển hàng hóa, nơi mà khác biệt, tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, nơi pháp luật được tôn trọng, tuân thủ và các giá trị chung được khẳng định.

Trên cơ sở tinh thần đề cao ý nghĩa của UNCLOS 1982, là khung khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển, Thủ tướng bày tỏ mong muốn sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Cấp cao giữa ASEAN với các Đối tác sẽ có ý nghĩa quan trọng trong hoàn tất triển khai các ưu tiên đề ra của năm 2020 và định hướng hợp tác trong giai đoạn tới.

Thứ nhất, ASEAN cần tập trung nguồn lực và nỗ lực ở mức cao nhất để từng bước đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh COVID-19, sớm có vaccine phòng bệnh cũng như phương thức điều trị hữu hiệu, nâng cao năng lực y tế dự phòng để đáp ứng tốt nhất với các tình huống y tế khẩn cấp, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Song song với đó, ASEAN cần đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, việc làm và sinh kế cho người dân. Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN khẩn trương bắt tay thực hiện Khung phục hồi tổng thể của ASEAN và Kế hoạch triển khai ngay sau hội nghị này. Góp phần tái định hình thế giới sau COVID-19, ASEAN cần xác lập vị trí của mình trong sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế-chính trị giữa các quốc gia cũng như những điều chỉnh của chuỗi sản xuất-cung ứng toàn cầu. Lợi thế cạnh tranh sẵn có của ASEAN cần được bổ sung thêm các giá trị của khoa học công nghệ tiên tiến, năng lực chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khả năng đa dạng hóa các thị trường đầu vào và đầu ra.

Thứ hai, Phát triển đồng đều, bền vững, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là khi dịch bệnh, thiên tai đang đe dọa làm suy giảm tăng trưởng của cả khu vực. ASEAN khẳng định cam kết và tình đoàn kết trong thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và các quốc gia, gắn kết và hài hòa các nỗ lực phát triển tiểu vùng, như Mekong, khu vực phát triển Đông ASEAN, với tiến trình phát triển chung của ASEAN.

Thứ ba, hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển. Ổn định chỉ có được khi quan hệ quốc tế được duy trì dựa trên luật lệ, các quốc gia cùng tôn trọng, hiểu biết, đối thoại, hợp tác và tin cậy lẫn nhau. ASEAN sẽ tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong dẫn dắt các tiến trình đối thoại và hợp tác sâu rộng ở khu vực; gắn kết sự tham gia, đóng góp của các đối tác vào các vấn đề thuộc quan tâm và lợi ích chung, ứng phó hữu hiệu với các thách thức.

Trước khi chính thức tuyên bố khai mạc HNCC ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định, với tinh thần đoàn kết và tự cường, ASEAN sẽ vững vàng vượt lên các thách thức, hướng tới cuộc sống ấm no, thịnh vượng cho hơn 600 triệu người dân, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ